(BVPL) - Nhắc đến những doanh nhân trong ngành ngân hàng trong thời gian vừa qua thì hai cái tên Đặng Văn Thành và Trầm Bê được nhắc đến nhiều nhất. Ngoài sự tài năng trong quản trị, kinh doanh thì dấu ấn họ để lại không chỉ gói gọn trong hai ngân hàng lớn tại Việt Nam mà còn cả trong những hoạt động xã hội cộng đồng, vì quê hương, vì người nghèo…

 
Hai “đại gia” có cùng chí hướng
 
Nói đến thành công và sự phát triển của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) không thể không thể nhắc đến tên tuổi của ông Đặng Văn Thành. Trong 20 năm chèo lái, ông đã đưa Sacombank đi từ một ngân hàng chỉ có vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng thành một trong những ngân hàng cổ phần lớn và uy tín như ngày hôm nay với số vốn điều lệ hơn 10.000 tỷ đồng.
 
 
Với vốn kiến thức của một cử nhân Quản trị kinh doanh, Quản trị chiến lược kinh doanh, Quản trị ngân hàng và thông thạo 2 thứ tiếng Trung và Anh, ông Thành có được nhiều lợi thế trong nghiệp kinh doanh của mình. Khởi nghiệp với việc kinh doanh mật rỉ từ cuối thập niên 1980 với cơ sở Thành Công chuyên sản xuất, kinh doanh cồn, C02 và mật rỉ được dùng trong sản xuất bột ngọt, cồn, men thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc…, ông đã đạt được những thành công nhất định. Đến năm 1991, ông Thành quyết định chuyển sang lĩnh vực ngân hàng và trở thành một trong những người đầu tiên sáng lập nên Sacombank. Cũng từ đó cơ sở kinh doanh Thành Công (tiền thân của Thành Thành Công sau này) được chuyển sang cho vợ ông là bà Huỳnh Bích Ngọc quản lý.
 
Năm 2006, Sacombank trở thành ngân hàng đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán ngay trước khi Việt Nam gia nhập WTO vào lúc thị trường lúc bấy giờ còn non trẻ. Cũng trong năm này ông vinh dự được trường Đại học Southernn California (Mỹ) trao cho danh hiệu “Giáo sư danh dự”. Năm 2008, ông Thành được Chủ tịch Nước trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2008”; từ 2008 đến 2011 ông Đặng Văn Thành và người thân luôn đứng ở tốp 10 gia đình giàu nhất sàn chứng khoán trong nước.
 
Ông Đặng Văn Thành và ông Trầm Bê (tay phải)
Ông Đặng Văn Thành và ông Trầm Bê (tay phải)
 
Ba công ty chính liên quan đến sự nghiệp của ông Thành và gia đình là Sacombank (ngân hàng); Thành Thành Công (mía đường); Sacomreal (bất động sản). Đó đều là 3 lĩnh vực quan trọng và chủ chốt trong kinh doanh tạo nên thế chân kiềng vững chắc và mang lại lợi nhuận rất lớn cho ông và gia đình. Tính đến ngày 2/11/2012 tổng tài sản của gia đình ông Đặng Văn Thành trên sàn chứng khoán ước đạt hơn 1.514,9 tỷ đồng. Riêng ông Thành đang sở hữu 42,7 triệu cổ phiếu Sacombank, tương đương 798,4 tỷ đồng.
 
Nếu con đường đến với ngành tài chính ngân hàng của ông Đặng Văn Thành bắt đầu từ kinh doanh mật rỉ thì đường đi của ông Trầm Bê bắt đầu với bất động sản. Từ năm 1994-1999, ông là Phó ban quản lý dự án khu dân cư An Lạc Bình Trị Đông. Từ năm 1999 đến nay, ông là thành viên HĐQT của CTCP Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI). Trên sàn chứng khoán, ông Bê sở hữu 21 triệu cổ phiếu BCI tương ứng 3% vốn điều lệ BCCI trị giá hơn 40 tỷ đồng.
 
Khi đã là “đại gia”, ông Bê rất quan tâm đến việc đầu tư, phát triển về quê nhà Trà Vinh. Công trình nổi bật là Cụm Cảng Long Toàn được khởi công vào đầu năm 2010 (thông qua Công ty TNHH Xây dựng Hàm Giang) có số vốn khoảng 1.700 tỷ đồng, diện tích trên 170 ha tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Ông cũng đầu tư 60 triệu USD để mua lại khu Cuprettino Square, trước đây được biết đến với cái tên Valco Fashion Park. Trầm Bê còn được nhắc đến như một người đặc biệt nhanh nhạy trong hoạt động kinh doanh nông nghiệp khi trong 7 năm liên tiếp giữ thế độc quyền chiếu xạ thanh long tại Việt Nam.
 
Ông Trầm Bê
Ông Trầm Bê
 
Tuy nhiên ông được biết đến nhiều hơn ở lĩnh vực ngân hàng với vai trò là cổ đông lớn và chức vụ Phó chủ tịch Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank). Southern Bank được thành lập năm 1993, là một trong những ngân hàng Việt Nam có tổng tài sản vượt hơn 72.000 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 4.000 tỷ và mạng lưới hoạt động trải rộng 137 chi nhánh, phòng giao dịch và các đơn vị trực thuộc trên toàn quốc. 
 
Tính đến đầu năm 2012, ông Bê và hai con Trầm Thuyết Kiều, Trầm Trọng Ngân nắm giữ gần 20% cổ phần của Southern Bank và mới nhất là một lượng lớn cổ phần để gia nhập vào hội đồng quản trị của Sacombank. Là một doanh nhân nhạy bén, đầu tư vào Sacombank được xem là hành động tất yếu trước “cơ hội trời cho” khi thị trường chứng khoán tụt giảm thê thảm. Tuy đây là một trong những thương vụ thành công lớn nhất đời ông Trầm Bê nhưng cũng là thương vụ đầy trăn trở khi để lại nhiều mối vướng mắc với “người bạn thân” Đặng Văn Thành.
 
Có thể nói, không hẹn mà gặp, cả hai đại gia Đặng Thành - Trầm Bê đều có cùng chí hướng khi dù đầu tư đa ngành như đều thành danh dựa trên cùng chân kiềng giống nhau: ngân hàng, bất động sản và nông nghiệp. Và cuối cùng, cả hai đều đặt chân trong cùng hội đồng quản trị Sacombank cho đến hiện nay.
 
Những con người đời thường giản dị
 
Bên cạnh danh xưng “đại gia” ngân hàng đầy sức mê hoặc đối với nhiều người thì hai ông Đặng Văn Thành và Trầm Bê cũng có một cuộc sống đời thường giản dị, rất đỗi gần gũi và đáng ngưỡng mộ.
 
Gia đình ông Thành được nhiều người khen tặng không chỉ vì đó là một gia đình thành đạt giàu có mà đó còn là một gia đình vô cùng hạnh phúc. Tuy đều là doanh nhân với bộn bề công việc, trách nhiệm nhưng quan niệm của ông Thành là làm gì cũng phải duy trì bữa ăn của gia đình nhất là bữa ăn trưa. Vợ chồng con cái phải cùng ngồi ăn cơm với nhau. Điều này phần nào thể hiện gia phong nề nếp, coi trọng cuộc sống gia đình thuần chất Á Đông. Đó là nền tảng tạo nên sự kết nối, đoàn kết, gắn bó và tương trợ lẫn nhau. Đây chắc có lẽ là một trong những nguyên nhân chính góp phần làm nên thành công trong kinh doanh của gia đình ông Đặng Văn Thành.
 
Ông Đặng Văn Thành
Ông Đặng Văn Thành
 
Trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa Sacombank, ông Thành luôn hướng đến một ngân hàng “vì cộng đồng, phát triển địa phương” chứ không chạy theo việc tối ưu lợi nhuận. Nhiều năm liền Sacombank bị so sánh với ACB vì hiệu quả thấp hơn nhưng ông Thành vẫn kiên định theo đuổi chiến lược phát triển vì cộng đồng của mình. Vì tương lai đất nước, ông Thành từng đi các tỉnh miền Tây, miền Trung để mở hàng chục buổi chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho sinh viên, doanh nhân. Sacombank của ông cũng mở nhiều học bổng, chương trình hỗ trợ cho nhân tài trẻ ngay từ những ngày đầu họ vừa đặt chân lên giảng đường và tạo dựng cơ hội cho họ trải nghiệm, phát triển ngay khi vừa ra trường. Nhiều nhân tài thành đạt ngày nay trong ngành tài chính đã lớn lên từ những chương trình tài trợ của Sacombank.
 
Không chỉ vậy, các hoạt động từ thiện của ông cũng đều đặn và rải khắp đất nước. ông Thành luôn hướng đến người già như một cử chỉ tri ơn, chăm sóc trẻ em cơ nhỡ, khuyết tật và người nghèo để giúp họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Như chương trình Ngày hội từ thiện xuân 2012 của Sacombank đã là lần tổ chức thứ 9.
 
Sacombank-tuthien-1-2012-1.jpg
 
Riêng đối với ông Trầm Bê, câu chuyện gia đình ít thấy ông chia sẻ trên mặt báo. Người ta biết nhiều đến cuộc sống đời thường của ông ở những hoạt động từ thiện. Có thể nói Trầm Bê là một trong những doanh nhân đi đầu và có đóng góp lớn cho các công tác từ thiện, xây dựng phát triển quê nhà.
 
Ông bỏ ra gần 1 tỷ đồng mua đất, san lấp mặt bằng xây dựng chợ trung tâm xã Hàm Giang để cho bà con có chỗ buôn bán. Ông lại quyết định cùng nhà nước xây trường học cho các em học sinh từ trường tiểu học cho đến trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Trà Vinh quê ông và mở rộng ra ở Kiên Giang, TP.HCM… Ông góp gần 10 tỷ đồng vừa nâng cấp và đầu tư xây dựng mới hoàn toàn chùa Vàm Ray biến nó trở thành ngôi chùa Phật giáo lớn và đẹp nhất Việt Nam. Ngoài ra, ông còn quan tâm đến vấn đề văn hóa giải trí cho người dân khi đầu tư kinh phí để địa phương thành lập Đoàn nghệ thuật Khơ-mer Triều An - Trà Cú phục vụ người dân sau những ngày lao động vất vả. Đối với ông Trầm Bê những việc ông đã làm giúp người nghèo nhiều bao nhiêu ông không còn nhớ nhưng đối với người nghèo khắp nơi vẫn luôn khắc ghi ơn nghĩa cao cả mà ông dành cho họ.
 
Đặng Văn Thành và Trầm Bê hai con người, hai cuộc sống và con đường đi khác nhau nhưng họ gặp nhau ở một điểm là ở họ có đủ tài năng, phẩm chất đạo đức, không ồn ào nhưng họ luôn quan tâm cộng đồng, tích cực xây dựng phát triển quê hương đất nước để làm người khác ngưỡng mộ, yêu mến. Chỉ mong mối quan hệ giữa 2 người - tưởng chừng là đối thủ trong kinh doanh - vào tương lai vẫn mãi là những người bạn, như thuở ban đầu.
 
THANH - CHÂU
.