Như Báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh bài Qua nhiều đời Chủ tịch quận, dự án đường Vũ Quỳnh dài 1,4km...vẫn “đắp chiếu”.

Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Vũ Quỳnh (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) đến đường Lê Đức Thọ - Phạm Hùng được khởi công từ giữa tháng 6/2020, với quyết tâm dự kiến hoàn thành sau 450 ngày (tức 1 năm 3 tháng).

leftcenterrightdel
 Đoạn nối đường Vũ Quỳnh đến đường Lê Đức Thọ - Phạm Hùng, dù đã chắn bằng ống cống bê tông, người dân vẫn lách qua. 

Với quyết tâm chỉ hơn 1 năm sau ngày khởi công dự án hoàn thành, một tuyến đường quan trọng được đưa vào sử dụng, nhưng sau hơn 4 năm từ khi khởi công, đến nay dự án vẫn ì ạch, dang dở, chậm tiến độ.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng, dài khoảng 1,4km đi qua các phường Phú Đô, Mỹ Đình 2 và Mỹ Đình 1 thuộc quận Nam Từ Liêm, chiều rộng tuyến đường 40m.

leftcenterrightdel
 Dự án đường Vũ Quỳnh chậm tiến độ nhiều năm chưa có ngày về đích. 

Trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, ông Mai Trọng Thái, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, từ khi về làm Chủ tịch, tôi chỉ đạo rất quyết liệt, về tiến độ dự án đã cơ bản hoàn thành.

Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm, Mai Trọng Thái cũng thừa nhận dự án chậm tiến độ, quận đang rất nỗ lực để xử lý, giải quyết những vấn đề tồn tại liên quan đến dự án này.

leftcenterrightdel
 Người dân tận dụng dự án chậm tiến độ làm nơi trồng rau. 

Đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm cũng cho biết, Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Vũ Quỳnh đến đường Lê Đức Thọ - Phạm Hùng (đoạn sau khu Trung tâm thể thao dưới nước) được khởi công từ ngày 17/6/2020, đến thời điểm hiện tại, dự án đã triển khai cơ bản hoàn thành khối lượng công việc trên phần diện tích đã được giải phóng mặt bằng, đạt khoảng 60% khối lượng dự án.

Theo đó, các hạng mục đã hoàn thành, bao gồm: đào nền đường, đắp đất K95, K98; hệ thống thoát nước; hào kỹ thuật; lát vỉa hè, thảm lớp bê tông nhựa hạt thô mặt đường... theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt.

leftcenterrightdel
Một biển báo sơ sài công trường đang thi công. 

Cũng theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm, về công tác giải phóng mặt bằng, Dự án đã hoàn thành 73,14% diện tích giải phóng mặt bằng.

Hiện nay, UBND quận Nam Từ Liêm đang tích cực tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo quy định và bàn giao mặt bằng thực hiện dự án trong thời gian sớm nhất.

“Dự kiến hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và toàn bộ phần thi công xây dựng trong năm 2025”, đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm nói.

leftcenterrightdel
 Rác, vật liệu xây dựng đặt một bên đường một chiều. 

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, nhiều đoạn thuộc dự án đã hoàn thành phần mặt đường, người dân có thể tạm thời đi lại trên những đoạn đường đã hoàn thiện.

Các hàng cây xanh dọc tuyến đường đã được trồng nhưng thiếu sự chăm sóc, cắt tỉa đã xuất hiện cây chết. Các cột đèn chiếu sáng nằm trong dự án cũng đã được dựng lên nhưng chưa có bóng, một số cột đèn vẫn còn bọc giấy nilon.

leftcenterrightdel
 Một gốc cây trên vỉa hè dự án bị những túi bóng rác thải bủa vây, bức tử tại địa phận phường Mỹ Đình 2. 

Một số vị trí thuộc dự án đường Vũ Quỳnh kéo dài bị đổ trộm rác sinh hoạt, vật liệu xây dựng, dù được chính quyền địa phương thường xuyên thu dọn nhưng tình trạng này vẫn diễn ra, gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm.

Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Vũ Quỳnh đến đường Lê Đức Thọ - Phạm Hùng (đoạn sau khu Trung tâm thể thao dưới nước) như nhiều dự án chậm tiến độ khác trên cả nước đã không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực cả về giá trị vốn cũng như các hệ lụy khác.

leftcenterrightdel
Vị trí thoát nước lớn cuốn theo nhiều rác và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông tại dự án. 

Về mặt kinh tế, ngân sách Nhà nước bị tổn thất nặng nề do các dự án chậm tiến độ thường phải tăng mức vốn đầu tư. Về mặt xã hội, lãng phí vốn đầu tư công còn làm giảm niềm tin của người dân vào các cơ quan quản lý Nhà nước.

Tình trạng dự án "treo", dự án “đắp chiếu" gây lãng phí, thiệt hại khó có thể đo đếm, kéo theo nhiều hệ lụy, khiến dư luận xã hội bức xúc.

leftcenterrightdel
 Vỉa hè thuộc dự án được lát đá nhưng bị tình trạng đổ trộm rác gây mất mỹ quan, ô nhiễm thuộc khu vực phường Mỹ Đình 2. 

Đáng chú ý, Hà Nội là thành phố đầu tiên trên cả nước đã thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng chống lãng phí. Ngay buổi họp đầu tiên vào ngày 20/11, Ban Chỉ đạo quyết tâm tập trung tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các dự án chậm triển khai. 

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, khi thảo luận dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), ý kiến một số đại biểu cho rằng, cần bổ sung vào luật các quy định siết chặt quản lý, xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân liên quan đến các dự án đầu tư công chậm tiến độ, nhằm chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

leftcenterrightdel
 Nhiều cây xanh trong dự án đã chết khô, cỏ mọc um tùm. 

Đầu tháng 11/2024, Thủ tướng Chính phủ cũng ký Công điện số 112 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.

Công điện nêu rõ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai rà soát, thống kê toàn bộ các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công, trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng chưa hiệu quả thuộc phạm vi, địa bàn quản lý.

leftcenterrightdel
 Một số vị trí trong dự án chưa thể giải phóng mặt bằng cũng là nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ. 

Công điện cũng nêu rõ, xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức để các dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài; kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao trong giải quyết các vấn đề liên quan để các dự án, công trình chậm tiến độ, kéo dài,…lãng phí nguồn lực.

 


Vũ Phương