Chung cư mini: Tiền tỷ mua... bực mình
Cập nhật lúc 14:25, Thứ hai, 17/06/2013 (GMT+7)
Khi có nhu cầu về nơi ở, người mua căn hộ bằng nhiều cách khác nhau tìm kiếm những điểm ưng ý nhất về vị trí và giá cả, còn chất lượng căn hộ mini gần như chẳng "màng tới". (chung cư mini, sổ đỏ, GS. Đặng Hùng Võ)
Khi có nhu cầu về nơi ở, người mua căn hộ bằng nhiều cách khác nhau tìm kiếm những điểm ưng ý nhất về vị trí và giá cả, còn chất lượng căn hộ mini gần như chẳng "màng tới".
Với những quy định như vậy, chắc chắn đại đa số căn hộ chung cư mini ở Hà Nội không đáp ứng được yêu cầu và điều đó cũng được khẳng định bởi lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khi thẩm tra, khảo sát thực tế để triển khai các quy định của nhà nước vào cuộc sống. Trao đổi mới đây về việc cấp sổ đỏ cho chung cư mini, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường cho hay, từ khi có Nghị định 71 tới nay, Hà Nội không cấp bất kì giấy chứng nhận nào cho các hộ mua chung cư mini.
"Hầu hết các chung cư mini trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay được xây dựng không đúng quy định, nếu chiểu theo Nghị định 71 thì không có chung cư mini nào đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận. Sở Tài Nguyên và Môi trường đã tổng hợp thực trạng này để báo cáo cơ quan cấp trên xin ý kiến vì một mình Sở không thể quyết định cấp sổ đỏ cho chung cư mini hay không", ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, chúng tôi đang tiếp nhận rất nhiều ý kiến đề nghị cấp giấy chứng nhận cho các chung cư mini. Thế nhưng, theo Nghị định 71, phải có cơ quan thẩm định dự án, giấy phép, có hạ tầng đồng bộ kèm theo cũng như điều lệ quản lý nhà chung cư, các điều kiện kèm theo về phòng chống cháy nổ, hạ tầng giao thông…và phải được cơ quan thẩm định thiết kế hoàn công chứ không đơn giản như trước.
Nhìn nhận về "Triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản" GS. Đặng Hùng Võ cũng tỏ quan ngại, giá và chất lượng là điều đáng suy nghĩ ở Việt Nam. Bởi ở Việt Nam mọi người có suy nghĩ giá thấp thì chất lượng không tốt. Chất lượng nhà ở phần lớn phụ thuộc vào kênh quản lý của Nhà nước – Nhà chỉ được bán sau khi đã được thẩm định chất lượng. Khi đó người dân sẽ không còn lo lắng đến chất lượng nhà ở. Nhưng hiện nay, khâu quản lý chất lượng nhà ở Việt Nam làm chưa tốt, trừ khi có phát hiện chất lượng không đạt ở những dự án nào thanh tra mới vào cuộc, kiểm định chất lượng.
"Mọi hàng hóa, bao gồm bất động sản khi xuất xưởng đều phải có dấu kiểm định chất lượng. Vì vậy quản lý chất lượng nhà ở - điều kiện đảm bảo để hàng hóa đó được xuất xưởng khác hoàn toàn quản lý giá cả nhà – câu chuyện thị trường. Tất nhiên người mua đánh giá chất lượng là một kênh, nhưng trách nhiệm của nhà quản lý là đầu tiên. Bởi người mua để đánh giá được chất lượng công trình nhiều khi phải mất đến 5 năm sau", GS. Đặng Hùng Võ nói.
Cũng theo ông Võ, chủ đầu tư cũng phải cam kết về chất lượng – chất lượng không đúng như cam kết chủ đầu tư phải đền bù bao nhiêu. Đây cũng là một cơ chế quản lý của Nhà nước. Nhà nước trong giai đoạn đầu để tạo thành thói quen, thường nhà nước phải can thiệp, cơ quan quản lý can thiệp – đảm bảo chất lượng, khẳng định chất lượng. Chủ đầu tư cam kết chất lượng là cách vẫn làm ở các nước trên thế giới.
Theo Nguyễn Nam
VietQ
.