Còn khó khăn, vướng mắc trong đầu tư dự án nhà ở xã hội

Theo Bộ Xây dựng, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp.

Thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện, đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do vậy việc phát triển và đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã có những chuyển biến tích cực, nguồn cung và các dự án khởi công xây dựng mới đã tăng so với các năm trước.

Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn một số khó khăn vướng mắc về quỹ đất, nguồn vốn, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội

Theo Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng Hoàng Hải,  để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp.

Các Bộ, ngành tiếp tục tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan đến việc triển khai các dự án NƠXH như: Luật Nhà ở 2023, Luật Đất đai 2024, Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Trong đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về phát triển NƠXH, nhất là về thủ tục đầu tư; quy hoạch, bố trí quỹ đất… trên tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền.

Về phía Bộ Xây dựng, Bộ sẽ phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới và đôn đốc, thúc đẩy phát triển NƠXH triển khai mục tiêu Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” trong tháng 7/2024.

Bộ Xây dựng cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, khuyến khích thêm các Ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng và mở các phòng tín dụng tạo điều kiện cho các ngân hàng thực hiện. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng phù hợp tình hình thực tiễn.

Cần cơ chế rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất…

Đối với các địa phương, và các doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đề xuất: Khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương, trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, lực lượng vũ trang nhân dân.

Quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô phù hợp, đảm bảo an sinh xã hội, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Nghiên cứu, quan tâm đến việc ban hành các văn bản triển khai các nhiệm vụ được giao tại Luật Nhà ở 2023 (theo đề nghị của Bộ Xây dựng tại văn bản số 837/BXD-QLN ngày 29/02/2024);

Phổ biến các quy định của Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 để các Sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn Thành phố cùng biết, cùng hiểu, cùng triển khai, thực hiện;

Chỉ đạo, kiểm tra việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải đảm bảo  chất lượng, có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các dịch vụ thiết yếu như đối với các dự án nhà ở thương mại.

Đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn các chủ đầu tư khác thực hiện.

Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.

 Các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lập tiến độ, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn thời gian thi công.

Đối với các dự án nhà ở xã hội đã lựa chọn chủ đầu tư: đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng theo các đồ án quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.

Sau khi khởi công dự án nhà ở xã hội cần nhanh chóng cung cấp, công bố công khai, đầy đủ các thông tin liên quan đến dự án để người dân biết đăng ký mua, thuê mua, thuê.

Khẩn trương triển khai khởi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành các  công trình trên quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội;

Chủ động rà soát đối tượng, điều kiện, đăng ký với Ủy ban nhân dân   các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để được công bố trong danh mục vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng.

 Theo Bộ Xây dựng, trên địa bàn cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn (tăng 4 dự án, 6.950 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024), trong đó:

- Số lượng dự án hoàn thành: 75 dự án với quy mô 39.884 căn;

- Số lượng dự án đã khởi công xây dựng: 128 dự án với quy mô 115.379 căn;

- Số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư: 300 dự án với quy mô 262.937 căn.

 


PV