|
|
Những đảo hoang giữa Vịnh Vân Phong đang dần bị “cạo” trọc. |
Thuyền chúng tôi từ cảng Vạn Giã, hướng ra vịnh Vân Phong. Ngang qua Điệp Sơn, nhìn ra Hòn Trì, Hòn Ngang,.. lẫn trong mây trời bảng lảng, những sườn đồi hiện ra loang lổ. Hòn Trì ngày nào dấu ấn bởi sự hoang dã, dải cát trắng phau và vẹn nguyên một màu xanh thẫm, nay “hút” ánh nhìn lại bởi những mảng đồi trọc xám ngoét. Từ chân lên đến đỉnh đồi, thảm thực vật tự nhiên bị ngả trắng. Những thân cây cháy đen nham nhở. Đá mồ côi lộ ra lổn nhổn.
Kề đó, Hòn Ngang bị biến hình như sau một cuộc đại phẫu. Phía chân đồi, một vệt thảm thực vật đã bị “cạo trắng”, chạy dài cả cây số. Ra ngoài nữa, Hòn Đỏ, Hòn Chung Ké, Hòn Mao… đều chung tình cảnh nham nhở.
Một chủ cơ sở dịch vụ du lịch trên vịnh Vân Phong cho biết: Rừng bị phá ồ ạt từ nhiều tháng nay, nghiêm trọng nhất tại các đảo: Hòn Trì, Hòn Ngang, Hòn Đỏ,.. thuộc địa phận xã Vạn Thạnh. “Người ta thuê người phá rừng, đốt dọn rồi sau đó rao bán. Là đất lâm nghiệp nhưng giá bán rất cao, có khi lên đến nhiều tỷ đồng/ha. Đảo chơ vơ giữa biển, khi rừng bị phá thì không thể che giấu được, từ xa hàng chục cây số đã nhìn thấy. Phá rừng, mua bán đất ồn ào suốt nhiều tháng nay nhưng chẳng thấy cơ quan nào kiểm tra, ngăn chặn”, người này nói.
Tôi gõ trên Google mấy từ “bán đất Vạn Thạnh, Vạn Ninh”, trong nháy mắt Google cho gần một triệu rưỡi kết quả. Cơ man những dòng quảng cáo bán đất đảo làm du lịch, làm resort. Đất bán đều có quy mô diện tích tính bằng đơn vị héc ta. Giá rao bán từ vài tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng, tùy vị trí.
Ông Nguyễn Ngọc Mẫn, Trưởng thôn đảo Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh (Vạn Ninh), thôn gồm những hòn đảo nằm giữa vịnh Vân phong, chia sẻ: Tình trạng phá rừng, gom đất, mua bán đất trên các đảo Hòn Ngang, Hòn Đỏ, Hòn Trì, Hang Ké… là một thực tế. “Từ khi có chủ trương xây dựng ĐKKT Bắc Vân Phong, người ta đổ về đây đầu cơ đất. “Cuốn” theo cơn “sốt” đất, rừng bị phá từng ngày. Chúng tôi ở cấp thôn chỉ nghe, thấy, báo cáo cấp trên chứ không có thẩm quyền giải quyết”, ông Mẫn tỏ vẻ bất lực.
Điều đáng nói, như tố cáo của người dân, cán bộ lãnh đạo xã Vạn Thạnh có tham gia mua gom, đầu cơ đất. Liên hệ UBND xã Vạn Thạnh để xác minh, ông Nguyễn Xuân Khoa - Phó Chủ tịch xã Vạn Thạnh cho hay, xã mới được người dân địa phương trình báo về tình trạng phá rừng trên các đảo. Sau mấy lời dè dặt, ông Khoa giới thiệu gặp ông Nguyễn Thanh Nam - Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh. Nhưng, chúng tôi đã không có được cuộc gặp với người có trách nhiệm cao nhất tại xã Vạn Thạnh. “Tôi bận, không làm việc với báo chí” - ông Nam nói với phóng viên.
Theo ông Trần Kim Bảo - Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, sau khi có chủ trương hình thành đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, nhiều người đổ xô về đây mua gom đất, đẩy giá đất tăng cao. Không chỉ đất ở, đất trồng cây lâu năm, đất đìa, đất rừng trên các đảo cũng được mua bán, sang nhượng. Riêng tình trạng phá rừng trên các đảo thuộc vịnh Vân Phong, lãnh đạo huyện có biết và có nhận đơn từ phản ánh của người dân về vấn đề này. Địa phương đã thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra. Tuy nhiên, các đối tượng phá rừng rất tinh vi, khi phát hiện cơ quan chức năng thì vào rừng trốn. Hiện nay, địa phương rất lúng túng, khó khăn trong xử lý các vụ việc.
Ông Võ Hoàng Hải - Bí thư Huyện ủy Vạn Ninh, xác nhận: Đơn thư phản ánh của người dân đang chờ thanh tra làm rõ. Lãnh đạo xã Vạn Thạnh vi phạm gì, cần chờ kết quả thanh tra. Nhưng, một điều đã chắc chắn, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất công nghiêm trọng ở Vạn Thạnh, là do có sự buông lỏng quản lý đất đai của cấp cơ sở.
“Gần đây, huyện đã tiếp nhận nhiều đơn khiếu nại lãnh đạo xã Vạn Thạnh có liên quan đến đất đai. Trong đó, có đơn thư tố cáo ông Nam mua gom, đầu cơ đất trái với chỉ thị của UBND tỉnh, gây phức tạp tình hình. Người dân đã có đơn thư yêu cầu làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo xã Vạn Thạnh. Huyện ủy Vạn Ninh đã ban hành kế hoạch kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm và đang yêu cầu ông Nam giải trình. Sau khi có kết quả kiểm tra, Huyện ủy sẽ xem xét xử lý theo quy định”- một lãnh đạo Huyện ủy Vạn Ninh thông tin.
Nguyễn Huân