Trước cơ hội và thách thức mà Hiệp định TPP mang lại, phải tiến hành đánh giá tác động của các cam kết về lao động trong Hiệp định TPP cũng như trong Kế hoạch hành động với Hoa Kỳ đối với Việt Nam một cách toàn diện và đầy đủ.

 


Có phải phê chuẩn các Công ước cơ bản của ILO để thực hiện các cam kết về lao động trong TPP hay không?

Nội dung cơ bản của các cam kết về lao động trong Hiệp định TPP viện dẫn đến 4 nhóm quyền và nguyên tắc cơ bản tại nơi làm việc như nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO. Theo ILO, các quyền và nguyên tắc cơ bản này được quy định trong 8 Công ước của ILO. Đồng thời, Tuyên bố năm 1998 của ILO lại không bắt buộc các quốc gia thành viên phải phê chuẩn các Công ước cơ bản mà yêu cầu các quốc gia thành viên tôn trọng, ghi nhận và bảo đảm các nguyên tắc và quyền nêu trong 8 Công ước cơ bản với tư cách là thành viên ILO ngay cả khi quốc gia thành viên đó chưa phê chuẩn các Công ước này. Như vậy, cam kết về lao động trong TPP không bắt buộc quốc gia thành viên phải phê chuẩn các Công ước cơ bản của ILO.

Trên thực tế, chỉ 2/12 quốc gia thành viên đã phê chuẩn cả 8 Công ước cơ bản. Hoa Kỳ, quốc gia thành viên thúc đẩy mạnh mẽ nhất việc đưa các điều khoản chặt chẽ và tiêu chuẩn cao về lao động trong Hiệp định TPP lại là quốc gia phê chuẩn ít Công ước cơ bản nhất. Việt Nam đã phê chuẩn 5 trong tổng số 8 Công ước cơ bản của ILO,[7]  hầu hết các nội dung của 5 Công ước cơ bản mà Việt Nam đã phê chuẩn đã được nội luật hóa vào pháp luật Việt Nam nhưng ở mức độ khác nhau và cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá.[8]

“Kế hoạch Hoa Kỳ-Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ Thương mại và Lao động” có phải là TPP “con” trong lĩnh vực lao động?

Song song với Hiệp định TPP, các cam kết về lao động của Việt Nam còn được quy định trong Kế hoạch của Hoa Kỳ-Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ Thương mại và Lao động” (United States – Vietnam Plan for the Enhancement of Trade and Labour Relations – sau đây viết tắt là Kế hoạch hành động). Hoa Kỳ là thành viên duy nhất thuộc nước phát triển phát triển đưa ra kế hoạch và yêu cầu cụ thể trong hợp tác về lao động với Việt Nam, Malaysia và Brunei; trong khi, các thành viên khác như Nhật Bản, Canada, New Zealand, Úc lại không đặt vấn đề hợp tác về lao động trong TPP.

Kế hoạch hành động[9] này gồm 8 mục lớn với các nội dung cơ bản như sau:

-     Yêu cầu Việt Nam sửa đổi các quy định trong nước nhằm: (i) Bảo đảm quyền tự do thành lập tổ chức đại diện cho người lao động theo sự lựa chọn của họ ở cơ sở. Tổ chức đại diện cho người lao động có thể hoặc đăng ký với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam hoặc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tổ chức đại diện người lao động đăng ký với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam hoặc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều có quyền như nhau. Tổ chức đại diện người lao động ở cấp cơ sở có quyền thành lập hoặc gia nhập tổ chức đại diện của người lao động cấp liên doanh nghiệp hoặc cấp cao hơn, gồm cả cấp ngành và cấp vùng. (ii) Bảo đảm sự độc lập của tổ chức đại diện người lao động, Việt Nam phải bảo đảm các quy định của pháp luật không bắt buộc các tổ chức đại diện lao động đăng ký  với cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thực hiện Điều lệ công đoàn Việt Nam mà có thể tự ban hành và thực hiện theo điều lệ của tổ chức mình. (iii) Bảo đảm nghiêm cấm sự can thiệp của người sử dụng lao động vào hoạt động của tổ chức đại diện lao động.

-  Quy định nghĩa vụ của Việt Nam về cải cách về tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực cán bộ, xây dựng Chương trình, chiến lược phòng chống lao động cưỡng bức và lao động trẻ em; nghĩa vụ công khai minh bạch thông tin; tuyên truyền, giáo dục cho người lao động và người sử dụng lao động; thành lập Đầu mối liên lạc, nâng cao năng lực cán bộ thanh tra. Kế hoạch hành động xác định cơ chế hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, rà soát, đánh giá việc thực thi và chế tài.

- Về hiệu lực thi hành, Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện các cam kết về cải cách pháp luật và thể chế trước ngày Hiệp định TPP có hiệu lực đối với Hoa Kỳ và Việt Nam trừ quy định về việc “Tổ chức đại diện người lao động ở cấp cơ sở có quyền thành lập hoặc gia nhập tổ chức đại diện của người lao động cấp liên doanh nghiệp hoặc cấp cao hơn, gồm cả cấp ngành và cấp vùng” sẽ được Việt Nam thực hiện trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Hiệp định TPP có hiệu lực đối với Hoa Kỳ và Việt Nam.

- Đặc biệt, Kế hoạch hành động sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp theo Chương 28 của Hiệp định TPP (ngoại trừ quy định về sự tham gia của bên thứ 3 tại Điều 28.13). Đồng thời, các quy định của Chương 29 Hiệp định TPP về các ngoại lệ cũng áp dụng cho bản Kế hoạch này.

Có thể nhận thấy, mặc dù tên gọi của Kế hoạch này là nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại và lao động nhưng nội dung chỉ tập trung vào vấn đề lao động. Mặc dù là thỏa thuận song phương nhưng nội dung của Kế hoạch hành động chỉ quy định nghĩa vụ của Việt Nam là chính. Nếu đối chiếu các cam kết trong TPP và nội dung của Kế hoạch này với 10 mục tiêu về lao động[10] mà Hoa Kỳ đặt ra khi đàm phán TPP thì có thể thấy Hoa Kỳ đã thành công hơn trong đàm phán về lao động và đã đạt được tất cả các mục tiêu cơ bản mà Hoa Kỳ đặt ra đối với vấn đề này.

Mặt khác, các yêu cầu về lao động trong Kế hoạch hành động thực chất là sự giải thích các yêu cầu của Tuyên bố năm 1998 của ILO, tập trung vào các quy định của ILO về tự do hiệp hội và thương lượng tập thể. Tuy nhiên, lại có nội dung còn vượt quá cả yêu cầu của ILO và chưa đề cập đến trường hợp mà ILO cho là ngoại lệ. Ví dụ như, theo quan điểm của ILO, sự đơn nhất trong tổ chức của hệ thống công đoàn không phải là vi phạm nguyên tắc về tự do hiệp hội nếu như nó xuất phát từ sự thống nhất bên trong của phong trào công đoàn và xuất phát từ nguyện vọng của người lao động vì lợi ích của người lao động.[11]  Theo ILO, chỉ coi là vi phạm nguyên tắc tự do hiệp hội khi sự đơn nhất trong tổ chức công đoàn được hình thành và áp đặt bởi các quy định của pháp luật.[12] Có ý kiến cho rằng, các cam kết trong Kế hoạch hành động này là lộ trình thực hiện công đoàn độc lập ở Việt Nam.[13]

Do đó, cần nghiên cứu, đánh giá xem việc tổ chức mô hình đại diện người lao động độc lập và song song tồn tại với Công đoàn Việt Nam có phù hợp với quy định tại Điều 10 Hiến pháp năm 2013[14] hay không? Có phải sửa đổi Hiến pháp hay không? Cần xác định rõ hình thức pháp lý của Kế hoạch hành động này là gì thẩm quyền ký, phê chuẩn Kế hoạch này ra sao? Kế hoạch hành động này có chứa đựngquy định về quyền của người lao động (quyền thành lập tổ chức đại diện lao động – quyền lập hội), có yêu cầu sửa đổi các quy định pháp luật trong nước (trong đó có luật do Quốc hội ban hành)… Với nội dung như vậy, căn cứ vào Hiến pháp,[15] Kế hoạch hành động này có phải trình Quốc hội để phê chuẩn không? Trường hợp Quốc hội không phê chuẩn thì cơ chế và hậu quả pháp lý sẽ ra sao?Bên cạnh đó, Kế hoạch hành động này chỉ có hiệu lực với Việt Nam và Hoa Kỳ, vậy liệu việc không ký, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ có ảnh hưởng gì đến tư cách thành viên của Việt Nam trong TPP không? Tác động của việc này về chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội… ra sao cũng cần phải được tham vấn và nghiên cứu kỹ lưỡng.

Một số kiến nghị

Hiệp định TPP được kỳ vọng sẽ được ký kết trong Quý 1 của năm 2016, và sẽ có hiệu lực 60 ngày kể từ khi tất cả các nước thành viên đã thông qua TPP. Theo dự báo, thời gian để các quốc gia thành viên phê chuẩn có thể kéo dài từ 18 đến 24 tháng. Như vậy, Hiệp định TPP có thể sẽ có hiệu lực từ 01/01/2018.[16]

Trong quá trình đàm phán Hiệp định TPP, việc đánh giá tác động của các cam kết đã được thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền và các chủ thể tham gia đàm phán. Tuy nhiên, các nội dụng của Hiệp định được giữ bí mật, do đó, việc tham vấn các đối tác xã hội và các bên liên quan đến các nội dung của Hiệp định hầu như chưa được thực hiện đầy đủ.Đến nay, Dự thảo của Hiệp định và Dự thảo Kế hoạch hành động đã được công bố, chúng tôi cho rằng cần nhanh chóng dịch các Dự thảo này ra tiếng Việt để nghiên cứu, phổ biến và tham vấn các bên liên quan như độingũ cán bộ làm công tác quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, người lao động… những chủ thể sẽ trực tiếp thực thi Hiệp định trong tương lai.

Đối với lĩnh vực lao động, những nội dung cơ bản như phân tích ở trên cho thấy cam kết về lao động của Việt Nam trong Hiệp định TPP và trong Kế hoạch hành động là những cam kết cải tiến pháp luật và thể chế mạnh mẽ, chưa từng có tiền lệ và có nhiều vấn đề cần tiếp tục phải được nghiên cứu làm rõ. Việc thực hiện các cam kết này sẽ có tác động làm thay đổi cơ bản hệ thống quan hệ lao động và công đoàn nước ta. Trước cơ hội và thách thức mà Hiệp định TPP mang lại, chúng tôi thiết nghĩ phải tiến hành đánh giá tác động của các cam kết về lao động trong Hiệp định TPP cũng như trong Kế hoạch hành động với Hoa Kỳ đối với Việt Nam một cách toàn diện và đầy đủ.

 

Theo Infonet

.