(BVPL)-Ngày 22/6 tới đây, UBND huyện Phú Xuyên, Hà Nội sẽ tổ chức cưỡng chế đất và công trình trên đất của 6 hộ dân thôn An Khoái, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên. Lý do được UBND huyện đưa ra vì các hộ dân vi phạm hành lang an toàn giao thông (ATGT) quốc lộ QL) 1A. Còn phía người dân cho rằng việc cưỡng chế này nhằm mục đích giúp một doanh nghiệp là Hạt 5 thuộc phân khu quản lý đường bộ 236 (nay là Công ty CP Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 236) mở rộng thêm diện tích đất. Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao UBND huyện chỉ cưỡng chế 6 hộ dân (có đất liền kề Hạt 5), trong khi hàng trăm hộ dân khác cùng sống dọc QL1A lại không bị cưỡng chế?. 
 
Đất 6 hộ dân bị cưỡng chế vào ngày 22/6 tới đây có vị trí liền kề Hạt 5.
Đất 6 hộ dân bị cưỡng chế vào ngày 22/6 tới đây có vị trí liền kề Hạt 5.
 
Trong đơn gửi tới các cơ quan chức năng, đại diện 6 hộ dân gồm các ông, bà Lê Văn Thịnh, Phạm Thị Lới, Nguyễn Thị Ngọc, Đoàn Thị Yến, Đặng Thị Yến và Lê Văn Quyền cho rằng UBND huyện Phú Xuyên quy kết họ đang vi phạm hành lang ATGT QL 1A là không đúng sự thật. Suốt thời gian dài họ liên tục nhận được các văn bản cưỡng chế từ UBND huyện, sau đó lại hoãn cưỡng chế. Mới đây nhất, UBND huyện có thông báo nói rõ ngày 22/6/2017, này sẽ cho cưỡng chế. Các hộ dân này khẳng định, UBND huyện Phú Xuyên ra văn bản cưỡng chế nhưng lại không làm rõ nguồn gốc đất khi mà các hộ đã ra ở đây từ hàng chục năm trời.
 
Theo những người dân này, nguồn gốc đất của họ được mua lại từ một phần ao của cụ Dương Văn Đỗ ( tên thường gọi là cụ Đãi) để làm nhà. Theo họ, đây là ao tư nhân chứ không phải là ao công như quan điểm của UBND hai xã và UBND huyện Phú Xuyên. Vào những năm 1981 đến 1989, các hộ dân này san lấp mặt bằng hay xây dựng công trình không thấy phía UBND xã Phúc Tiến hay UBND huyện Phú Xuyên tới nhắc nhở rằng đây là đất thuộc hành lang ATGT. Trong Quyết định giải quyết khiếu nại đơn của 9 hộ dân thôn An Khoái, xã Phúc Tiến nhưng lại do UBND xã Đại Xuyên ban hành ngày 2/12/2016 cho thấy một sự thật, năm 2005 (tức hơn 10 năm sau) mới xuất hiện sổ mục kê thể hiện vị trí các gia đình đang sử dụng thuộc thửa đất số 04, tờ bản đồ số 07, hiện trạng đất là hành lang ATGT. Vậy trước khi có sổ mục kê này thì đất của các hộ có nằm trong hành lang ATGT không thì ngay cả phía chính quyền cũng không thể trả lời rõ ràng.
 
Ông Nguyễn Văn Tặng, nguyên Phó chủ tịch UBND kiêm Trưởng Công an xã Phúc Tiến thời điểm năm 1985 khẳng định, khi đương chức ông trực tiếp kiểm tra bản đồ ao cụ Đãi, cho thấy chiều dài của ao dài 64m, chạy dọc QL1A và là ao tư nhân, không hiến vào hợp tác xã. Năm 2015, phía đơn vị đo đạc thuộc Sở TN&MT cùng các cấp của huyện trong khi bàn giao bản đồ thực địa cho Hạt 5 có nói đây là mặt bằng sạch là không đúng, vì rõ ràng trên đó đang có dân ở, người dân cũng không hề được biết đất của mình bị UBND tỉnh giao cho đơn vị khác.
 
Theo các ông, bà Lê Văn Thịnh, Phạm Thị Lới, Nguyễn Thị Ngọc, Đoàn Thị Yến, Đặng Thị Yến, Lê Văn Quyền trong một buổi đối thoại với các hộ dân, ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Trưởng Phòng TN&MT huyện Phú Xuyên giải thích 6 hộ vi phạm hành lang ATGT, đã được quy định trong Nghị định số 203, ngày 21/12/1982 của Hội đồng bộ trưởng. Nhưng như những gì chúng tôi phân tích thì sau thời điểm người dân ở cả chục năm mới có sổ mục kê nói rằng đất của họ nằm trong hành lang ATGT thì liệu quy kết trên có khách quan?. Luật đất đai cũng nói rõ, việc thu hồi đất phải có kiểm đếm, đền bù…nhưng trên thực tế họ chẳng được kiểm đếm hay đền bù.
 
Những hộ dân này cũng không khỏi thắc mắc vì sao đất hành lang ATGT lại chỉ kéo dài trong phạm vi 6 hộ gia đình, lại liền kề đất Hạt 5, trong khi không ít hàng xóm của họ không bị cưỡng chế?
 
Báo BVPL tiếp tục theo dõi sự việc.
 
Nhóm PV
.