(BVPL) - Chưa bao giờ tần suất các cuộc họp, đề xuất chính thức về giải cứu thị trường bất động sản dồn dập như hiện nay. Việc cứu BĐS đã cấp bạch hơn bao giờ hết và có lẽ sắp đến thời điểm quyết định.?
 


Vấn đề hiện nay để giải cứu thị trường bất động sản vẫn là dòng tiền. Theo phân tích của ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, Ngân hàng Nhà nước “bơm ra” 20.000 tỷ đồng cho người mua nhà vay với lãi suất 8%/năm trong vòng 10 – 15 năm. Theo ông Nghĩa, nếu căn hộ có giá 1 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước cho vay một nửa, người dân trả tiền mặt một nửa với lãi suất ưu đãi, không phải đóng thuế VAT, thì sẽ kích thích được người dân bỏ tiền mặt mua nhà.
 
Khi người dân bỏ tiền mua nhà, tức là dòng tiền trên thị trường đã có thêm 20.000 tỷ đồng nữa. Có dòng tiền mới, doanh nghiệp bán được hàng tồn kho sẽ có tiền trả cho nhà thầu. Nhà thầu cũng có tiền thanh toán cho nhà cung ứng vật tư. Có dòng tiền mới, doanh nghiệp sẽ có khả năng trả nợ gốc cho ngân hàng và như thế nợ xấu sẽ được xử lý. Hiện thị trường TP HCM đang tồn đọng khoảng 30.000 tỷ đồng hàng tồn kho và nợ xấu cho vay bất động sản là 4.145 tỷ đồng.
 
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM kiến nghị cần phải giảm lãi suất. Trong giảm lãi suất, trước hết, phải cung cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi, khoảng 8%/năm cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình mua căn hộ đầu tiên để ở, hoặc là những người đang ở chật hẹp dưới 8m2/đầu người. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng rất cần cơ cấu lại nợ, để được hưởng mức lãi suất hợp lý. Đồng thời, cũng cần sự nỗ lực chung của các Bộ.
 
Giảm lãi suất ngân hàng là nguyện vọng chung. Thế nhưng, để giảm lãi suất ngân hàng, Nhà nước lại phải tiếp tục chi tiền. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành cho rằng, nếu Nhà nước bù lãi suất 3-5% cho căn hộ dưới 2 tỷ đồng, thì trong 3 năm tốn khoảng 8.000 tỷ đồng. Việc bù này lại vào tay các nhà đầu tư, không vào tay người dân có thu nhập thấp và trung bình. Nếu Nhà nước bỏ tiền mua 25.000 căn tái định cư trị giá khoảng 25.000 tỷ đồng cứu doanh nghiệp, sau đó bán cho người tái định cư với giá trên 1 tỷ một căn thì Nhà nước không có tiền mua, người dân cũng không có tiền mua.
 
Đến thời điểm này, khó vẫn hoàn khó khi lượng hàng hóa bất động sản giá cao đang tồn kho hầu như vẫn còn nguyên, phân khúc nhà ở giá thấp đã được khởi động nhưng cung hầu như không đáng kể, các giải pháp từ phía quản lý nhà nước vẫn đang được thảo luận. Các biện pháp nhằm cứu thị trường bất động sản đã được đưa ra nhưng không thể sớm thực hiện một sớm một chiều.
 
Tất cả trông chờ vào các biện pháp giải cứu mà như lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết: Không chỉ Bộ Xây dựng, mà cả Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đều đã vào cuộc rất tích cực, quyết liệt thực hiện hàng loạt các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản”. Còn Lannxh đạo Bộ Tài chính cũng đã nhiều lần đề cạp, riêng gói tài chính cứu thị trường BĐS, Chính phủ sẽ cân nhắc dựa trên tham mưu của nhiều bộ và chuyên gia. Sắp tới sẽ có các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho BĐS và cả vật liệu xây dựng…
 

Theo VietNamnet

.