Ngày 19/4, TP Đà Nẵng tổ chức họp báo giới thiệu đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 – 2030 và chương trình Đại nhạc hội “Thế giới nước” tại TP Đà Nẵng.

Qua 12 năm triển khai đề án “Đà Nẵng – thành phố môi trường” , Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả tích cực như cấp nước đô thị đạt 99%, chỉ số chất lượng môi trường không khí API<100,  xử lý được 13/15 điểm nóng ô nhiễm, 2 điểm nóng phức tạp được kiềm chế, hoàn thành cơ bản các công trình xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tập trung với tổng công suất đạt hơn 300.000 m3/ngày đêm, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt đạt hơn 95%...

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế như tình trạng rác thải bừa bãi; các điểm nóng ô nhiễm môi trường còn kéo dài như Bãi rác Khánh Sơn, Âu thuyền Thọ Quang; phát sinh nhiều sự cố cục bộ, ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng….

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, xử lý những tồn tại, tiếp tục xây dựng hình ảnh “Đà Nẵng – thành phố môi trường”, TP Đà Nẵng đã xây dựng và ban hành đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 – 2030.

leftcenterrightdel
 Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động , chiến dịch ra quân chung tay vì môi trường xanh sạch đẹp hướng tới xây dựng thành phố môi trường. (ảnh: XN)

Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 – 2030 là bước đột phá quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của thành phố. Đề án lấy bảo vệ môi trường làm nền tảng xây dựng thành phố sinh thái, phát triển hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Lồng ghép trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0.

Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, kết hợp với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu...

Huy động các nguồn lực trong xã hội kết hợp với tăng chi ngân sách, tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và người dân trong bảo vệ môi trường. Phát huy nội lực và hợp tác quốc tế; tăng cường quản lý nhà nước đi đôi với nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của toàn xã hội.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, đề án đã được tích hợp trong công tác quy hoạch, xây dựng, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, hoàn thiện năng lực giám sát, xử lý và bảo vệ môi trường, như: cấp, thoát nước, xử lý rác thải, giao thông, hệ thống quan trắc.

Việc thực hiện Đề án lần này có mục tiêu, tiêu chí rõ ràng, mang tính hệ thống, tính khả thi cao, bảo đảm huy động tối đa các nguồn lực và lộ trình thực hiện. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành cùng tham gia, triển khai thực hiện đồng bộ ở bốn nhóm thành phần trọng tâm: Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; Cải thiện môi trường, giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm; Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và Tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, với 31 tiêu chí cụ thể.

Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến hơn 15.000 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hơn 5.000 tỉ đồng, vốn ODA hơn 3.000 tỉ đồng và vốn xã hội hóa hơn 7.000 tỉ đồng.

Mở đầu cho chuỗi hoạt động truyền thông về Đề án Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường là Chương trình Đại nhạc hội Thế giới nước với chủ đề “Nước - Hồi sinh” sẽ diễn ra vào tối 29/4 tới, tại Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng.

Sử dụng âm nhạc và nhiều hình thức nghệ thuật đặc sắc khác, Đại nhạc hội sẽ viết lên câu chuyện viễn tưởng về Thế giới nước năm 2029 sau Đại Hồng Thủy; nơi đó, con người sống trong một môi trường chỉ có nước, họ khát khao và nuôi dưỡng hy vọng với sự trân quý về những kỷ niệm đẹp, ngập tràn yêu thương, đoàn kết để cùng nhau xây dựng cuộc sống mới.

Từ đó nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ nguồn nước trước tác động tiêu cực ngày một gia tăng của phát triển kinh tế, xã hội và biến đổi khí hậu.

Đây cũng được coi là hoạt động nghệ thuật quy mô để tái khởi động lại nhiều hoạt động văn hóa – nghệ thuật sau dịch COVID – 19 tại TP Đà Nẵng.

 

Lê Tâm