Theo UBND tỉnh Bình Thuận, quỹ đất dự kiến cho mở rộng CHK Phan Thiết có diện tích khoảng 196 ha. Diện tích này đủ để xây dựng thêm 01 đường cất hạ cánh chiều dài 3.050 m, song song với đường cất hạ cánh đã được phê duyệt, đang thi công, đáp ứng khai thác cho hầu hết các loại máy bay.

Qua khảo sát sơ bộ, khu vực quỹ đất mở rộng CHK Phan Thiết chủ yếu là đất trồng cây lâu năm của các hộ dân (93 ha), đất rừng sản xuất (120 ha), do Ban Quản lý rừng Hồng Phú và Công ty TNHH Thương mại Rô Cô quản lý, không có nhà cửa, vật kiến trúc.

Tỉnh Bình Thuận đã dự trù kinh phí bồi thường khoảng 386 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng trong 5 năm, từ 2025 đến 2030.

Dự án CHK Phan Thiết được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng vào năm 2014. Theo quy hoạch ban đầu được công bố vào tháng 12/2013, giai đoạn đến 2020 sẽ xây dựng 1 đường cất hạ cánh bằng vật liệu với kích thước 2.400m x 45m (đảm bảo khai thác tàu bay quân sự như Su 27, Su 30, tàu bay dân dụng code C); xây dựng 1 đường cất hạ cánh bằng đất với kích thước 2.400mx100m, phục vụ cho các tàu bay quân sự hạ cánh trong trường hợp khẩn cấp theo tiêu chuẩn quân sự.

Riêng giai đoạn đến 2030 sẽ nghiên cứu kéo dài đường cất hạ cánh đạt kích thước 3.050 m X 45 m khi có nhu cầu.

Tổng diện tích đất được quy hoạch làm sân bay đến năm 2020 là 360,33 ha và đến 2030 là 543 ha.

 Dự án CHK Phan Thiết được khởi công tháng 1/2015, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2018.

Ngày 29/8/2018, Bộ trưởng Bộ GTVT ký Quyết định 1925/QĐ-BGTVT, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết CHK Phan Thiết giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, từ cấp 4C lên cấp 4E.

Theo quy hoạch điều chỉnh, đến 2030 xây dựng và duy trì khai thác đường cất hạ cánh kích thước 3.050 m X 45 m, phục vụ lưỡng dụng máy bay dân dụng, quân sự và một đường cất hạ cánh bằng đất kích thước 3.050 m X 100 m, phục vụ riêng cho mục đích quân sự. Tổng nhu cầu sử dụng đất của CHK Phan Thiết là 550,56 ha.

Tuy nhiên, theo tỉnh Bình Thuận, việc chỉ đầu tư một đường cất hạ cánh duy nhất cho cả hai mục đích dân sự và quốc phòng là bất cập.

Trong một văn bản gửi cơ quan thẩm quyền ngày 30/10, UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng: Sau thời gian khai thác sử dụng cùng với lưu lượng hành khách ngày càng tăng, đường cất hạ cánh sẽ phát sinh hư hỏng, xuống cấp. Khi đó, CHK phải tạm dừng khai thác để thực hiện sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, như vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của CHK.

Mặt khác, CHK Phan Thiết có tính chất sử dụng là dùng chung giữa hàng không dân dụng và quân sự, nếu chỉ khai thác với 01 đường cất hạ cánh cho cả hoạt động dân dụng lẫn quân sự thì rất khó đảm bảo được các yêu cầu về an ninh, an toàn cũng như công tác quản lý, điều hành bay. Như vậy, sau một thời gian sử dụng thì việc đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 là hết sức cần thiết.

Ngoài ra, khi CHK Phan Thiết được đầu tư và đưa vào sử dụng sẽ thúc đẩy kinh tế xã hội khu vực phát triển nhanh chóng, cùng với đó sẽ hình thành nhiều khu đô thị, du lịch, công trình xây dựng, … xung quanh CHK, dẫn đến giá đất khu vực tăng cao, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Do vậy, UBND tỉnh Bình Thuận thống nhất đề xuất về sự cần thiết phải có phương án chuẩn bị quỹ đất mở rộng để xây dựng đường cất hạ cánh số 2.

leftcenterrightdel
Thiết kế Cảng hàng không Phan Thiết theo quy hoạch ban đầu 
leftcenterrightdel
 Phối cảnh tổng thể Cảng hàng không Phan Thiết.

Nguyễn Huân