Năm 2017, Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh đã phát huy được các nguồn vốn và hoàn thành vượt các kế hoạch cho chương trình nước sạch nông thôn, tập trung đầu tư mở rộng xây dựng mạng lưới gắn với nâng cao chất lượng nước, khai thác có hiệu quả công suất hoạt động của hệ thống cấp nước sạch nông thôn.

Những năm qua, nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới, chất lượng cuộc sống người dân vùng nông thôn trong tỉnh ngày càng được nâng cao. Ý thức bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe của hộ gia đình nâng lên rõ rệt. Năm 2017, Hà Tĩnh có thêm 34.500 người được sử dụng nước hợp vệ sinh, tăng 3,0% so với năm 2016, nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh lên 96,0%, đạt 100% kế hoạch cả năm. 32.000 người sử dụng nước đạt Quy chuẩn QCVN:02 của Bộ Y tế, tăng 2,8% so với năm 2016, nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước đạt Quy chuẩn QCVN 02 lên 44,8% (đạt 100% so kế hoạch đề ra). 

leftcenterrightdel
 Một số công trình cấp nước hoàn thành đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân tại các vùng nông thôn

Việc trung tâm trực tiếp thực hiện quản lý, vận hành khai thác 06 công trình cấp nước tập trung: (Công trình cấp nước Thiên Lộc, Thạch Bằng, Bắc Cẩm Xuyên, Bắc Thạch Hà, Thạch Sơn và Khánh Lộc), có tổng công suất thiết kế 12.800 m3/ngày đêm, cung cấp cho hơn 14.000 hộ gia đình có nước sạch để sử dụng. Khối lượng nước tiêu thụ đạt 1.450.000 m3; tăng 240% so với năm 2016. Những công trình nước sạch với quy mô lớn này trên các vùng nông thôn đang làm thay đổi chất lượng cuộc sống người dân vùng nông thôn. 

Ngoài ra việc hoàn thành công trình, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử gói thầu 02/XL công trình cấp nước xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên); nâng cấp mở rộng công trình cấp nước xã Khánh Lộc (Can Lộc) và Công trình Âu chứa nước Hồ Khe hao (thuộc công trình cấp nước Thạch Bằng, huyện Lộc Hà), sau khi đưa vào sử dụng đã đáp ứng nhu cầu cho 1.077 hộ gia đình được sử dụng nước sạch. 

Song song với việc xây dựng các công trình nước sạch thì các công trình bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn cũng được triển khai như: Xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước trong thôn, xóm; chỉnh trang, cải tạo nghĩa trang; cải tạo, xây dựng các ao, hồ; phát triển cây xanh ở các công trình công cộng. Đặc biệt là việc xử lý nguồn chất thải trong chăn nuôi và dự án khí sinh học (Biogas) đã thu hút được nhiều hộ dân tham gia và thực hiện. Vì vậy, tình hình vệ sinh môi trường nông thôn trong năm qua đã có nhiều thay đổi, cảnh quan và môi trường nông thôn được cải thiện đáng kể, nhất là tập quán không sử dụng nhà vệ sinh hoặc sử dụng phân chưa qua xử lý để bón ruộng đã và đang được cải thiện. Hiện toàn tỉnh có thêm 13.200 hộ gia đình sử dụng hố xí hợp vệ sinh, tăng 4,0% so với năm 2016, nâng tỷ lệ số hộ gia đình sử dụng hố xí hợp vệ sinh lên 88,0% (đạt 100% kế hoạch đề ra), trong năm đã xây dựng được 5.000 công trình, tăng 3,0%, nâng tỷ lệ số hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh lên 82,0%; đạt 100% kế hoạch cả năm.

leftcenterrightdel
 Người dân nông thôn phấn khởi vì được sử dụng nước sạch 

Bộ mặt nông thôn đang dần thay đổi, khang trang và sạch đẹp hơn trước. Năm 2017 có 42/42 xã xây dựng nông thôn mới đều đạt chỉ tiêu nước sạch (Tiểu tiêu chí 17.1) trong tiêu chí môi trường. Việc người dân được hưởng hiệu quả đầu tư từ dự án đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nâng cao điều kiện và chất lượng cuộc sống để tập trung phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. 

Theo ông Nguyễn Hồng  Quang - giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hà Tĩnh: Việc đưa nước sạch đến từng hộ đã được người dân đồng tình và hết sức phấn khởi. Thành công này được xem như là một phần thưởng cho ban lãnh đạo cũng như cán bộ công nhân viên của Trung tâm, bởi hơn ai hết, tập thể nhân viên của Trung tâm nhận thức được rằng sử dụng nước sạch trong sinh hoạt chính là góp phần đảm bảo sức khỏe cho người dân cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội cho người dân ở các khu vực nông thôn.

Trong những năm tới Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phấn đấu nâng cao tỷ lệ người dân được tiếp cận nước sạch, xây dựng môi trường nông thôn được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững.

Văn Tuân - Đặng Thuỳ