Chỉ còn hơn 5 tháng nữa là kết thúc chương trình cho vay ưu đãi gói 30.000 tỷ đồng, nhưng hiện vẫn chưa biết nguồn vốn cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội (VBSP) sẽ lấy từ đâu.
Đầu tháng 6/2016, người thu nhập thấp trên cả nước phấn khởi đón nhận thông tin về việc Chính phủ đã có Quyết định về mức lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định 100. Quyết định này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2016 và được áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016.
Tuy nhiên, vui đâu chưa thấy người thu nhập thấp lại thấy lo lắng khi Ngân hàng Nhà nước chưa thể tái cấp vốn ưu đãi dẫn đến tình trạng người mua nhà phải vay với lãi suất cao gấp đôi, từ 8-9%/năm để kịp giải ngân theo tiến độ.
Chị Hiền ngụ Q.10 cho biết, cách đây vài tháng vợ chồng chị có mua căn hộ tại Q.12 với giá gần 1 tỷ đồng và căn hộ nằm trong diện được vay gói 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tiến độ giải ngân trong tháng 7/2016 của chị không còn được hưởng lãi suất 5%/năm như trước đây nữa mà phải theo lãi suất thỏa thuận vì BIDV chưa nhận được hướng dẫn nào của Ngân hàng Nhà nước.
Một trường hợp khác cũng rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” này là ông Long, một cựu chiến binh, ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM cho hay, căn hộ ông mua ở Q.Bình Tân vẫn còn hơn 500 triệu đồng và được BIDV cam kết giải ngân nhưng đến nay gói vay ưu đãi đã kết thúc. Nếu tiếp tục giải ngân trong thời gian tới thì ngân hàng áp dụng lãi ưu đãi hay lãi suất thả nổi, nếu ngân hàng tính theo lãi suất thả nổi thì chắc chắn tôi không có tiền trả lãi và như vậy có khi tôi còn bị chủ đầu tư thanh toán hợp đồng trước.
Nhiều khách hàng mua nhà cho biết, mặc dù Chính phủ đã ban hành Quyết định mức lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8%/năm và được áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016 nhưng khi tiếp cận với ngân hàng VBSP và 4 ngân hàng quốc doanh được chỉ định Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank thì chỉ nhận được câu trả lời chưa có vốn, phải chờ Chính phủ cấp vốn!
Một khách hàng bức xúc và lo lắng khi được biết gói cho vay này sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2016: “Thời hạn vay ngày càng ngắn và người vay ngày càng đông hơn, thế nhưng đến giờ vẫn chưa được vay và không biết các điều kiện, thủ tục cũng như quy trình vay như thế nào và không biết có được ngân hàng cho vay hay không hay là phải đi “cửa sau” mới vay được gói vay này”.
Trao đổi với Báo Người Tiêu Dùng về việc này, một đại diện của BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn cho biết, theo văn bản chỉ đạo của Chính phủ là phải tiếp tục giải ngân nhưng hiện nay BIDV và các ngân hàng khác cũng chưa nhận được tái cấp vốn lãi suất ưu đãi nên không thể cho vay được và đang chờ VBSP triển khai.
Theo một đại diện của VBSP TP.HCM, hiện nay ngân hàng này cũng đang chờ vốn của Chính phủ mà vốn thì chưa được cấp, nếu có vốn thì ngân hàng mới cho vay được. Vì toàn bộ nguồn vốn là từ Chính phủ, do đó ngân hàng cũng đang phụ thuộc vào Chính phủ, khi nào có thì ngân hàng sẽ triển khai cho vay liền.
“Tôi cũng rất mong điều này vì tôi cũng có người nhà đang vay mua nhà ở xã hội. Hiện cũng chưa biết là khi nào sẽ có nguồn vốn để giải ngân nữa và tôi cũng mong từng ngày”, vị đại diện này cho biết thêm.
Trên thực tế, Chương trình nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014 đang bị ách tắc và những ý kiến còn khác nhau giữa các bộ, ngành và Hiệp hội Bất động sản (HoREA) nhận thấy vướng mắc lớn nhất là vấn đề bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Ngày 24/6/2016, HoREA đã có văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để Ngân hàng Nhà nước có căn cứ tái cấp vốn và cấp bù lãi suất nhằm thực hiện sớm chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014.
Bên cạnh đó, HoREA đề nghị Chính phủ cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho tổ chức tín dụng vay tái cấp vốn với lãi suất tái cấp vốn ưu đãi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và hỗ trợ các ngân hàng thương mại tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội. Để không vượt quá khả năng ngân sách, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cân đối kế hoạch phát triển nhà ở xã hội hợp lý bố trí trong giai đoạn 2016-2020.
Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội (bằng mức 4,8%/năm của Quyết định 1013/QĐ-TTg) áp dụng trong năm 2016 tại các tổ chức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia chương trình nhà ở xã hội để thực hiện thống nhất.
Theo NTD