Năm 2015, kinh phí đầu tư cho năng lượng tái tạo trên toàn cầu đạt kỷ lục và lần đầu tiên, hơn một nửa đầu tư đó là tại các nước đang phát triển.
 
 
Trong báo cáo “Xu hướng toàn cầu về đầu tư cho năng lượng tái tạo năm 2016” vừa được công bố, Liên hiệp quốc cho biết việc đầu tư cho các nguồn năng lượng truyền thống như than đá, khí gas chỉ đạt một nửa so với đầu tư nguồn năng lượng sạch như từ gió, mặt trời, nhiêu liệu sinh học. Cụ thể, đầu tư năng lượng tái tạo toàn cầu năm 2015 đạt 226 tỷ USD, gấp đôi so với đầu tư vào các nhà máy khai thác than đá và khí gas, 130 tỷ USD. Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), ông Achim Steiner nói: “Năng lượng tái tạo thân thiện môi trường trở thành sự tập trung của lối sống ít khí thải các bon của nhân loại, minh chứng là sự đầu tư kỷ lục vào năng lượng tái tạo trong năm 2015. Và đó là xu hướng của những năm tiếp theo”.
 
Như vậy, trong vòng 12 năm qua, thế giới đầu tư 2,3 nghìn tỷ USD vào nguồn năng lượng tái tạo. Vào năm ngoái, thế giới có thêm 134GW điện năng lượng tái tạo, so với 106GW của năm 2014, 87GW của năm 2013. Trong đó, năng lượng mặt trời và năng lượng gió đóng góp phần lớn cho mức tăng trưởng của năng lượng sạch, với các sản lượng tương ứng là 56GW và 62GW. Tín hiệu lạc quan để thế giới ngày càng được tiếp cận với nguồn năng lượng sạch, hiện đại, mang lại lợi ích rất lớn cho toàn xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống, đóng góp tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường bền vững. Xu hướng tập trung đầu tư, phát triển nguồn năng lượng tái tạo là yếu tố then chốt giúp thế giới đạt được mục tiêu đề ra như chấm dứt nghèo đói, tất cả mọi người được tiếp cận với nguồn năng lượng sạch.
 
Điển hình như giai đoạn 2014-2015, Nam Phi đầu tư vào năng lượng tái tạo tăng 329% lên 4,5 tỷ USD, với mục tiêu giảm 500.000 tấn khí thải mỗi năm, tạo ra 2.000 công ăn việc làm, thu hút nhiều nhà đầu tư. Hiện Google đầu tư dự án nhiệt điện từ nguồn năng lượng sạch trị giá 260 triệu USD, có khả năng cung cấp cho 80.000 hộ tại Nam Phi. Ngoài ra, nông trại năng lượng gió Kouga ở vịnh Oyster đang được đầu tư với 32 tua-bin, khi đi vào hoạt động có khả năng cung cấp điện cho 50.000 hộ dân. Chính phủ Nam Phi đề ra kế hoạch, trong tổng điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo, điện năng được sản xuất từ nguồn năng lượng mặt trời sẽ tăng rất nhanh từ mức gần 0% năm 2010 lên 60% vào năm 2015, 70% vào năm 2020 và 90% vào năm 2050.
 
Dẫu vậy, tổng đầu tư cho nguồn năng lượng tái tạo toàn cầu vẫn ở mức khiêm tốn so với nỗ lực cần có để ngăn chặn nhiệt độ trái đất đang gia tăng, nghĩa là thế giới cần phải đầu tư 1.000 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2050 cho đầu tư nguồn năng lượng sạch để đáp ứng mục tiêu. Trong một báo cáo mới dài 52 trang, được công bố ngày 22.3 vừa qua trên tạp chí khoa học Vật lý và Hóa học khí quyển (Atmospheric Chemistry and Physics), các nhà khoa học nói rằng chúng ta đang thải các bon vào khí quyển nhanh hơn nhiều so với 55 triệu năm trước đây. Nhiệt độ trung bình chỉ cần tăng 2oC sẽ có tác động thảm khốc đến khí hậu của hành tinh. Các nhà khoa học đồng thời cảnh báo về việc các mảng băng lớn sụp đổ, siêu bão và sóng khổng lồ và biến đổi khí hậu có thể diễn ra nhanh hơn chúng ta nghĩ.
 
Theo Báo Quảng Nam
.