(BVPL) - Trong buổi làm việc sáng ngày 14/8/2014 với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành hữu quan về thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu cắt giảm ít nhất 1/3 thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng.
Tại buổi làm việc, nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý đã được chỉ ra, trong đó có các vụ việc như vỡ đập lần thứ 2 thủy điện Ia Krel, đổ tháp truyền hình ở Nam Định, cột ăng-ten… thể hiện những kẽ hở trong công tác quản lý.
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, quy định siết quản lý xây dựng trong Nghị định 15 vừa qua hướng đến giải quyết tình trạng này. Theo đó, nếu như vụ thủy điện Sông Tranh 2, vỡ đập thủy điện Ia Krel tại Gia Lai lần thứ 2 hay vụ đổ sập tháp truyền hình Nam Định, đổ cột ăng ten tại Quảng Bình… khó xác định được cơ quan chịu trách nhiệm cho sự cố xảy ra, với quy định mới đã định rõ trách nhiệm, buộc cơ quan quản lý phải kiểm tra, giám sát công trình, dự án. Quy định tiền kiểm với thiết kế kỹ thuật đưa ra cũng giúp cắt giảm tới 30-50% chi phí đầu tư công trình.
Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, chỉ riêng các quy định về các thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình thuộc phạm vi quản lý của ngành xây dựng, số lượng thủ tục, nhóm thủ tục là 15 đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và là 19 thủ tục, nhóm thủ tục đối với các dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, để khởi công được công trình, thời gian thực hiện 15 thủ tục hành chính, chưa tính tới thời gian chuẩn bị và chỉnh sửa hồ sơ là 260 ngày làm việc đối với dự án nhóm C và 280 ngày làm việc đối với dự án nhóm A. Trong số các thủ tục này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 3 thủ tục mất 80-100 ngày, Bộ Tài nguyên và Môi trường 3 thủ tục hết 80 ngày. Bộ Tài chính 1 thủ tục thời gian khoảng 6-12 tháng. Đối với dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thời gian là 392 ngày đối với dự án nhóm C và 447 ngày đối với dự án nhóm A. Trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư 2 thủ tục, chiếm 60 ngày, Bộ Tài nguyên và Môi trường 6 thủ tục hết 187 ngày (kể cả giải phóng mặt bằng), Bộ Tài chính có 3 thủ tục hết 30 ngày. Cũng theo đánh giá, tổng thời gian như trên chưa tính đến thời gian làm thủ tục liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy, an ninh - quốc phòng, thuế, quản lý hạ tầng kỹ thuật, các quy định thủ tục đặc thù của các địa phương. Số lượng thủ tục và thời gian theo tính toán của Bộ Xây dựng chỉ là số liệu trung bình, trên thực tế, có dự án, công trình đến khi khởi công được phải mất 2-3 năm, thậm chí 5 năm và cá biệt còn lên đến hàng chục năm. Còn theo phản ánh của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc làm việc, để khởi công được 1 công trình, ở Thành phố Hồ Chí Minh trung bình phải trải qua tới 40 thủ tục các loại, cao hơn nhiều con số 15 và 19 thủ tục mà Bộ Xây dựng thống kê.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao Bộ Xây dựng với việc xây dựng để Quốc hội ban hành Luật Xây dựng, xây dựng để Chính phủ ban hành các Nghị định liên quan, những nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính đã góp phần đáng kể giảm số lượng và thời gian làm thủ tục trong đầu tư xây dựng. Việc Ngân hàng Thế giới đánh giá chỉ số về thủ tục cấp phép xây dựng của Việt Nam đứng thứ 28/185 quốc gia, tăng 39 bậc và là 1 trong 2 chỉ tiêu được thăng hạng đã cho thấy nỗ lực và kết quả này.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng so với thế giới, với yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, với mong muốn cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì số lượng và thời gian để thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng là còn nhiều và còn dài. Mặt khác, việc chưa minh bạch về thủ tục, chưa thống nhất, đồng bộ về phối hợp thủ tục giữa các Bộ, ngành liên quan, giữa Trung ương và địa phương còn tạo ra nhiều kẽ hở cho sự tùy tiện, gây rắc rối, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng. Những hạn chế này chắc chắn làm tăng chi phí đầu tư các dự án, công trình, chi phí của nền kinh tế, ảnh hưởng đến hiệu quả của từng dự án cũng như của cả nền kinh tế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh của quốc gia.
“Cải cách thủ tục hành chính hoàn toàn nằm trong khả năng của chúng ta. Nhất thiết phải tăng cường, nâng cao năng lực quản lý nhà nước theo hướng chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả song quản lý còn phải tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư phát triển. Những thủ tục nào không cần thiết, dứt khoát phải cắt bỏ”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu nhấn mạnh tại cuộc họp và yêu cầu Bộ Xây dựng lập tức xây dựng một Kế hoạch hành động cụ thể, chi tiết về cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm với mục tiêu trong năm 2015 “cắt giảm ít nhất 1/3 thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng”. Kế hoạch này bao gồm việc rà soát, bãi bỏ tất cả các thủ tục không cần thiết cả ở Trung ương và địa phương trong thẩm quyền của Bộ; đồng thời Bộ Xây dựng chủ trì và các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp để đề xuất, kiến nghị cắt giảm, loại bỏ các thủ tục không cần thiết khác trong quan trình sửa đổi, bổ sung các Nghị định, Thông tư liên quan. Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ ngành liên quan và các địa phương đẩy nhanh việc hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000, 1/500; đặc biệt là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị để giảm ách tắc, nhũng nhiễu, tiêu cực và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong việc chuẩn bị, thực hiện đầu tư.
Một nội dung quan trọng được Thủ tướng chỉ đạo là Bộ Xây dựng cần tập trung vào việc rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách liên quan theo hướng chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp, khả thi, minh bạch đi liền với tăng cường thanh tra, kiểm tra; đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thủ tướng nêu rõ : “Vấn đề gì cần phải quy định để quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn thì phải quy định, vấn đề nào không cần thì phải loại bỏ. Thể chế, cơ chế, chính sách, thủ tục không những không tạo thông thoáng mà còn không đáp ứng được yêu cầu quản lý, vẫn lỏng lẻo, sơ hở, không chống được tiêu cực, tham nhũng thì phải xem lại”.
Đặng Sinh