(BVPL) - Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất giảm 0,5% tỷ lệ đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ) và quỹ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp (BNN); giảm tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 0,5% cho người sử dụng lao động. Nếu được Chính phủ chấp thuận, mỗi năm doanh nghiệp và người lao động giảm nộp khoảng 5.400 tỷ đồng.
Theo phân tích của Bộ LĐ-TB&XH, số thu và số chi quỹ TNLĐ, BNN đều có xu hướng tăng hàng năm, tốc độ tăng bình quân số chi và số thu khá cân bằng, số thu tăng bình quân 20%; số chi tăng bình quân 18%; vì vậy, tỉ lệ số chi, thu thời gian qua khá ổn định, tăng không đáng kể. Với tỉ lệ đóng 1% vào quỹ TNLĐ, BNN thì số chi trong năm chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với số thu trong năm, số kết dư trong những năm qua là khá lớn. Nếu tăng chi đột biến trong những năm tới cũng sẽ không gây xáo trộn trong cân đối quỹ.
Theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động thì quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN được dùng chi trả 8 nội dung quy định tại Điều 42 của Luật: Phí khám giám định thương tật, bệnh tật; trợ cấp một lần, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc; chi phí quản lý bảo hiểm TNLĐ, BNN; đóng BHYT cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm TNLĐ, BNN hàng tháng. Quỹ BHTN được sử dụng để chi trả các khoản như trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; đóng BHYT cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp; chi phí quản lý BHTN thực hiện theo quy định của Luật BHXH; đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ.
Tương tự, Quỹ BHTN hiện nay cũng có nguồn kết dư lớn. Hiện, tổng số kết dư quỹ BHTN tính đến hết năm 2015 là gần 48.091 tỷ đồng. Theo phân tích của Bộ LĐTBXH, từ ngày 1.1.2015, theo quy định của Luật Việc làm thì tỷ lệ đóng vào quỹ BHTN là 2%, trong đó người sử dụng LĐ 1%, NLĐ 1%; đồng thời Nhà nước hỗ trợ theo nguyên tắc bảo đảm duy trì số dư quỹ hàng năm bằng 2 lần tổng các khoản chi các chế độ BHTN và chi phí quản lý BHTN của năm trước liền kề nhưng mức hỗ trợ tối đa bằng 1%.
Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, sẽ giảm tỷ lệ đóng vào quỹ TNLĐ, BNN từ 1% xuống còn 0,5% vì tỷ lệ số chi/thu những năm gần đây đều chỉ chiếm khoảng gần 10%; số kết dư đến thời điểm hiện tại là khá lớn, khoảng 26.000 tỷ đồng. Theo đó, nếu giảm 0,5% tỷ lệ đóng của người sử dụng LĐ vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN thì số thu quỹ sẽ giảm khoảng gần 3.000 tỷ đồng/năm- nếu so với số chi của những năm trước thì tỷ lệ chi/thu cũng chỉ tăng lên khoảng 20%. Mặc dù, Luật An toàn, vệ sinh lao động đã bổ sung một số nội dung chi từ quỹ TNLĐ, BNN nhưng với tỷ lệ đóng vào quỹ là 0,5% và kết dư của quỹ đến thời điểm hiện tại vẫn đảm bảo việc chi trả trong một vài năm tới.
Tương tự, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giảm tỷ lệ đóng vào quỹ BHTN từ 2% xuống còn 1,5% , giảm 0,5% phần đóng của người sử dụng LĐ; số thu quỹ sẽ giảm khoảng 2.400 tỷ đồng/năm thì tỷ lệ chi/thu cũng chỉ tăng lên khoảng 70%. Với tốc độ tăng thu, chi như giai đoạn vừa qua, nếu không có nội dung tăng chi đột biến thì việc giảm 0,5% tỷ lệ đóng trong một vài năm tới quỹ BHTN vẫn đảm bảo cân đối thu chi.
Đánh giá tác động của việc giảm tỷ lệ đóng vào 2 quỹ với doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, việc giảm 1% tỷ lệ đóng BHXH của người sử dụng lao động sẽ làm giảm thu của quỹ khoảng 5.400 tỷ đồng/năm, điều này cũng đồng nghĩa với việc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đang tham gia BHXH giảm được 5.400 tỷ đồng mỗi năm. Đây sẽ là khoản hỗ trợ cần thiết cho cộng đồng doanh nghiệp trong điều kiện áp lực về nguồn chi lương nhân công, sản xuất và cạnh tranh môi trường trong và ngoài nước ngày càng gia tăng. Điều này cũng giúp doanh nghiệp giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Bảo Anh