Đến chợ vải Ninh Hiệp, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội vào ngày cuối tuần, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy dù được coi là nơi bán vải với giá rẻ nhất khu vực song không khí ở đây khá đìu hiu. “Bán hàng thời buổi này hòa vốn đã là may” - chị Lê Thị H, một tiểu thương tại chợ thở dài…
 


Xem là chính

Ngay từ cổng làng có thể bắt gặp vô số sạp vải, quần áo san sát chạy dài hai bên đường. Vải vóc với đủ các chủng loại, màu sắc được chất đống, thậm chí được đổ ngay trên sàn nhà. Dù đang là thời điểm giao mùa nhưng hầu hết các cửa hàng đều rất vắng khách. Ghé vào một cửa hàng vải đầu chợ, chúng tôi được chị Lê Thị H - chủ cửa hàng cho biết, do vải vóc ở chợ Ninh Hiệp thường có giá chỉ bằng nửa nơi khác nên thu hút được khách mua buôn và những đối tượng có thu nhập trung bình.

 

Có tới 99% vải trong chợ là hàng Trung Quốc, lại không mất thuế nên mới có giá rẻ. Các mặt hàng vải thông thường tại chợ có giá dao động từ 30-40 nghìn đồng/m tùy loại. Vải may vest, quần âu, áo khoác tuy có giá đắt hơn nhưng cũng chỉ 40-50 nghìn đồng/m... Đối với vải bán theo cân hay bán cả cuộn giá còn rẻ hơn nữa, chỉ từ 20-45 nghìn đồng/kg.

Đi một vòng quanh chợ vải chúng tôi thấy, dù vắng khách nhưng khách thực sự có nhu cầu mua sắm cũng không nhiều, hầu hết chỉ xem là chính. Điều đáng ngạc nhiên là dù kinh doanh mặt hàng dễ cháy nhưng công tác phòng cháy chữa cháy dường như chưa được các tiểu thương quan tâm đúng mức. Bên cạnh những kiện vải cao ngất không ít người còn bình thản bật lửa hút thuốc và nấu nướng, phớt lờ nguy cơ hỏa hoạn. Ngoài ra, do tình trạng xả rác bừa bãi nên nhiều hồ nước tại khu vực quanh chợ đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi nồng nặc.

Tràn lan hàng nhái

Khi giá công may ngày càng tăng cùng với thời gian chờ đợi thường từ một tuần đến một tháng thì không ít người đã chuyển sang sử dụng hàng may sẵn. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều cửa hàng kinh doanh vải tại Ninh Hiệp đã chuyển sang buôn bán quần áo. Theo các chủ cửa hàng, hầu hết quần áo có xuất xứ Trung Quốc, giá thành rẻ nhưng lợi nhuận cao. Trung bình, một chiếc áo phông cộc tay có giá 50.000 - 70.000 đồng, quần vải kaki 100.000 đồng, chân váy 50.000đ, váy bò 100.000 đồng, áo ren lửng chỉ có 30.000 đồng/chiếc...

 

Dù là hàng gia công nhưng nhiều quần áo bày bán tại chợ được gắn mác hàng hiệu, từ Zara, Mango đến Playboy, Versace, Calvin Klein. Khi được hỏi: “Chị có biết việc bán hàng nhái là vi phạm luật”, chị Trần Thị L -  chủ một cửa bán quần áo ngoài chợ chép miệng: “Ở đây ai cũng bán, ngày nào cũng bán mà tôi có thấy ai kiểm tra xử lý gì đâu. Mà thuận mua thì vừa bán, ai cũng biết hàng “rởm” nhưng vẫn mua, tiền ít thì phải chấp nhận”.

Tuy đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc song chất lượng của những mặt hàng này còn nhiều điều đáng bàn.  Không chỉ xấu về chất vải, đường may của các sản phẩm này khá cẩu thả và tạm bợ. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến một bạn nữ sinh viên khi vừa chui đầu vào một chiếc áo may sẵn để thử đã bị rách toạc, lộ đúng chỗ… nhạy cảm. Dù quyết định không mua chiếc áo song bạn gái này vẫn phải  móc hầu bao trả cho chủ cửa hàng 20.000 đồng tiền bồi thường.

Ngoài vải, quần áo may sẵn, tại chợ Ninh Hiệp còn có đầy đủ các sản phẩm phụ kiện may mặc, giày dép trẻ em, người lớn, thắt lưng, túi xách, chăn ga gối đệm. Những mặt hàng này đều có điểm chung là không tem nhãn, không nguồn gốc xuất xứ, không bảo hành và đã mua “miễn đổi hoặc trả lại”.

Càng đi sâu vào trong chợ lượng khách càng thưa thớt. Theo một số hộ kinh doanh tại chợ chính, thời gian gần đây do các cửa hàng bên ngoài đua nhau mở ra, giá thuê chỉ bằng, thậm chí thấp hơn giá thuê quầy trong chợ, họ bán hàng với giá rẻ nên hút được khách. Bên cạnh đó, các cửa hàng này lại có mặt bằng rộng rãi hơn, có chỗ bày hàng đẹp mắt, lại có khu vực cho khách thử đồ nên được nhiều khách hàng lựa chọn. Do vậy, một số tiểu thương tuy rất muốn ra ngoài kinh doanh nhưng vì đã nộp tiền thuê quầy nên đành ngậm ngùi ở lại chờ hết hạn hợp đồng.

Rời chợ vải Ninh Hiệp, dù mang về được một số “chiến lợi phẩm” nhưng trong tôi còn chất chứa nhiều nỗi lo. Đó là những nguy cơ về hỏa hoạn, về môi trường bị ô nhiễm, về một khu chợ đầu mối bày bán vô số hàng nhái, hàng kém chất lượng ngày càng phình to về quy mô tới mức khó có thể kiểm soát…

 

Theo An ninh Thủ đô

.