Phát biểu bế mạc tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vừa được tổ chức vào giữa tháng 9/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tiến Phương cho biết địa phương sẽ tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư trong thời gian tới…

 


Tại hội nghị này, hình ảnh Bình Thuận lần nữa được “khắc họa” đậm nét là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp năng lượng, khoáng sản, du lịch, kinh tế biển… Với lợi thế đó, đến nay địa phương đã thu hút hơn 1.150 dự án đầu tư trên nhiều lĩnh vực của các doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư đến từ 24 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ từ các cấp ngành, nỗ lực của chính quyền cũng như cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua kinh tế Bình Thuận vẫn duy trì mức tăng trưởng khá với bình quân 9%/năm.

Dù đạt một số kết quả đáng ghi nhận, song có ý kiến cho rằng việc thu hút đầu tư của Bình Thuận chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, thế mạnh mà địa phương đang sở hữu. Trong đó, có thể kể đến nguồn khoáng sản đa dạng đã xác định gần 100 mỏ thiếc, vonfram, chì, kẽm, vàng, saphia, thạch anh, sét bentonite… mà đặc biệt là trữ lượng quặng titan đứng đầu Việt Nam. Bên cạnh, Bình Thuận còn là một trong 3 ngư trường lớn nhất cả nước với sản lượng khai thác hàng năm gần 200.000 tấn, đồng thời có hơn 4.100 ha phù hợp phát triển nuôi trồng thủy sản nên khá thuận lợi trong chế biến hải sản xuất khẩu…

Theo quy hoạch đến năm 2020, tổng diện tích đất lâm nghiệp ở địa phương là 346.287 ha (trong đó rừng sản xuất 172.735 ha), có trữ lượng khoảng 353 triệu m3 gỗ cũng cho thấy lợi thế trên lĩnh vực chế biến lâm nghiệp. Ngoài những tiềm năng vừa nêu, hiện Bình Thuận đã trở thành “điểm sáng” trên bản đồ du lịch Việt Nam và là địa phương thu hút dự án đầu tư du lịch thuộc hàng đầu nước ta. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn một số dự án quy mô, cần những nhà đầu tư có năng lực tài chính lẫn kinh nghiệm xúc tiến triển khai trong giai đoạn 2015 - 2020. Đó là các dự án: Khu du lịch suối nước nóng Bưng Thị - Tà Cú (Hàm Thuận Nam), Khu du lịch hồ Hàm Thuận - Đa Mi (Hàm Thuận Bắc), Khu du lịch cao cấp Hòn Rơm - Mũi Né và Khu tổ hợp du lịch, thương mại dịch vụ cao cấp Hàm Tiến - Mũi Né (TP. Phan Thiết).

Bình Thuận đang hướng tới mục tiêu xây dựng trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chính vì vậy vấn đề tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, qua đó tạo điều kiện tốt nhất có thể để thu hút các thành phần kinh tế tìm hiểu, xúc tiến dự án là rất cần thiết… Lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, địa phương luôn thực hiện nhất quán theo cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư của Trung ương với chủ trương chung là tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư khi quyết định “đổ vốn” vào Bình Thuận. Thời gian qua, dự án đầu tư ngoài khu - cụm công nghiệp đã được hưởng các chính sách về tiền thuê đất, thuê mặt nước, ưu đãi thuế… theo quy định của Chính phủ. Với dự án đầu tư bên trong khu - cụm công nghiệp, ngoài việc hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu theo quy định của Trung ương thì còn hưởng một số chính sách hỗ trợ từ địa phương.

Hy vọng với môi trường tiếp tục cải thiện theo hướng tích cực cùng hạ tầng giao thông trên địa bàn không ngừng đầu tư để kết nối vùng, các tiềm năng và thế mạnh của Bình Thuận sẽ được khai thác chặt chẽ, hiệu quả hơn…
 

Theo Báo Bình Thuận

.