Để giải quyết vấn nạn mỗi khi có mưa lớn, nước thải chưa qua xử lý lại chảy tràn ra biển do bị quá tải dọc tuyến đường biển Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà), UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định số 3644/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Cải thiện môi trường nước phía Đông (quận Sơn Trà) với tổng mức đầu tư 1.447 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2018 - 2020.

Theo đó, dự án đầu tư sẽ tiến hành xây dựng hệ thống cống đảm bảo thu gom được toàn bộ nước thải và một phần nước mưa cho toàn bộ lưu vực. Hạn chế nước mưa chảy tràn ra các khu vực bãi tắm trong mùa khô, nhằm bảo vệ môi trường, cảnh quan và phát triển du lịch.

Xây dựng hệ thống cống thoát nước và trạm bơm nước mưa, nước thải đảm bảo thu gom 2,5 lần lưu lượng nước thải trung bình về Trạm xử lý nước thải Sơn Trà và bơm thoát nước mưa về Âu thuyền Thọ Quang, hạn chế các trận mưa có cường độ mưa tính toán thấp hơn 10mm/h tràn ra biển

Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ tiến hành nâng cấp Trạm xử lý nước thải Sơn Trà (giai đoạn 2) có công suất xử lý mùa khô 40.000m3/ ngày và công suất xử lý mùa mưa là 2,5Qtb để đảm bảo xử lý nước thải tập trung về Trạm xử lý nước thải Sơn Trà đến năm 2030.

leftcenterrightdel
Sau mưa lớn, nước thải từ cửa xả lại chảy ra biển Đà Nẵng. 

Tại các cửa xả hiện tại cũng được cải tạo nhằm ngăn không cho nước biển và cát chảy ngược vào hệ thống thoát nước. Tuyến cống chuyển tải nước thải và nước mưa từ đường Hoàng Sa về Trạm xử lý nước thải Sơn Trà sẽ được xây bằng bê-tông cốt thép cường độ cao, thi công khoan kích ngầm. Khu vực Trạm xử lý nước thải Sơn Trà được xây dựng trạm bơm kết hợp nước mưa và nước thải.

Tại tuyến cống hộp thoát nước từ trạm bơm ra âu thuyền Thọ Quang sẽ được cải tạo lắp đặt các cửa phai hỗn hợp tại 6 cửa xả hiện trạng trên đường Hoàng Sa và đường Võ Nguyên Giáp để ngăn nước biển và cát chảy ngược vào hệ thống cống bao.

Riêng giai đoạn 2 của Trạm xử lý nước thải Sơn Trà sẽ được xây dựng theo công nghệ xử lý nước thải sinh học theo mẻ (SBR), thiết kế với công suất vận hành bình thường khi không có mưa là 40.000m3/ ngày. Trong điều kiện có mưa trạm có thể vận hành với công suất 100.000m3/ ngày và khi lưu lượng nước mưa về trạm vượt công suất thiết kế 100.000m3/ ngày, các bơm nước mưa sẽ tự động bơm nước mưa xả ra âu thuyền Thọ Quang.

UBND thành phố giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông có trách nhiệm triển khai quản lý thực hiện dự án đảm bảo chất lượng, hiệu quả, hoàn chỉnh đầy đủ các hồ sơ thủ tục, trình tự đầu tư xây dựng cơ bản theo đúng quy định.

Ngoài khu vực Sơn Trà, UBND thành phố Đà Nẵng cũng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án mương thoát nước trên địa bàn quận  Liên Chiểu với tổng kinh phí trên 12,5 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian năm 2019-2020.

 

Lê Tâm