Ban đầu chỉ là sự suy giảm trong lĩnh vực xuất khẩu. Giờ đây, các nền kinh tế châu Á đang cảm nhận ngày càng rõ nét những thách thức kinh tế toàn cầu khi mà người tiêu dùng và doanh nghiệp tại các quốc gia này đồng loạt cắt giảm chi tiêu.
Báo Wall Street Journal cho biết, các chính phủ ở châu Á đã bắt đầu một làn sóng kích thích tăng trưởng mới để ngăn chặn nguy cơ rơi vào một vòng xoáy suy giảm tăng trưởng mà ở đó, sự suy giảm của chi tiêu sẽ đẩy các doanh nghiệp vào cảnh phải cắt giảm thêm chi tiêu.
Động thái mới nhất trong cuộc chiến chống suy giảm này diễn ra vào ngày hôm qua (12/7) khi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) bất ngờ cắt giảm lãi suất 25 điểm phần trăm, đưa lãi suất cơ bản đồng Won về 3%.
Đây là lần đầu tiên BoK cắt giảm lãi suất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2009. Nhu cầu suy giảm tại các thị trường xuất khẩu đã khiến người tiêu dùng Hàn Quốc trở nên thận trọng hơn, trong khi các doanh nghiệp ở nước này cũng không còn sẵn lòng trong việc đưa ra những kế hoạch kinh doanh dài hơi.
“Xuất khẩu sang những nước đối tác thương mại chính của chúng tôi như Trung Quốc, Mỹ và châu Âu vẫn đang ảm đạm. Đầu tư của các công ty Hàn Quốc vào các cơ sở sản xuất vì thế cũng giảm”, Thống đốc BoK Kim Choong-soo phát biểu.
Một tín hiệu cho thấy các doanh nghiệp Hàn Quốc đang cắt giảm đầu tư là, nhập khẩu các mặt hàng thiết bị máy móc vào nước này đã suy giảm trong mấy tháng gần đây. Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra ở hai “công xưởng” khác trong khu vực là Đài Loan và Trung Quốc.
Sáng nay (13/7), Trung Quốc công bố mức tăng trưởng GDP quý 2 thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2009. GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng có 7,6% trong quý 2 vừa qua, chậm nhất trong vòng 3 năm qua.
“Hiện không nhìn thấy ‘ánh sáng cuối đường hầm’ cho lĩnh vực xuất khẩu của châu Á. Các công ty vì thế phải thu hẹp các khoản đầu tư mới hoặc hủy kế hoạch đầu tư”, ông Robert Subbaraman, chuyên gia kinh tế trưởng của khu vực châu Á, không bao gồm Nhật Bản của ngân hàng Nomura nhận xét.
Sự suy giảm đầu tư trong nước có thể có tác động lớn hơn cả sự suy giảm nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu. So với ở các khu vực khác trên thế giới, đầu tư vào những lĩnh vực như nhà máy, cảng biển và bất động sản đóng một vai trò lớn hơn đối với kinh tế châu Á. Đầu tư chiếm gần một nửa hoạt động kinh tế của Trung Quốc. Ở Ấn Độ và Hàn Quốc, tỷ lệ này lần lượt là 35% và 30%. Trong khi đó, đầu tư chỉ chiếm chưa đầy 20% hoạt động kinh tế ở Brazil, Đức và Mỹ.
Đến nay, sự suy giảm kinh tế nói chung ở châu Á còn khá nhẹ, với tỷ lệ thất nghiệp và suy giảm tiêu dùng nội địa mới chỉ ở mức khiêm tốn. Cho tới gần đây, các ngân hàng trung ương trong khu vực vẫn còn phản ứng thận trọng vì lo ngại, kích thích nhiều quá có thể dẫn tới sự gia tăng của lạm phát.
Tuy nhiên, lạm phát đến nay đã đuối nhanh ở hầu hết các nền kinh tế châu Á. Sự giảm nhiệt của lạm phát diễn ra song song với sự đi xuống giá hàng hóa cơ bản, tạo cơ hội cho các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất. Từ tháng 6 đến nay, Trung Quốc đã giảm lãi suất 2 lần. Các chính phủ cũng bắt đầu tung ra những biện pháp kích thích có mục tiêu rõ ràng hơn, chẳng hạn tăng chi tiêu chính phủ ở Hàn Quốc, chính quyền cho các nhà xuất khẩu vay vốn ở Đài Loan, hay các biện pháp hỗ trợ các hộ gia đình mua đồ gia dụng ở Trung Quốc.
Trong 3 tháng qua, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã hai lần cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực trong năm nay và năm tới, xuất phát từ mức tăng trưởng dự báo thấp hơn đối với Mỹ và châu Âu. ADB nhận định, GDP của khu vực châu Á không bao gồm Nhật Bản chỉ tăng trưởng 6,6% trong năm nay, so với mức dự báo 6,9% trước đó. ADB cho rằng, nhu cầu nội địa của các nền kinh tế châu Á sẽ duy trì vững.
Nhưng đã xuất hiện những tín hiệu cho thấy, chi tiêu nội địa bởi các cá nhân và công ty đã bắt đầu giảm tại một số nước châu Á. Hôm thứ Ba vừa rồi, hãng thời trang Levi Strauss & Co. của Mỹ cho biết doanh thu tại châu Á đã giảm 12% trong quý 2 năm nay, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong 2 năm.
“Người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ, nơi chúng tôi có cơ sở kinh doanh lớn”, ông Chip Bergh, Giám đốc điều hành của Levi’s phát biểu.
Doanh số tại các trung tâm bán lẻ của Hàn Quốc cũng đang suy yếu, trong khi doanh số thị trường ôtô nước này giảm 6% trong 6 tháng đầu năm. Đây là mức giảm mạnh nhất của thị trường xe ở Hàn Quốc kể từ 6 tháng cuối năm 2008, khi doanh số giảm 13% do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tại thị trường ôtô lớn nhất thế giới là Trung Quốc, mức tăng trưởng doanh số trong 6 tháng đầu năm chưa đầy 3%, mức tăng yếu nhất kể từ ít nhất năm 2001 khi thống kê này bắt đầu được thực hiện.
Nền kinh tế Hàn Quốc có mức độ phụ thuộc cao về kinh tế toàn cầu, nên sức khỏe của nền kinh tế này thường phản ánh tình hình ở những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm 2011, xuất khẩu gồm những mặt hàng như xe hơi, tàu thủy, máy xúc và điện thoại di động chiếm phân nửa GDP của Hàn Quốc. Hôm nay (13/7), BoK cắt giảm dự báo tăng trưởng Hàn Quốc năm nay xuống còn 3% và lạm phát còn 2,7%. Đây là lần cắt giảm dự báo tăng trưởng lần thứ hai trong năm nay của BoK.
“Dự báo mới của BoK tệ hơn tôi tưởng. Điều này khẳng định quan điểm rằng ngân hàng trung ương này sẽ còn cắt giảm thêm lãi suất vào tháng tới, chuyên gia kinh tế Park Sang-hyun thuộc công ty HI Investment & Securites nhận xét.
Đầu tháng này, Chính phủ Hàn Quốc đã cắt giảm dự báo tăng trưởng xuất khẩu còn 3,5% trong năm nay, so với mức dự báo 6,7% đưa ra hồi tháng 1. Năm 2011, xuất khẩu của Hàn Quốc tăng 19%.
“Trừ phi châu Âu tung ra các gói kích cầu ôtô, chúng tôi có thể đối mặt với khó khăn xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm”, Phó chủ tịch Suh Choon-kwan của hãng Kia Motors cho biết.
Cũng trong ngày hôm nay, một trung tâm thương mại và tài chính khác của châu Á là Singapore cho biết nền kinh tế suy giảm 1,1% trong quý 2, từ chỗ tăng 9,4% trong quý 1.
Ấn Độ thì vừa công bố sản lượng công nghiệp tháng 5 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một mức tăng mà các chuyên gia kinh tế cho là phù hợp với sự trì trệ kinh tế đang diễn ra ở nước này.
Theo VnEconomy