Năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43/NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương...
Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và quy định của pháp luật.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, cho biết với cơ chế tổ chức bộ máy hành chính ở TP hiện nay thì HĐND TP vẫn chưa được giao đủ thẩm quyền để ban hành các cơ chế, chính sách quan trọng tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Phương thức hoạt động của mô hình chính quyền hiện nay chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong một số việc đã làm hạn chế tính nhanh nhạy, thông suốt của hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
Sở Nội vụ Đà Nẵng cũng đã đưa ra hai phương án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị.
Theo đó, phương án 1 sẽ xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, huyện, phường và xã). Phương án này căn cứ vào tình hình đặc điểm, quy mô, tính chất đô thị của TP Đà Nẵng và kinh nghiệm từng thí điểm trong giai đoạn 2009-2016.
Phương án 2 sẽ thực hiện xây dựng mô hình tổ chức 2 cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận, huyện) và 1 cấp hành chính (đối với phường, xã). Đây là mô hình thí điểm được Bộ Chính trị cho phép TP Hà Nội thực hiện.
Tuy nhiên, khi thực hiện mô hình chính quyền như phương án 1, có ý kiến cho rằng phải giải quyết được một số vấn đề như: Việc giám sát hoạt động của UBND, TAND, VKSND cấp quận, huyện; UBND cấp xã, phường. Tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của HĐND sẽ như thế nào khi tinh giảm gần 1.800 đại biểu các cấp thì việc sẽ dồn về HĐND thành phố…
Tại hội thảo, các cơ quan, đơn vị của Trung ương và thành phố, các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý đã cùng thảo luận, trao đổi để hoàn thiện nội dung Đề án.
Với những ý kiến xác thực, tâm huyết, hội thảo nhằm tạo cơ sở để chính quyền TP Đà Nẵng tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện nội dung Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp, phù hợp với đặc điểm, quy mô, tính chất đặc thù của đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị, huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại.