Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thừa nhận lẽ ra có thể giảm giá bán lẻ trong tháng 6 nhưng đơn vị này chưa thể ra quyết định vì còn vướng khoản lỗ do bình ổn giá lên tới 2.000 tỷ đồng trong quý I.

 
Tại buổi họp giao ban trực tuyến do Bộ Công Thương tổ chức ngày 1/8, bà Đàm Thị Huyền, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam cho hay, trong tháng 6 và 7, sản lượng tiêu thụ trong nước giảm sút, ước tháng 7 chỉ bằng 64-65% tháng cao nhất trong quý một. Nếu như trong tháng 2 và 3, lượng tiêu thụ xăng dầu có thể lên tới 860.000 m3 mỗi tháng thì nay con số này giảm xuống chỉ còn 532.000 m3.

 

Lẽ ra tháng 6 có thể giảm giá xăng dầu. Ảnh: Hoàng Hà.
Lẽ ra tháng 6 có thể giảm giá xăng dầu. Ảnh: Hoàng Hà.

 

Theo lãnh đạo Petrolimex, lượng xăng dầu bán ra trong tháng 5 và tháng 6 giảm do nguồn cầu yếu. Ngoài ra, Petrolimex đang gặp mâu thuẫn vì kinh doanh xăng dầu lỗ thì lượng bán ra rất nhiều nhưng khi có lãi thì khối lượng bán ra giảm sút. Lượng tồn kho của tổng công ty phải duy trì trong 30 ngày nhằm ổn định thị trường khi có biến động. Nhưng thực tế, vào thời điểm đầu tháng 6 vừa qua, lượng tồn kho đã lên tới hơn 40 ngày, vượt 30% quy định.

Bà Huyền cho hay, sang đến quý hai, công ty đã vượt qua một số khó khăn nhưng nhìn chung vẫn lỗ nên Petrolimex khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Trong tháng 4, tổng công ty tiếp cận được ngoại tệ nhưng đến tháng tháng 6 thì tình hình đổi chiều, Petrolimex không thể mua được. "Do chính sách thắt chặt tín dụng nên việc ngân hàng có cho vay vượt hạn mức hay ko vẫn là bài toán nan giải trong suốt 2 tháng qua", bà Huyền chia sẻ.

Lãnh đạo Petrolimex cho hay, trong tháng 6, có thể giảm giá xăng dầu, nhưng tổng công ty lại không thể đưa ra quyết định trên vì lỗ tồn lại từ quý một do thực hiện bình ổn giá lên tới 2.000 tỷ đồng. "Mặc dù Bộ Tài chính khẳng định đã có văn bản sẽ xử lý nhưng chúng tôi không biết sẽ xử lý cách nào. Nếu lấy lãi của giai đoạn sau bù lỗ cho giai đoạn trước thì chúng tôi sẽ không dám làm gì cả vì phải tích lũy để trả nợ", bà Huyền khẳng định.

Thực tế, trong 2 tháng qua, kinh doanh xăng dầu lỗ nhưng có một nghịch lý là một số đơn vị phải đưa cho đại lý một khoản thù lao, hay còn gọi là khoản chênh lệch giá khá lớn. "Nhờ vậy, mà các khâu trung gian được lợi rất nhiều. Các đại lý muốn đẩy hàng tồn kho phải qua đại lý và vì vậy mà bài toán giám giá xăng dầu cứ đi vào thế luẩn quẩn", bà Huyền bộc bạch.

Do đó, bà Huyền khẳng định, nếu không có xử lý thỏa đáng về mặt thị trường và giá cả thì nguồn áp lực đổ lên tổng công ty sẽ rất lớn. Chi phí kinh doanh xăng dầu được Bộ Tài chính thẩm định từ năm 2010 nhưng đến nay khi giá cả đã tăng cao Bộ vẫn chưa được định mức trong chi phí mới.

Để tháo gỡ khó khăn, Tổng công ty đã cố gắng đẩy mạnh bán ra, giãn hoãn hợp đồng để lượng tồn kho xăng dầu giảm từ 38 ngày xuống còn 32 ngày. Quỹ bình ổn giá sau 6 tháng 15 ngày, đến cuối tháng 7 đã dương 102 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho hay, khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã được nói đến rất nhiều. Song đây là lĩnh vực phức tạp nên cần phải tìm hiểu kỹ và cần có thông tin chính xác từ nhiều nguồn.

Một tháng đổ lại đây, giá xăng dầu thế giới giảm sút, giá dầu tại New York giảm tới 1,33 USD, xuống 94,87 USD một thùng, dầu Brent giảm còn 117,46 USD một thùng song giá xăng dầu trong nước vẫn cao. Doanh nghiệp xăng dầu lớn nhất Việt Nam, Petrolimex, càng chịu nhiều sức ép khi bất ngờ báo lãi tại bản cáo bạch cổ phần hóa trong khi liên tục kêu lỗ trước đó.

 

Đến 28/7, Petrolimex đã đấu giá thành công 27,4 triệu cổ phần trong tổng số 30 triệu cổ phần với giá bình quân là 15.032 đồng mỗi cổ phiếu. Hiện Petrolinex đang lên kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông và thành lập Công ty cổ phần Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

 

 

 

Hoàng Lan (VnE)