Hàng tồn kho chưa giải phóng được, sản xuất đình đốn, chi phí lãi vay vẫn cao, nhiều doanh nghiệp lo sợ cú sốc tăng giá điện sẽ giáng thêm đòn đau trong lúc họ đang hấp hối và càng dễ "chết" hơn.
Giá điện, xăng dầu hiện chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành sản xuất của ngành xi măng. Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Thiện - Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam một trong hai nguyên liệu đầu vào này biến động sẽ khiến doanh nghiệp điêu đứng. Ngành xi măng đang "sống dở chết dở", tồn kho lên tới 2 triệu tấn. Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản trầm lắng khiến các ngành vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng cũng ì ạch khó sống nên việc tăng giá điện chẳng khác nào để doanh nghiệp dễ chết hơn.
Hiệp hội Xi măng cho hay, 5 tháng đầu năm, sản xuất xi măng đạt khoảng 19 triệu tấn, giảm 16,8% so với cùng kỳ, tiêu thụ cũng giảm 7,8%. Mặc dù giá bán danh nghĩa không giảm nhưng thực chất ngành đã phải hạ tới 10% dưới hình thức chiết khấu để kích cầu nên không còn lãi.
Khẳng định doanh nghiệp sẽ còn khó khăn gấp bội lần nhưng lãnh đạo Hiệp hội Xi măng không muốn bình luận nhiều vì bản thân ông đã nhiều lần đề xuất chưa nên tăng giá điện nhưng "không ăn thua".
|
Từ 1/7, giá điện bán lẻ bình quân tăng 5%. Ảnh: Hoàng Lan. |
Chung tâm trạng trên, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép cho biết, giá điện chiếm khoảng 6% cơ cấu giá thành phôi thép, còn các thép thành phẩm khác chiếm gần 10%. Trung bình 1 tấn thép cần khoảng 600 kWh điện. Với mức giá tăng cho sản xuất cao nhất lên tới 281 đồng thì ngành thép sẽ bị đội giá lên tới hơn 168.000 đồng cho một tấn.
Cho rằng mức tăng 5% là chấp nhận được song lãnh đạo Hiệp hội Thép thẳng thắn, “nhà đèn” tăng giá thời điểm này chẳng khác nào "giáng đòn vào doanh nghiệp".
Doanh nghiệp sản xuất giấy cũng chung một nỗi lo khi điện tăng giá. Ông Cao Tiến Vị, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Giấy Sài Gòn, cho rằng, giá điện tăng vào thời điểm này là bất hợp lý. Theo ông, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm trong tháng 6 thực chất không phải do giá giảm hay năng suất sản xuất của doanh nghiệp tăng lên mà do hàng tồn kho quá nhiều, sức mua suy yếu.
Với mức giá điện cũ, bình quân mỗi tháng công ty ông phải trả khoảng 5 tỷ đồng tiền điện. Giờ giá điện tăng thêm 5%, hằng tháng công ty phải trả thêm hơn 250 triệu đồng, chi phí quá lớn trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn hiện nay.
“Giá điện tăng kéo hàng loạt chi phí khác lên theo nên chúng tôi sẽ phải ngậm đăng nuốt cay xác định tự bù lỗ trong thời gian tới để cầm cự qua ngày”, ông chua chát nói.
Giá xăng vừa giảm, doanh nghiệp chưa kịp mừng thì giá điện lại tăng. Ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch Công ty may Sơn Việt chia sẻ, doanh nghiệp có hàng trăm máy may công nghiệp và các máy hơi dùng để vận hành cho dây chuyền sản xuất. Ước tính mỗi tháng phái mất đến 40-50 triệu đồng tiền điện, tăng 5%, một tháng phải bỏ thêm 2-2,5 triệu đồng. Tuy nhiên, điều quan trọng là giá điện ảnh hưởng đến đầu vào. "Cứ đầu vào tăng 1 đồng, chắc chắc giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng có thể tăng 2-3 đồng", anh Xuân Anh ví dụ.
Những doanh nghiệp sản xuất, các đơn vị trong ngành dịch vụ như siêu thị, điện máy cũng lo không kém khi kinh doanh đang ế ẩm mà chi phí đầu lại đội lên. Với các quán cà phê chiếu phim khi phải xài điện từ sáng đến tối thì việc nhà đèn lên giá là một khó khăn không nhỏ. Quán cà phê phim 3D ở chung cư Bàu Cát, quận Tân Bình có 3 phòng chiếu lớn, một sảnh ngoài, sử dụng nhiều màn hình lẫn hệ thống âm thanh thì tiền điện một tháng phải đến 20 triệu đồng. "Tăng 5% tức là thêm khoảng 1 triệu mỗi tháng, điện thì không xài không được, coi như tháng này chưa làm gì đã phải gánh 1 triệu đồng", ông Đỗ Hồng Phúc, chủ quán cà phê 3D than thở.
|
Việc tăng giá điện ảnh hưởng không nhỏ tới các siêu thị. Ảnh: Hoàng Lan. |
Ông Lê Quang Vũ, Tổng giám đốc Media Mart cho biết, mỗi tháng, chi phí sử dụng điện của đơn vị này trên toàn hệ thống khoảng 500 triệu đồng. Khi giá điện tăng 5%, công ty sẽ phải đầu tư thêm 25 triệu đồng. Con số không phải quá lớn nhưng đặt trong bối cảnh cầu giảm thì doanh nghiệp gặp không ít khó khăn vì hệ thống chiếu sáng, quầy hàng, demo hình ảnh tivi, âm thanh cũng như việc chạy thử sản phẩm đều cần tiêu thụ điện để thu hút khách hàng.
Tại hệ thống siêu thị điện máy - máy tính Trần Anh, điện năng tốn khoảng 5% tổng chi phí đầu tư hằng tháng. Điều bà Đỗ Thị Thu Hường, Phó tổng giám đốc, phụ trách vấn đề tài chính của Trần Anh Computer lo lắng nhất tâm lý mua sắm của người tiêu dùng. Bởi khi tiền điện góp phần đẩy chi phí sản xuất tăng cao, hàng hóa đắt đỏ thì khách hàng cũng không còn hào hứng đi mua sắm nữa.
Tuy nhiên, cả 2 siêu thị trên đều cam kết không tăng giá sản phẩm, thay vào đó là kế hoạch tiết kiệm điện. Tương tự, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Big C Thăng Long cho biết, mỗi tháng, riêng tiền điện đã tốn đến 30% tổng chi phí dịch vụ thuê ngoài. Việc tăng giá điện mỗi lần ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh nên đơn vị này thường xuyên phải xây dựng các chương trình tiết kiệm điện. “Điều đó vừa để có vốn tái đầu tư, phát triển bền vững, vừa để bảo vệ môi trường”, ông cho biết.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, điện tăng 5% là “cơn sóng nhỏ”, nhưng mới đây nước cũng lên 50%, chi phí sản xuất, dịch vụ đều đẩy bị giá khiến người kinh doanh gặp “cơn sóng lớn”. Điều này là bất hợp lý trong bối cảnh thiểu phát và sức mua chậm như hiện nay. Ông Phú cho biết, theo ước tính, các siêu thị lớn tốn tới vài trăm triệu đồng mỗi tháng, đơn vị kinh doanh nhỏ cũng đầu tư không dưới vài chục triệu đồng tiền điện.
“Giá điện tăng tác động trực tiếp, gián tiếp đến nhiều lĩnh vực, nền kinh tế theo đó mà đã khó càng khó hơn. Tôi kiến nghị cần minh bạch giá điện, đợt tăng này là vô lý, nếu giữ độc quyền sẽ thiệt thòi cho cả người kinh doanh và tiêu dùng”, ông Phú nói.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM cũng cho biết, động thái tăng giá điện này, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều điện năng trong hiệp hội đều phản ứng mạnh. Bởi hiện nay, hàng loạt chi phí đầu vào đối với họ quá cao như lãi suất vay vốn ngân hàng, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vận chuyển... khiến doanh nghiệp phải rơi vào tình trạng khốn đốn suốt thời gian dài.
Nay giá điện tăng lên sẽ giáng thêm một đòn mạnh vào việc điều tiết giá cả của doanh nghiệp. “Điều này sẽ làm cho doanh nghiệp sản xuất trong nước không chỉ mất lợi thế cạnh tranh về giá ở ngay chính thị trường nội địa, mà còn có nguy cơ mất hẳn thị trường ở nước ngoài. Nguy hiểm hơn, là việc này còn khiến doanh nghiệp rơi vào tâm lý hoang mang, mất sức chiến đấu. Bởi càng làm chỉ càng lỗ”, ông Hưng lo lắng.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội, thay vì tăng giá điện trong bối cảnh khó khăn này, bản thân ngành điện nên hạn chế tối đa sự hao hụt trong quá trình truyền tải điện, tiết giảm tối đa chi phí trong quá trình điều hành (lương cán bộ ngành điện hiện nay vẫn thuộc top cao dù ngành này làm ăn thua lỗ)…
Trong khi đó, ông Trần Hữu Huỳnh, Phó tổng thư ký VCCI cho rằng, việc giảm giá xăng liên tiếp vừa qua khiến nhiều doanh nghiệp chưa kịp mừng thì đã hoang mang vì giá điện tăng 5% từ 1/7. Đây là 2 mặt hàng mà hầu hết đơn vị kinh doanh nào cũng phải sử dụng.
"Giá điện tăng ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh đã đành. Nhưng chỉ tác động đến những đơn vị còn 'sống' - tức là còn hoạt động, sản xuất. Thực tế, nhiều công ty hiện nay 'đắp chiếu' vì không có vốn, không tiếp cận được vốn hợp lý. Phải khơi thông nguồn vốn, đưa doanh nghiệp trở lại sản xuất thì mới tính tiếp đến những yếu tố khác”, ông Huỳnh cho biết.
Kể từ 1/7, giá bán lẻ điện sinh hoạt, kinh doanh và sản xuất đồng loạt tăng bình quân 5%. Trong đó, giá điện kinh doanh ở hạng mục đắt nhất sẽ là 3.539 đồng/kWh, tăng 170 đồng. Tăng nhiều nhất là điện cho sản xuất, với mức cao nhất áp dụng từ 1/7 sẽ là 2.306 đồng, tăng 281 đồng. |
Theo VnExpress