Gỡ khó cho nợ xấu
Cập nhật lúc 01:17, Thứ tư, 17/08/2016 (GMT+7)
Con số nợ xấu tại một số ngân hàng tiếp tục tăng mạnh. Điều này thách thức đề án "phá nợ xấu", khơi thông dòng tín dụng của ngành ngân hàng. Tuy nhiên hé lộ mới từ ông Đoàn Văn Thắng - Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết, tới đây sẽ xuất hiện nhiều doanh nghiệp có chức năng mua bán nợ, giúp thị trường mua bán nợ sôi động hơn. (VAMC, gỡ khó, Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu)
Con số nợ xấu tại một số ngân hàng tiếp tục tăng mạnh. Điều này thách thức đề án “phá nợ xấu”, khơi thông dòng tín dụng của ngành ngân hàng. Tuy nhiên hé lộ mới từ ông Đoàn Văn Thắng - Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết, tới đây sẽ xuất hiện nhiều doanh nghiệp có chức năng mua bán nợ, giúp thị trường mua bán nợ sôi động hơn.
|
Ảnh minh họa |
Số liệu mới nhất được NHNN công bố, đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5/2016. Tuy nhiên có điều đáng bàn là từ năm 2014 đến nay dư nợ tín dụng của doanh nghiệp không ngừng tăng trưởng và kiện đang duy trì ở mức khoảng 60% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.
Tính đến thời điểm 31/5 dư nợ tín dụng toàn hệ thống TCTD đối với doanh nghiệp tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhất 75% và tốc độ răng trưởng dư nợ tăng nhanh nhất 18%. Vì tín dụng tăng nhanh nên tỷ lệ nợ xấu vẫn giữ trong ngưỡng an toàn 3% như đề ra.
Trong khi đó theo số liệu do các TCTD và VAMC báo cáo, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 59,71 nghìn tỷ đồng (giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, bán nợ cho VAMC (8,88 nghìn tỷ đồng), khách hàng trả nợ (30,98 nghìn tỷ đồng), sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu (7,24 nghìn tỷ đồng).
Như vậy sau 3 năm thành lập và thực hiện nhiệm vụ phá nợ xấu, VAMC chỉ mua được khoảng… 15% tổng số nợ xấu. Hiện VAMC vẫn đang nỗ lực giải quyết nợ xấu và lũy kế đến nay thu hồi được khoảng 34 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 15% khối lượng nợ mua vào. Tốc độ thu hồi nợ luôn tăng qua từng năm.
Nếu như năm 2014, VAMC chỉ thu được 5 nghìn tỷ đồng, thì đến năm 2015 đã thu được 12 nghìn tỷ đồng và cập nhật đến thời điểm này của năm 2016 thì đã thu được 11 nghìn tỷ đồng. Theo kế hoạch của VAMC năm 2015 và 2016, VAMC sẽ xử lý được 30 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Nhưng so với yêu cầu thực tiễn, xử lý nợ xấu hiện nay chưa đạt yêu cầu. Ông Đoàn Văn Thắng cũng thừa nhận việc mua bán nợ xấu hiện còn khó khăn và vướng nhất là từ hành lang pháp lý cho thị trường mua bán nợ. Hiện tại, thị trường mua nợ nợ xấu của Việt Nam chỉ có rất ít đơn vị tham gia, bao gồm VAMC, DATC và 28 AMC của các TCTD – vốn có nguồn lực rất mỏng. Nói cách khác, lực lượng mua nợ trên thị trường chủ yếu là VAMC và DATC.
Thị trường mua bán nợ không sôi động dẫn đến việc nợ mua về rồi không biết bán cho ai.“Còn với tình hình thị trường như hiện nay, chúng tôi mua nợ nhưng bán rất khó”- ông Thắng cho biết.
Để gỡ khó cho VAMC, mới đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 618/QĐ-NHNN cho phép VAMC chính thức được triển khai phương án mua – bán nợ xấu theo giá thị trường trong khuôn khổ những quy định cụ thể về phạm vi, đối tượng, điều kiện, nguyên tắc, trình tự và giá mua nợ; vốn sử dụng để mua nợ; xử lý các khoản nợ xấu đã mua. Còn VAMC cũng đang xây dựng kế hoạch mua nợ theo giá thị trường 2.000 tỷ đồng và hiện đang lên kế hoạch làm việc với từng TCTD đăng ký bán nợ cho VAMC theo giá thị trường.
Tuy nhiên, phía VAMC cũng tiết lộ, với việc mua bán nợ theo giá thị trường VAMC phải cân nhắc rất kỹ bởi nếu bán cao quá thì không ai mua, bán rẻ quá tổ chức tín dụng lại không đồng ý.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, nợ xấu cần phải giải quyết dứt điểm, nếu không sẽ tốn nguồn lực. Cái giá phải trả là các ngân hàng sẽ buộc phải tự giải quyết bằng cách tăng khoảng cách cho vay và huy động lên cao, vì thế mà lãi suất cho vay ở mức cao hơn. Điều đó dẫn đến tăng trưởng GDP chậm, phục hồi kinh tế chậm.
Theo Đại đoàn kết
.