"Đem" ASEAN đến cho giới trẻ
Cập nhật lúc 14:53, Thứ hai, 19/10/2015 (GMT+7)
Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập nhằm tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho 10 quốc gia thành viên, thúc đẩy dòng chảy tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động lành nghề trong AEC. (sinh viên, hội nhập, ASEAN)
Cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập nhằm tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho 10 quốc gia thành viên, thúc đẩy dòng chảy tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động lành nghề trong AEC.
Trong bối cảnh đó, thị trường Việt Nam 90 triệu dân sẽ hòa chung vào thị trường AEC với 630 triệu dân. Vậy, cơ hội nghề nghiệp dành cho giới trẻ Việt Nam là gì, và các kỹ năng cần thiết để lao động Việt Nam có cơ hội ngay chính thị trường của mình?
Kiến thức - kỹ năng - thái độ
Ba yếu tố này đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong các buổi trò chuyện về các chuyên đề: “Tổng quan về ASEAN - từ hiệp hội đến cộng đồng”; “Cộng đồng kinh tế ASEAN thời cơ và thách thức” với sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh trong 2 tuần qua.
Th.s kinh tế Calvin P.Trần, Giám đốc ASEAN Trade Center của Tập đoàn UIMEX Hoa Kỳ, khi diễn thuyết tại Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi luôn yêu cầu các sinh viên phải học tiếng Anh để đạt những chứng chỉ quốc tế. Ngoài ra, việc học thêm một chút ngoại ngữ của các nước thành viên ASEAN cũng là lợi thế để hội nhập. Ông cho biết thêm, khi phỏng vấn bằng tiếng Anh, nhiều sinh viên Việt Nam không thể trả lời đúng với những câu hỏi của nhà tuyển dụng nên dễ bị đánh rớt.
Trả lời cho câu hỏi của sinh viên Phan Ngọc Phương Bắc (Khoa công nghệ thông tin, Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi) về những kỹ năng cần trang bị khi tìm việc trong thời hội nhập, ông Calvin P.Trần lưu ý 3 điều các sinh viên nên chuẩn bị ngay từ bây giờ, đó là: trau dồi các kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp...; nắm vững các kiến thức chuyên môn khi còn ngồi trên ghế giảng đường; tìm hiểu về văn hóa, con người của các quốc gia Đông Nam Á sẽ giúp các sinh viên ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Vấn đề được sinh viên quan tâm nhiều nhất là: “Nên tập trung đi học để có kết quả tốt hay nên đi làm thêm nhiều việc để có thêm kinh nghiệm” đều được các diễn giả cho rằng, cả hai trường hợp trên đều rất khó tìm được việc tốt khi ra trường. Họ khuyên sinh viên hãy sắp xếp thời gian hợp lý và vượt qua thử thách để có thể vừa đi làm thêm nhưng vẫn học giỏi. Vì khi đi làm mỗi người phải đối đầu với nhiều dự án và nhiều sự cạnh tranh. Những người biết quản lý thời gian và bản lĩnh thì mới là người thành công.
Mục tiêu và bản lĩnh
Trao đổi về AEC, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á TP.Hồ Chí Minh, Phó trưởng khoa nhân học, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh), chia sẻ với sinh viên Đồng Nai: “Các bạn cần có mục tiêu, quyết tâm và sư siêng năng, đó chính là nền tảng của quá trình khởi nghiệp của giới trẻ thế giới hiện nay”.
Cuối tháng 9 vừa qua, ở Đồng Nai cũng đã diễn ra chương trình “Giao lưu khởi nghiệp” giữa các doanh nhân thành đạt với hàng trăm sinh viên. Tại đây, chia sẻ với các sinh viên, bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai, cho rằng sinh viên ngay bây giờ hãy tự hỏi mình thích gì, thế mạnh của mình là gì, mình cần làm thêm, học thêm, tham gia thêm những gì để có được những kỹ năng mềm thì mới kiên định trong việc giữ ý tưởng khởi nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai, các bạn trẻ nên tự hỏi mình thích gì, từ đó tập trung tìm kiếm cơ hội phù hợp với bản thân, có thể là cơ hội thực tập tại các công ty lớn, cơ hội du học…
Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình, cũng có những góp ý: “Nếu trong gia đình, họ hàng có nghề nào thì hãy theo nghề đó, hãy quan sát bằng kiến thức và học vấn, hãy nghĩ nhỏ và khác người sẽ có cơ hội để thành công…”
Theo Báo Đồng Nai
.