Cát là một trong những yếu tố cấu thành không thể thiếu trong các công trình xây dựng. Thế nhưng, có thể nhận thấy rằng, chưa bao giờ câu chuyện cát phục vụ xây dựng, san lấp lại “nóng” cả về nguồn cung cấp và giá bán như thời điểm vừa qua. Không dừng lại ở phạm vi trong tỉnh mà nhiều địa phương trong cả nước cũng đang trong tình cảnh tương tự. Ghi nhận tại Cửa hàng Vật liệu xây dựng (VLXD) Trương Minh Hồng (phường 3, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), số lượng cát mà cửa hàng này đang có khoảng vài trăm khối. Thời điểm này, cát san lấp tại đây có giá 120.000 đồng/m3, cát xây dựng (tùy theo kích cỡ hạt) dao động từ 150.000 - 220.000 đồng/m3. Mức giá này thấp hơn nhiều so với thời điểm tháng 6. Theo chủ cửa hàng này, tháng 6 là thời điểm cát khan hiếm nhất, đến mức cửa hàng không có cát để bán, giá lại cao ngất ngưởng. Hiện nay, nguồn cung cát đã khá hơn trước, thêm vào đó nhu cầu xây dựng cũng ít hơn nên bước đầu thị trường cát đã dần ổn định.
Đánh giá thêm về tình hình tăng đột biến của giá cát trong thời gian qua, ông Trần Văn Cường, chủ Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) VLXD Tư Lợi (xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cho biết, thời điểm cuối tháng 5, tháng 6 là lúc giá cát tăng đỉnh điểm. Lúc này, giá cát xây dựng tại cửa hàng bán ra ở mức 350.000 đồng/m3. Trên thị trường, giá cát bán cũng chênh lệch nhau rất nhiều. Do nguồn cung khan hiếm nên thời điểm đó chất lượng cát không được đảm bảo, dễ ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng.
“Hiện tại, giá cát Tân Châu (tỉnh An Giang) được bán ra ở mức 250.000 đồng/m3, cát nhuyễn có giá 200.000 đồng/m3. Mức giá này cao hơn khoảng 100.000 đồng/m3 so với thời điểm trước khi giá cát tăng đột biến. Dù thời điểm này nhu cầu cát xây dựng, san lấp đã giảm nên giá cát cũng đã giảm đi nhiều so với lúc cao điểm nhưng vẫn còn ở mức cao. Tình trạng thiếu hụt cát đã dần “hạ nhiệt”, mức giá này được xem là tạm chấp nhận được trong thời điểm hiện nay” - ông Cường cho biết.
Có thể nhận thấy, giá cát tăng cao, nguồn cung thiếu hụt đã tác động không nhỏ đến ngành Xây dựng, đặc biệt là các công trình xây dựng có sử dụng nhiều cát. Theo đó, các nhà thầu là những người chịu thiệt hại lớn đối với các dự án đã được ký hợp đồng trước thời điểm giá cát tăng cao. Ông Phạm Minh Khang, Giám đốc Công ty Minh Trang (Quốc lộ 50, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho) cho biết, hiện công ty đang thi công 3 công trình, trong đó 1 công trình với diện tích 1,3 ha đã san lấp, còn 2 công trình vẫn đang nằm chờ cát. Hiện công ty có khoảng 5 đơn vị đặt hàng san lấp nền móng nhưng không dám nhận do giá cát cao và thiếu hụt nguồn cung. Kể từ thời điểm cát tăng giá đột biến, công ty đã lỗ khoảng 200 triệu đồng trong các công trình.
Cũng nằm trong tình trạng tương tự, ông Lê Văn Phân, Giám đốc DNTN Xây dựng thủy lợi Đạt Quang (xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cho biết: Giá cát xây dựng được công ty nhập về với giá 230.000 đồng/m3, giá cát san lấp là 130.000 đồng/m3. Tuy nhiên, thực tế khi được bán lẻ ra thị trường thì giá cát xây dựng vào khoảng 350.000 đồng/m3, cát san lấp khoảng 200.000 đồng/m3.
“Hiện nay, nhu cầu cát xây dựng, san lấp đã giảm, thêm vào đó nguồn cung đã dồi dào hơn lúc trước nên cũng giảm áp lực tăng chi phí lên các công trình xây dựng. Lúc cao điểm của giá cát, các công trình mà công ty thi công phải ngưng lại do thiếu hụt nguồn cung. Với việc giá cát tăng gấp 3 lần, theo ước tính chi phí công trình sẽ đội lên gần 20%” - ông Phân cho biết.
Thực tế hiện nay cho thấy, tình trạng thiếu hụt nguồn cát, “sốt” giá bước đầu đã “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, giá cát hiện vẫn còn ở mức cao, từ đó làm cho chi phí các công trình xây dựng tăng thêm. Theo dự đoán của các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng, trong thời gian tới, giá cát sẽ giảm xuống nhưng sẽ không trở về mức như trước thời điểm tăng đột biến.
“Nguồn cung cát bị hạn chế không những tác động đến ngành Xây dựng mà còn ảnh hưởng đến ngành vận tải đường sông. Sà lan chở cát không vận tải thường xuyên là nguyên nhân chính dẫn đến nhu cầu đóng mới phương tiện đã giảm đi. Chính việc siết chặt khai thác cát là một trong những nguyên nhân khiến chu kỳ phát triển phương tiện của ngành đóng tàu, sà lan kết thúc sớm” - ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Rạch Gầm nhận định.