Dù quảng cáo "cháy hàng" song nhiều lô đất nền, liền kề tại Hà Nội thực tế được rao bán cả năm mà không có giao dịch.

 


"Không lâu nữa, khi dự án có hợp đồng mua bán và hạ tầng kết nối với một số tuyến đường lớn thì giá sẽ còn tăng", một môi giới cho hay. Với giá bán như trên, một số lô, hiện giá rao đã tăng lên gấp đôi, từ 1,8 tỷ đồng thời điểm mở bán cuối năm ngoái lên trên dưới 4 tỷ đồng.

Số lượng các sàn môi giới mở trụ sở tại dự án cũng "mọc lên như nấm" trong khoảng nửa năm nay. "Đó cũng là lý do khiến giá rao bán trên thị trường thứ cấp của dự án đang khá loạn, có thể cùng vị trí nhưng chênh nhau cả chục triệu đồng mỗi m2", anh Khoa - một nhà đầu tư ở khu vực này cho hay.

"Giá họ rao bán cao thế nhưng giao dịch được hay không lại là một câu chuyện khác. Có những lô rao cả năm vẫn không ai mua. Những mảnh đất này thường do các nhà đầu tư lớn ôm cả chục lô để găm hàng. Họ rao giá cao với tâm thế bán được thì bán, không thì họ vẫn để đó chờ tăng giá", anh Khoa nói.

Thực tế, giá rao bán khá cao, song thị trường không phải sốt giao dịch bởi hàng còn khá nhiều, nhu cầu người mua để ở không lớn, chủ yếu là nhà đầu tư. Giá giao dịch thực theo anh Khoa vị trí đẹp nhất thị trường vào khoảng 42-43 triệu đồng mỗi m2. Theo đó, mỗi lô có giá chênh khoảng 200 triệu đến 1 tỷ đồng tùy vị trí và mức độ hoàn thiện của hạ tầng.

Không chỉ tại Hà Đông, ở một số địa bàn khác tại Hà Nội, các dự án bán đất nền, đất thổ cư, đất tái định cư cũng đang bị đẩy giá khá cao, đặc biệt ở những khu vực có một số tuyến giao thông lớn vừa thông xe. Dọc đường Trần Hữu Dực và đường tuyến đường 70 thuộc địa bàn Xuân Phương (Nam Từ Liêm) và Vân Canh (Hoài Đức)... từ nửa cuối năm ngoái đến nay, giá tăng khoảng 30-40%.

Ví dụ dự án tại Xuân Phương, ngay đầu đường Trần Hữu Dực, giá bán cuối năm ngoái khoảng 36-42 triệu đồng mỗi m2, đến nay đang được các nhà đầu tư thứ cấp rao bán tới 50-70 triệu đồng. Lô đất tái định cư của anh Chung ở Xuân Phương cuối năm 2016 được rao bán giá 45 triệu đồng một m2 hiện đã có mức giá mới là 70 triệu đồng một m2.

Những dự án dọc tuyến đường Trần Hữu Dực, sau khi cầu vượt thông xe cũng đang khá "loạn giá", thậm chí cả những dự án còn "trên giấy".

"Ở mỗi khu vực khi có sự thay đổi về hạ tầng, bất động sản thường mất một thời gian biến động, thậm chí là loạn giá, đặc biệt trên thị trường giao dịch thứ cấp. Tuy nhiên, thực tế, giá rao bán và giao dịch thực có thể chênh lệch khá lớn. Người mua nên chọn thời điểm thị trường ổn định trở lại để quyết định việc xuống sẽ tránh được rủi ro hơn", ông Nguyễn Tài Đức - Giám đốc một Sàn bất động sản Trường Linh cho hay./.
 

Theo Ngọc Tuyên/Vnexpress

.