Dự án “Ngân hàng bò” được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động là một trong những dự án đặc biệt, không chỉ ở hiệu quả thiết thực mà còn ở cách thức duy trì và phát triển “ngân hàng sống” này.
 
 
Tham gia dự án, mỗi hộ gia đình nghèo được trao tặng một con bò giống trị giá 20 triệu đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Quỹ vì người nghèo tỉnh và huyện.
 
Bò giống sau khi nuôi, nếu đẻ lứa đầu là bê cái, hộ hưởng lợi tiếp tục chăm sóc bê con đến 6 tháng tuổi, rồi chuyển giao bê cho hộ nghèo khác nuôi và được hoàn toàn sở hữu con bò giống ban đầu.
 
Và cứ tiếp tục theo quy trình như vậy, số lượng bò giống được gia tăng, ngày càng có nhiều hộ gia đình nghèo trong địa phương được trợ giúp. Dự án này được triển khai tại Châu Thành, tỉnh Tây Ninh từ năm 2014 do Hội Chữ thập đỏ huyện chủ trì.
 
Sau khi dự án được triển khai, Hội Chữ thập đỏ huyện đã thông báo, phổ biến nội dung của dự án tới cán bộ Hội cơ sở. Qua danh sách rà soát, chọn lọc từ cơ sở, Hội thành lập đoàn công tác kiểm tra, khảo sát tại các hộ nhằm đánh giá thực chất để hỗ trợ đúng đối tượng.
 
Trong buổi khảo sát, cán bộ Hội trực tiếp tìm hiểu về nhu cầu, khả năng chăm sóc bò cũng như các điều kiện về chuồng trại của các hộ để có cơ sở chọn lọc. Những con bò giống đã được huyện chọn rất kỹ. Bò ở độ tuổi từ 18 đến 24 tháng, có khả năng sinh sản tốt, khoẻ mạnh, nguồn gốc rõ ràng, chủ yếu là giống bò lai sin nên phù hợp với khí hậu và tập quán chăn thả của người dân.
 
Là xã vùng sâu biên giới, đời sống người dân xã Biên Giới còn gặp nhiều khó khăn. Để giúp các hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo, ngay năm đầu triển khai dự án, Hội Chữ thập đỏ huyện đã trao 10 con bò sinh sản cho hộ nghèo xã Biên Giới. Các hộ được trao bò giống rất phấn khởi, tập trung chăm sóc cho bò phát triển tốt và sớm sinh sản.
 
Một trong những hộ dân được trao bò- gia đình anh Võ Tấn Em, ấp Rạch Tre, xã Biên Giới chia sẻ: “Được sự quan tâm của Hội Chữ thập đỏ các cấp, năm 2014 tôi đã được trao 1 con bò từ dự án “Ngân hàng bò”.
 
Nhận được bò, gia đình tôi chăm sóc rất kỹ để bò phát triển tốt, sớm sinh bê con. Đến nay, con bò cái này đã sinh được một con bê cái và đã chuyển giao cho hộ nghèo khác trong xã. Bây giờ gia đình tôi được sở hữu con bò mẹ, tôi sẽ tiếp tục chăm sóc để nó đẻ thêm nhiều lứa bê con, giúp gia đình tôi đỡ khổ hơn”.
 
Gia đình chị Trần Thị Bích Chi, ngụ ấp Bến Cầu, xã Biên Giới cũng là một trong những hộ được dự án “Ngân hàng bò” trao tặng bò giống trong tháng 8.2016. Hoàn cảnh gia đình chị rất khó khăn, không có nghề nghiệp ổn định, không có đất sản xuất, hằng ngày ai thuê gì chị cũng làm để kiếm tiền nuôi 2 con nhỏ.
 
Được dự án “Ngân hàng bò” giúp đỡ tặng 1 con bò sinh sản chị rất vui mừng. Chị tâm sự: “Gia đình tôi may mắn được hỗ trợ bò giống, tôi sẽ chăm sóc thật cẩn thận để bò phát triển tốt, hy vọng cuộc sống gia đình sẽ bớt khó khăn, vươn lên thoát nghèo”.
 
Ông Hà Quyết Thắng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Biên Giới cho biết, sau hơn 2 năm triển khai dự án “Ngân hàng bò” tại xã Biên Giới đã có 14 hộ nghèo được trao bò giống sinh sản.
 
Thấy được tính nhân văn và hiệu quả của dự án, Hội Chữ thập đỏ huyện tập trung mọi nguồn lực để mở rộng, phát huy hiệu quả dự án.
 
Năm 2016, từ nguồn vốn của Trung ương Hội Chữ thập đỏ, Quỹ vì người nghèo tỉnh và huyện, Hội Chữ thập đỏ huyện tiếp tục trao thêm 30 con bò sinh sản cho 30 hộ nghèo tại các xã Thành Long, Ninh Điền và Phước Vinh.
 
Bên cạnh đó, đối với những con bê được sinh ra từ những con bò giống trong dự án Ngân hàng bò năm 2014, Hội Chữ thập đỏ thực hiện quay vòng lần 2 và đã trao thêm được 4 con bê cái cho 4 hộ nghèo ở xã Biên Giới.
 
Kết quả sau hơn 2 năm thực hiện, Dự án “Ngân hàng bò” ở huyện Châu Thành đã trao tặng được 55 con bò giống cho 55 hộ nghèo. Đánh giá về hiệu quả của Dự án “Ngân hàng bò”, bà Nguyễn Thị Ngọc Nga, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Châu Thành, Phó trưởng Ban chương trình Dự án ngân hàng bò cho biết, Chương trình “Ngân hàng bò” lần này là một cách làm mới của Hội.
 
Trước đây Hội chỉ tặng quà, hỗ trợ khó khăn thường xuyên, đột xuất, bây giờ chuyển sang hình thức trao “cần câu” để những người dân khó khăn có tư liệu và tự mình sản xuất, nâng cao mức sống.
 
Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện dự án và nhân rộng thêm ở các xã khác trên địa bàn huyện, đồng thời phát động hội viên tham gia đóng góp và vận động các mạnh thường quân cùng chung tay thực hiện dự án để ngày càng có nhiều hộ nghèo được trợ giúp.
 
Có thể thấy, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Dự án “Ngân hàng bò” đã mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ nghèo, đó còn là sự sẻ chia, chung tay giúp đỡ người nghèo, tạo điều kiện để người nghèo phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều bò giống sinh sản được trao cho các hộ nghèo để làm “cần câu” vươn lên thoát nghèo.
 
Theo Núi Quê (Báo Tây Ninh)
.