Đã 4 năm qua, hơn 5ha đất sản xuất nông nghiệp của hàng chục hộ dân ở huyện Hồng Ngự bị ngập úng, không sản xuất được, do cống thoát nước đã bị đơn vị thi công công trình cụm dân cư (CDC) san lắp, bịt kín. Mặc dù người dân có ý kiến rất nhiều lần, nhưng đến nay địa phương chưa có biện pháp giải quyết.
Số đất nông nghiệp bị ngập úng ở khu vực phía sau chùa Phước Hưng, tiếp giáp đường đan liên xã thuộc ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền và ấp 3, xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự.
Theo các hộ dân có đất bị ngập úng, trước đây họ sản xuất được 2 vụ lúa, thoát nước theo đường nước cặp chùa Phước Hưng, sau đó đổ qua cống thoát nước ngang đường đan liên xã Thường Thới Tiền - Thường Phước 2, rồi chảy vào cánh đồng đã được san lắp thực hiện các CDC và Khu hành chính huyện Hồng Ngự hiện nay.
Đến năm 2010, khi triển khai san lắp mặt bằng thi công 3 CDC gồm: CDC ấp Thượng, CDC Thường Thới và CDC Khu hành chính huyện thì cánh đồng và cống thoát nước bị san bằng, đất trong khu vực này không còn đường thoát nước.
Nhiều hộ dân có đất bị ảnh hưởng ngập úng phải xin thoát nước tạm qua đường thoát nước của 1 hộ dân liền kề. Tuy nhiên, do việc thoát nước gây ảnh hưởng đến việc nuôi cá, sản xuất của hộ dân này nên đường nước tạm trên đã bị đắp lại, khu vực trên tiếp tục rơi vào tình trạng bị ngập úng cho đến nay.
Ông Trần Văn Giàu (48 tuổi) ngụ ấp 3, xã Thường Phước 2 có 2.500m2 đất lúa bị ngập úng cho hay: “Không còn đường thoát nước nên đất của tôi không trồng lúa được. Nước ngập sâu gần 1m, tôi chuyển qua nuôi cá cũng không đạt, do nước bị ứ đọng lâu ngày, ô nhiễm. Nhiều lần phản ánh với địa phương nhưng vẫn không có biện pháp giải quyết”.
Sau thời gian dài bị ngập úng, nhiều hộ dân đã chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác, nhưng do nguồn nước có dấu hiệu ô nhiễm, bốc mùi hôi nên việc chuyển đổi này cũng không đạt hiệu quả.
Anh Trần Tấn Phong ở ấp 3, xã Thường Phước 2 cho biết: “Tôi có hơn 2.000m2 đất trước kia làm 2 vụ lúa chỉ lời chút đỉnh, nhưng cũng có lúa ăn quanh năm. Không làm lúa được, tôi thuê người ta lên vườn trồng hơn 200 cây xoài. Đầu tư tốn hơn 20 triệu đồng, cất công chăm sóc nhưng không đạt kết quả, giờ xoài chỉ còn sống hơn 20 cây, nhưng phát triển khá èo ọt”.
Không chỉ riêng hộ anh Phong trồng cây không hiệu quả mà còn rất nhiều hộ dân có đất bị ngập úng, sau một thời gian lên liếp trồng cây ăn trái không hiệu quả đã bỏ đất trống. Một số vườn cây nếu sống được thì phát triển rất chậm.
Ngoài ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, tình trạng ngập úng kéo dài ở khu vực trên còn ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống các hộ dân. Mỗi khi mưa lớn, hoặc khi các ao nuôi cá tiếp giáp với diện tích đất bị ngập úng bơm nước ra để thu hoạch cá hay nạo vét ao thì tình trạng ngập úng diễn ra trầm trọng hơn.
Đến khu vực sinh sống của gia đình 3 anh chị em ruột gồm ông Nguyễn Phước Đặng, bà Nguyễn Thị Hoa và Nguyễn Văn Tâm ở ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền mới thấy hết mức độ ảnh hưởng của tình trạng ngập úng đang diễn ra. Diện tích đất quanh 3 căn nhà của 3 anh em ông Phước luôn trong tình trạng ngập nước, ẩm ướt quanh năm.
Ông Nguyễn Văn Tâm cho biết: “Từ khi lắp cống đến nay, đất nhà mấy anh em tôi luôn bị ngập. Đi đâu phải lội nước bì bỏm. Mỗi khi mưa lớn hoặc khi các ao nuôi cá bơm nước ra khu vực này thì ngập rất nặng. Nước đen, hôi thối, lội xuống ngứa lắm. Chịu không nỗi nên mấy anh em tôi đắp đập, hùn tiền lại mua xăng bơm nước ra, mỗi lần bơm như vậy tốn hơn 100 ngàn đồng”.
Quan sát thực tế tại khu vực đất bị ngập úng, chúng tôi nhận thấy có hàng trăm ngôi mộ chôn cất trên phần đất của chùa Phước Hưng và khu vực nghĩa địa nhân dân do người dân thành lập cũng bị ngập nước, không thể chôn cất và tảo mộ được.
Trước phản ánh của người dân về tình trạng ngập úng diện tích đất phía sau chùa Phước Hưng, UBND huyện Hồng Ngự đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND các xã Thường Thới Tiền và Thường Phước 2 phối hợp kiểm tra, tham mưu đề xuất lãnh đạo UBND huyện có phương án giải quyết. Qua kết quả báo cáo của Đoàn kiểm tra, ngày 28/9/2015, ông Nguyễn Trạng Sư - Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự ký văn bản chỉ đạo UBND 2 xã Thường Phước 2 và Thường Thới Tiền vận động các hộ dân có đất liền kề với khu vực đất bị ngập úng triển khai nạo vét, thoát úng tạm thời cho các hộ dân. Ngoài ra, theo ý kiến chỉ đạo của UBND huyện Hồng Ngự, nếu các hộ dân có liên quan đồng ý hiến đất thì UBND xã đề xuất UBND huyện xem xét kiên cố hóa đường nước trên.
Ông Hồ Văn Buôl - Phó Chủ tịch UBND xã Thường Phước 2 cho hay, thời gian qua địa phương phối hợp với UBND xã Thường Thới Tiền và Hợp tác xã (HTX) Thường Thới (thực hiện dịch vụ bơm nước tưới tiêu cho 2 xã Thường Phước 2 và Thường Thới Tiền) tiến hành vận động các hộ dân có đất liền kề với khu đất bị ngập úng để thực hiện đường thoát nước cho người dân, nhưng các hộ này không đồng ý vì ảnh hưởng đến việc chăn nuôi, trồng trọt của họ. Ngoài ra, để tìm đường thoát nước cho dân, địa phương cũng đề nghị HTX Thường Thới tính toán đến phương án thành lập trạm bơm để phục vụ tưới tiêu cho các hộ dân nhưng do chi phí đầu tư khá lớn (khoảng hơn 300 triệu đồng) trong khi số diện tích sẽ được tưới tiêu chưa đến 10ha, không hiệu quả kinh tế nên HTX không đầu tư trạm bơm.
Đang có đất sản xuất bình thường, nhưng kể từ khi bị lắp cống và bị bít đường thoát nước do triển khai thi công các khu dân cư, hơn 4 năm qua, nhiều hộ dân có đất bị ngập úng phải chịu nhiều thiệt thòi, đất sản xuất bị bỏ trống, không có thu nhập, cuộc sống khó khăn, nhiều hộ dân đã bỏ đất bỏ đi nơi khác làm thuê, làm mướn kiếm sống. Mong rằng trong thời gian tới, các ngành chức năng huyện Hồng Ngự có phương án giải quyết việc thoát nước cho diện tích đất của các hộ dân bị ảnh hưởng tránh chịu thiệt thòi.
Theo Báo Đồng Tháp