Qua 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), có thể nói bộ mặt nông thôn ở tỉnh ta đã có nhiều đổi thay khá rõ nét, tác động tích cực đến mọi mặt đời sống người dân...

 

[links()

Điều đó cho thấy tính hiệu quả của Chương trình, vừa hợp lòng dân, vừa có tác dụng thu hút Nhân dân và các tổ chức cùng hưởng ứng, tham gia. Đến nay tỉnh ta đã có 2 xã đầu tiên “về đích” NTM là xã Thành Hải (Phan Rang-Tháp Chàm), xã Tri Hải (Ninh Hải) và mục tiêu phấn đấu đến cuối năm nay chí ít có 100% số xã được chọn làm điểm của tỉnh đều đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, vấn đề rất đáng quan tâm được đặt ra từ thực tế cuộc sống đó là có những tiêu chí “động” mà khi hoàn thành đã khó, giữ vững lại càng khó hơn.

 

Hệ thống giao thông được bê-tông vững chắc, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.
Hệ thống giao thông được bê-tông vững chắc, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.


Theo lãnh đạo nhiều địa phương cho biết, trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, có nhiều tiêu chí như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, y tế,… được đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước kết hợp với sự đóng góp vật chất, công sức của Nhân dân sẽ thực hiện thuận lợi và khi hoàn thành dễ phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó có những tiêu chí “động” như: an ninh - trật tự xã hội, môi trường, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, văn hóa… việc hoàn thành vốn đã khó, thế nhưng để giữ vững lại càng khó khăn hơn, vì “lằn ranh” giữa đạt và không đạt ở các tiêu chí này vốn rất “mỏng mảnh”, thiếu bền vững.

Một trong những tiêu chí “khó” đó là an ninh trật tự, bởi chỉ cần trên địa bàn xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng hay gây rối trật tự xã hội; có trọng án xảy ra… là xem như trong năm đó xã đã không duy trì được tiêu chí này. Môi trường cũng là tiêu chí khó. Để đạt được, xã phải có từ 75% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có ít nhất 50% hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất-kinh doanh trên địa bàn đạt chuẩn về môi trường; đường làng, ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh - sạch - đẹp, không có hoạt động làm suy giảm môi trường; rác thải, chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định… Tuy nhiên, vấn đề thu gom và xử lý rác thải, nước thải sản xuất và sinh hoạt gia đình, xử lý rác tại các khu dân cư… không phải dễ dàng thực hiện. Hay các tiêu chí có những điều chỉnh, thay đổi chuẩn theo từng năm, như thu nhập, hộ nghèo cũng không dễ duy trì vì còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện sản xuất, thời tiết….

Suy cho cùng để “giữ” được các tiêu chí và nâng cao hơn rất cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự hưởng ứng tích cực của người dân. Theo một số ý kiến, muốn tháo gỡ khó khăn đã nêu, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên ở địa phương phải thường xuyên bám sát cơ sở, gần dân để hiểu hoàn cảnh từng gia đình thì mới có cách tuyên truyền hiệu quả, giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, các địa phương cần gắn với củng cố, xây dựng và nhân rộng các mô hình hay về an ninh trật tự; thắt chặt tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư và đề ra những hình thức khen thưởng phù hợp, kịp thời đối với những cá nhân, tập thể làm tốt trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội cũng cần quyết liệt vào cuộc, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, xóa hộ đói, giảm hộ nghèo, bảo vệ môi trường sống, hướng đến cuộc sống lành mạnh, văn minh vùng nông thôn.

Mục tiêu của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Vì thế, không phải cứ đạt chuẩn là kết thúc, mà tất cả chỉ là mới bắt đầu. Khi đã đạt chuẩn, các xã còn phải tiếp tục nỗ lực để giữ vững và phát triển các tiêu chí lên tầm cao mới, để thực sự góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội nông thôn tỉnh nhà.

 

Theo Báo Ninh Thuận

.