Sau những hài lòng ban đầu khi được sở hữu căn hộ chung cư giá rẻ, giờ đây không ít cư dân bắt đầu cảm nhận được câu: “ Tiền nào của nấy” khi chung cư nơi họ ở liên tiếp rơi vào cảnh mất nước, hỏng thang máy, chật chội đến ngạt thở khi lượng người quá đông, không gian sống trật hẹp…
Kiến trúc sư Nguyễn Huy Kiên, Công ty Lửa Việt tâm sự, tình trạng thiếu nước, thiếu hạ tầng ở những chung cư giá rẻ là không thể tránh khỏi. Chủ đầu tư một mặt muốn giảm giá căn hộ để lôi kéo người mua thì buộc phải nghĩ chuyện và việc trồng tới 32 tầng để thu lời là điều ai cũng có thể hiểu. Từ đó đã khiến bức tranh về quy hoạch và hạ tầng của cư dân bị phá vỡ. Trong một lần đến thăm người quen tại chung cư Đại Thanh, anh Kiên đã phải mất tới 15 phút mới gửi được chiếc xe máy của mình vào bãi để xe của một tòa nhà. Tưởng hôm nay cuối tuần khách đông nhưng khi hỏi người dân nơi đây mới biết đây là cảnh thường ngày, bởi đơn giản dân số quá đông, còn chỗ gửi xe chỉ có thế.
Ấn tượng thứ hai anh Kiên gặp phải là cảnh người dân rồng rắn xếp hàng lấy nước, sau đó dùng thang máy vận chuyển nước về căn hộ của mình. Nước bị trào ra từ những xô, thùng…ướt nhẹp nền nhà, nền thang máy vừa nhếch nhác, vừa lãng phí điện khi thang máy phải hoạt động hết công suất.
“ Tiền nào của ấy”?
Cùng với chung cư Đại Thanh còn có một loạt chung cư giá rẻ tại quận Hà Đông, Hà Nội cũng đang lầm vào cảnh mất nước, chật chội. Thông thường giá căn hộ tại các chung cư này ban đầu từ 10-13,3 triệu/m2, tính ra mỗi căn hộ chỉ từ 360 triệu đến gần 1 tỷ đồng một căn rộng từ 36,16-76m2. Sau giấc mơ có nhà ở, giờ đây cư dân những nơi này đang phải đối mặt với sự bất lợi về điều kiện sống. Kiến trúc sư Nguyễn Huy Kiên cho biết không chỉ chung cư Đại Thanh mà nhiều chung cư giá rẻ tại Hà Đông đều được chủ đầu tư và ban quản lý tiết kiệm tối đa chi phí như bóng điện sinh hoạt chung vừa ít vừa tắt sớm, sau 22h chỉ có một thang máy hoạt động. Nhà rác thì hôi hám, sàn tầng hầm thì không đánh mặt bê tông vừa bẩn vừa bụi. 20 hộ nhét vào 1 tầng mà không hệ thống tăng áp, không thông gió.
Hãy hình dung mỗi tầng chung cư có 28 căn hộ, mỗi hộ có 2 xe máy, nhà cao 32 tầng, số xe đã lên tới con số hàng ngàn, đó là chưa kể đến số lượng ô tô riêng cũng chiếm diện tích không nhỏ. Khi duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000, cơ quan chức năng đã xác định rõ các chỉ tiêu về cây xanh, mật độ giao thông, diện tích công cộng. Nay các chỉ tiêu này không đổi mà dân số lại tăng cao, thậm chí gấp đôi, sẽ dẫn tới tình trạng quá tải.
Có những tòa nhà, giấy phép ban đầu chỉ có 9 tầng nhưng sau này chủ đầu tư lại xin điều chỉnh lên 12 tầng. Đương nhiên kết cấu móng bị ảnh hưởng dẫn đến chất lượng tòa nhà xuống cấp về sau này là điều không thể tránh khỏi. Còn cái bất lợi trước mắt là dân số cơ học tăng quá đông vì dân số sống cố định cũng phải có người sinh con đẻ cái, rồi phát sinh lượng người khi chủ căn hộ cho thuê văn phòng, mở công ty. Đây cũng là bài toán cho các nhà hoạch định, quản lý bởi trước khi cấp phép cho một đơn vị nào đó, ngoài việc hoan nghênh doanh nghiệp đầu tư vào nhà giá rẻ cũng cần phải tính toán kĩ đến hạ tầng xem nó có đáp ứng được về lâu về dài, với tầm nhìn lên tới 20 năm hay không. Nếu không dần dần Hà Nội sẽ phải đối mặt với những khu ổ chuột trên cao.
Quay về câu chuyện hạ tầng đường ống nước tại chung cư Đại Thanh, trả lời báo chí, ông Nguyễn Anh Việt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco) khẳng định: Khu chung cư Đại Thanh thiếu nước trầm trọng thời gian qua là do chủ đầu tư đã thiết kế đường ống nội bộ không hợp lý, xây thêm nhiều tầng so với lúc dự án được phê duyệt, khiến mật độ dân số tăng cao đột biến. Đại Thanh đã không thoả thuận cấp nước ban đầu với Viwaco để được tư vấn lắp đặt hệ thống ống nước nội bộ một cách khoa học, công tác quản lý, điều hành, điều tiết nước trong mạng nội bộ yếu kém, khi xảy ra sự cố không chịu khắc phục triệt để mà đổ lỗi cho người khác là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng thiếu nước trầm trọng hơn 2 tháng nay ở khu đô thị này.
Được biết hiện Ban quản lý chung cư Đại Thanh đang có những khắc phục về nước sinh hoạt và bãi để xe nhưng qua đó cũng thấy rõ những tiết kiệm chi phí xây dựng, lắp đường nước ban đầu của chủ đầu tư đã không đem lại kết quả như mong đợi. Hậu quả là họ đang phải bỏ một lượng kinh phí không nhỏ để khắc phục.
Theo LĐTĐ