Với hướng xây dựng luật sẽ đánh thuế căn nhà thứ 2 trở đi đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều giữa giới chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà.
 


Như Dân trí đã đưa tin, trong một báo cáo gần đây, Bộ Tài chính khẳng định “cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật Thuế tài sản” đối với bất động sản (bao gồm nhà, đất) nhằm thể chế hóa chủ trương về chính sách thuế đối với tài sản, xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế, góp phần bình ổn thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí.

Bộ Tài chính cho biết, đây cũng là xu hướng cải cách thuế tài sản tại một số quốc gia như Canada, Australia, Malaysia... trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang tăng liên tục tăng trong các năm gần đây, từ 1.400 USD (năm 2013) lên 2.200 USD (năm 2016) và và dự báo sẽ tăng lên 3.400 USD vào năm 2020. Theo đó, dự kiến việc nắm giữ, sở hữu, đầu tư bất động sản của người dân có xu hướng tăng lên nên Bộ Tài chính cho rằng cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật thuế tài sản để hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí.

Thực tế, đề xuất đánh thuế nhà của Bộ Tài chính đã được bàn bạc từ vài năm trước. Dù chưa từng trực tiếp nêu các phương án đánh thuế cụ thể, nhưng Bộ Tài chính trước đây đã nhiều lần hé lộ giải pháp áp thuế với bất động sản thứ hai trở đi của người dân. Cuối năm ngoái, một đại diện của cơ quan này cũng từng nói tới khả năng đang xây dựng Luật Thuế tài sản để thực hiện theo hướng này.

"Chưa hẳn là giải pháp công bằng"

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS Phạm Thế Anh (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, đánh thuế căn nhà thứ hai chưa chắc sẽ giúp chuyển dòng tiền sang sản xuất - kinh doanh thay vì đầu cơ vào bất động sản.

"Khi triển vọng kinh doanh bấp bênh, đầy rủi ro và rào cản, dòng tiền có thể chuyển sang các loại tài sản khác mà nhà nước không thể đánh thuế được như ngoại tệ hay vàng. Cầu về nhà ở còn giúp phát triển sản xuất ở các ngành xây dựng và sản xuất nguyên vật liệu xây dựng, còn cầu về ngoại tệ hay vàng giấu dưới gầm giường sẽ là những tài sản "chết", ông bình luận.

Theo ông Phạm Thế Anh, đánh thuế căn nhà thứ hai cũng không hẳn là một giải pháp công bằng bởi có thể làm giảm sự bất công bằng giữa người chưa có nhà và người có nhiều nhà, nhưng lại có thể làm tăng bất công giữa những người có nhà.

Ông phân tích, khi kinh tế phát triển, phần đông dân số sẽ có khả năng sở hữu một căn nhà trở lên. Người sở hữu một căn biệt thự 1.000m2 trong các khu đô thị xa hoa sẽ không bị đánh thuế, trong khi người sở hữu hai căn nhà 40m2 trong ngõ hẻm lại phải nộp loại thuế này.

"Nếu loại thuế này được áp dụng, nhu cầu về những căn biệt thự lô to có thể chia tách khi cần thiết có thể sẽ tăng. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu sẽ khó phòng thủ hơn nếu phải đối phó với hậu quả của những đợt tăng trưởng tín dụng vượt 20%. Đánh thuế theo m2 sở hữu có thể làm giảm bất công này", ông cho biết.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng cho rằng, giống như thuế bảo vệ môi trường, thuế tài sản phải được sử dụng đúng mục đích. Thuế môi trường phải dùng để bảo vệ môi trường, thuế đánh vào sở hữu nhà ở phải dùng để phát triển cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện, công viên,... ở các địa phương, chứ không phải dùng để tài trợ cho tượng đài, các hiệp hội và vô số các khoản mục lãng phí khác.

Sẽ phải thực hiện nhiều bước

Trao đổi với báo chí, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, hiện nay chưa công bố con số cụ thể đánh thuế người sở hữu căn nhà thứ 2. Tuy nhiên, nếu có thì cần phải đối chiếu với luật về thuế nhà đất mà Quốc hội đã đưa ra trước đây. Năm 2009 trong sắc thuế nhà đất, Quốc hội chỉ mới đưa ra thuế về sử dụng đất nên chỉ số điều tiết thị trường ở mức rất thấp khoảng 0,03%.

"Hiện nay bảng giá nhà đất chỉ bằng 30% bảng giá thị trường. Ví dụ đất ở một số khu ở Quận 1 chỉ ở mức 162 triệu đồng/m2 nhưng trên thực tế giá đất trên thị trường giá đất tại quận 1 có những nơi lên đến cả tỷ đồng/m2. Như vậy, mức chênh lệch giữa bảng giá và mức giá thị trường là rất lớn, nếu mức thuế chỉ áp dụng 0,03% và căn cứ vào bảng giá nhà đất thì chi phí thuế hàng năm cũng không cao", ông Châu cho hay

Đánh giá về việc Việt Nam tham khảo mô hình đánh thuế căn nhà thứ hai từ các nước khác, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL tại Việt Nam cho biết: "Việc đánh thuế lên ngôi nhà thứ 2 trở đi khá phổ biến ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, việc áp dụng luật này tại Việt Nam sẽ khá là phức tạp và cần phải xem xét nhiều khía cạnh".

Dẫn chứng thêm về nhiều trường hợp điển hình trên thế giới đã đánh thuế lên người mua bất động sản thứ hai trở lên, vị Tổng giám đốc lựa chọn Singapore là nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Khi mua bất động sản ở nước này, người mua sẽ phải trả 3%. Tuy nhiên khi mua từ bất động sản thứ 2 trở đi, thì có một chút khác biệt là người Singapore sẽ phải trả thuế thêm là 7%. Do đó, người mua có quốc tịch Singapore sẽ phải trả tổng cộng là 10% cho ngôi nhà thứ 2 này. Nếu người mua là người nước ngoài thì họ phải trả thêm là 15% cho ngôi nhà thứ 2. Vì vậy, nguồn thu từ thuế sẽ tăng lên đáng kể và phụ thuộc vào từng nhóm người mua.

Ông Stephen Wyatt cũng cho rằng, để thực hiện việc này hiệu quả trong toàn bộ hệ thống, Việt Nam cần phải thiết lập một hệ thống thông tin để lưu trữ tất cả các hồ sơ về các giao dịch bất động sản, các chủ sở hữu bất động sản. Tuy nhiên, sẽ vẫn còn thách thức khi các thành viên trong gia đình có thể thay phiên sở hữu bất động sản nhằm tránh thuế.

"Ở các nước khác, điều luật này đã góp phần đáng kể vào nguồn thu ngân sách của chính phủ, nhưng cũng sẽ tác động đến số lượng giao dịch các bất động sản trên thị trường. Nhìn chung, việc đánh thuế vào người mua bất động sản ở các nước trên thế giới và cả Việt Nam sẽ có tác động tích cực lên thị trường khi có một hệ thống thuế thích hợp được áp dụng. Kến nghị ban đầu này khá ổn, tuy nhiên để hiện thực hóa điều này sẽ còn cần nhiều bước", ông nói.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng bày tỏ sự ủng hộ với việc xây dựng thuế tài sản với nhà vì hiện nhà ở không phải chịu thuế.

“Các nước đánh thuế cả đất và nhà trên nguyên tắc từ 1-1,5% giá trị thị trường. Họ coi đó là nguồn thu chủ yếu phát triển hạ tầng cũng như nâng cấp đô thị. Riêng nguồn thu từ thuế đó đủ cho phát triển cơ sở hạ tầng”, ông Đặng Hùng Võ cho biết.

Theo vị chuyên gia này, để chống đầu cơ, các nước cũng tiến hành đánh thuế lũy tiến vào các trường hợp có 2 nhà hay 3 nhà trở lên .

Ngược lại, dưới góc độ của chuyên gia bất động sản, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản Việt Nam, nhận định, thị trường sau nhiều năm trầm lắng đang rất cần sự hỗ trợ của chính sách, việc áp thuế tăng thêm khi mua căn nhà thứ hai tại thời điểm này là không phù hợp.

Nguyên nhân là hạ tầng thông tin chưa đảm bảo, việc cập nhật, giám sát thông tin về nhà ở còn rất yếu nên nếu áp dụng sẽ rất dễ dẫn đến mất công bằng, người cần thu thuế thì không thu được.
 

Theo Phương Dung/Dân trí

.