(BVPL) - Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại các đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, và có chiều hướng gia tăng. Nhiều vi phạm quy mô lớn, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận. Dường như đang có sự lúng túng của cơ quan chức năng trong việc tìm giải pháp tối ưu để xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng.
 
Công ty Thăng Long "giỡn mặt" các cơ quan quản lý Nhà nước?
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2006 Công ty TNHH Thăng Long bị thu hồi đất tại phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) để xây dựng trụ sở Bộ Công an.
 
Đổi lại, Công ty được UBND TP Hà Nội và UBND quận Cầu Giấy cấp cho khu đất thuộc tổ 50 phường Yên Hòa để xây dựng toà nhà văn phòng làm trụ sở Công ty.
 
Dự án tòa nhà hỗn hợp của Công ty TNHH Thăng Long tại tổ 50 phường Yên Hòa.
Dự án tòa nhà hỗn hợp của Công ty TNHH Thăng Long tại tổ 50 phường Yên Hòa.
 
Trên cơ sở đó, Công ty đã trình phương án kiến trúc, hồ sơ thiết kế cơ sở và lần lượt được Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Xây dựng Hà Nội chấp thuận.
 
Với các hồ sơ đó, căn cứ theo Thông tư số 9/2005/TT-BXD ngày 6/5/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành Nghị định số 16/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng thì dự án thuộc diện được miễn phép xây dựng.
 
Theo hồ sơ thiết kế ban đầu (từ những năm 2006 - 2007) được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội phê duyệt, phương án kiến trúc và Sở Xây dựng phê duyệt thiết kế cơ sở, toà nhà chỉ cao 17 tầng và có chức năng làm văn phòng. 
 
Tuy nhiên, khi tiến hành xây dựng, chủ đầu tư dự án lại không thực hiện theo phương án kiến trúc được phê duyệt lúc ban đầu, mà từng bước nâng chiều cao của tòa nhà từ 17 tầng lên 27 tầng và thay đổi chức năng của tòa nhà (từ văn phòng thành tòa nhà hỗn hợp).
 
Với hàng loạt sai phạm trên, Dự án Tòa nhà hỗn hợp của Công ty TNHH Thăng Long đã 2 lần bị cơ quan chức năng “sờ gáy” và tạm dừng thi công vào các năm 2013 và 2014 do thiếu giấy phép xây dựng,...
 
Trải qua nhiều giai đoạn chuyển tiếp và thay đổi trong các văn bản hướng dẫn của các cơ quan quản lý, chủ đầu tư đã khéo léo tìm mọi cách để chuyển chức năng của toà nhà từ văn phòng đơn thuần thành văn phòng và nhà ở, xin cấp thêm phép từ 17 tầng lên 27 tầng.
 
Đến tháng 2/2015, sau hơn 8 tháng bị đình chỉ, lệnh cấm xây dựng đối với dự án đã được dỡ bỏ. Tuy nhiên, khi tiếp tục dự án thì chủ đầu tư lại tiếp tục cho xây vượt tầng so với giấy phép bổ sung.
 
Như vậy, để có công trình xây dựng dự án tòa nhà hỗn hợp trên địa bàn phường Yên Hòa cao 27 tầng (với 17 tầng đã xây dựng), chủ đầu tư đã thực hiện một chiến lược bài bản và bền bỉ.
 
Với chiến lược “tiền trảm, hậu tấu” của chủ đầu tư , Dự án này đã thành công khi từ 17 tầng lên 27 tầng. 
 
Không dừng lại, Công ty Thăng Long tiếp tục vượt mặt cơ quan chức năng khi tiếp tục xây lên tầng 34 (vượt 7 tầng so với giấy phép bổ sung) và đang được công nhân gấp rút hoàn thiện.
 
Thả cửa xây dựng trái phép trong dự án Khu liên hợp thể thao Quốc Gia Mỹ Đình
 
Mặc dù Khu dân cư Tân Mỹ (phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) nằm trong dự án Khu liên hợp thể thao Quốc Gia nhưng tình trạng xây nhà ở tràn lan tại đây đã công khai diễn ra từ hàng chục năm nay. Trước sự việc này, chính quyền phường Mỹ Đình, UBND quận Nam Từ Liêm vẫn “im hơi lặng tiếng” và không có biện pháp xử lý nào.
 
Thực tế hiện nay đang diễn ra tình trạng xây dựng nhà cửa tràn tại Khu dân cư Tân Mỹ, mặc dù theo quyết định số 56/1999/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội ngày 13/07/1999 thì khu vực này nằm trong quy hoạch Khu liên hợp thể thao Quốc Gia, như vậy việc xây dựng nhà ở tại đây đều trái phép. Cũng theo phản ánh thì tình trạng xây dựng tràn lan này đã diễn ra từ năm 1999 khi UBND TP Hà Nội mới ra quyết định về quy hoạch Khu liên hợp thể thao Quốc gia và cho đến nay vẫn tiếp diễn, nhà này thấy nhà khác xây được thì cũng cứ thế tiếp tục xây dựng trái phép.
 
Theo ghi nhận của PV, hiện nay đã có hàng trăm ngôi nhà xây dựng không phép từ 5-8 tầng, nhiều ngôi nhà còn đang xây và vẫn tiếp tục lên tầng cao chót vót như thách thức dư luận.
 
Lúng túng trong xử lý công trình xây sai phép, vượt tầng
 
Ví dụ sinh động chính là trường hợp công trình vi phạm trật tự xây dựng tại Khu tái định cư 7.3 - 8.1 Lô TT1 (phường Mỹ Đình 2) do ông Trần Quang Vinh làm chủ đầu tư. Công trình xây dựng vượt 3 tầng, sai so với giấp phép xây dựng được cấp, và đã bị cưỡng chế, phá dỡ vào ngày 27/4 vừa qua.  
 
Các lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế, phá dỡ đối với công trình vi phạm sáng 27/4 vừa qua.
Các lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế, phá dỡ đối với công trình vi phạm sáng 27/4 vừa qua.
 
Trả lời báo chí, phía quận Nam Từ Liêm cũng khẳng định, đã hoàn thành việc xử lý vi phạm của công trình này. Nhưng không hiểu sao công trình sau đó vẫn gần như nguyên vẹn, với đầy đủ các phần vi phạm, như chưa hề có cuộc cưỡng chế hay quyết định cưỡng chế nào.
 
Trả lời vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường biện minh việc công trình không bị “cắt ngọn” bằng một “lý sự cùn”: Việc cưỡng chế, xử lý nhằm mục đích để chủ đầu tư không sử dụng lại được các tầng vi phạm, chứ không phải “cắt ngọn”.   
 
Công trình vi phạm tại Lai Xá, Kim Chung mới được chủ đầu tư tháo dỡ đến tầng 11.
Công trình vi phạm tại Lai Xá, Kim Chung mới được chủ đầu tư tháo dỡ đến tầng 11.
 
Một trường hợp khác, theo báo chí phản ánh, từ giữa năm 2011, gia đình ông Nguyễn Viết Hà ở khu tái định cư Lai Xá, xã Kim Chung, Hà Nội đã tiến hành xây dựng công trình cao 14 tầng, nhưng không có giấy phép xây dựng tại. Mặc dù người dân đã sớm phản ánh, kiến nghị ngay khi công trình mới bắt đầu triển khai, nhưng đến khi công trình đã thi công đến tầng 14 + 1 tum (gồm 1 tầng bán hầm) và đang ở giai đoạn hoàn thiện, công trình vẫn chưa bị xử lý.
 
Khi được hỏi quan điểm chỉ đạo của UBND huyện Hoài Đức đối với công trình này, ông Phạm Tiếp, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức khẳng định: "Sẽ xử lý dứt điểm công trình sai phạm này!". 
 
Tuy nhiên, trở lại huyện Hoài Đức sau mấy tháng báo chí phản ánh, phóng viên nhận thấy tiến độ xử lý công trình sai phạm này vẫn rất chậm. 
 
Từ buông lỏng quản lý đến xử lý chiếu lệ cho qua
 
Trong tập thể ngõ số 8 Lý Nam Đế, Hà Nội, công trình nhà A3 đã xây xong phần thô 8 tầng và đang trong quá trình hoàn thiện. Chiều cao nhà A3 khá nổi bật so với các nhà xung quanh hầu hết xây 3-4 tầng. Đáng chú ý, công trình này do ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đứng tên sổ đỏ, giấy phép xây dựng. 
 
Tòa nhà xây 8 tầng tại phố Lý Nam Đế, Hà Nội
Tòa nhà xây 8 tầng tại phố Lý Nam Đế, Hà Nội
 
Trước câu hỏi có hay không chuyện phường bao che, làm ngơ trước công trình xây sai phép do lãnh đạo Sở GTVT là chủ sở hữu, bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Nếu nói làm ngơ thì không có chuyện làm ngơ, cũng không bao che, nhưng việc giám sát của phường chưa chặt chẽ nên công trình có phát sinh sai phạm”.
 
Liên quan đến vụ việc, mới đây ông Nguyễn Quốc Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm ký Quyết định số 2018/QĐ-XPVPHC về việc xử lý vi phạm công trình nói trên. UBND quận yêu cầu gia đình ông Linh dỡ bỏ 3 tầng 8, 9, 10, diện tích mỗi tầng 140m2, phá dỡ tum thang với diện tích 21,4m2… Thời hạn khắc phục hậu quả trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định. Thế nhưng thời hạn đã qua, đến nay công trình vẫn y nguyên, chưa hề bị dỡ bỏ một tầng nào.
 
Hơn 2.000m2 xây dựng sai phép của cao ốc tại số 266-268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.8, Q.3, TP.HCM đã được cơ quan chức năng cho tồn tại vào năm 2008.
Hơn 2.000m2 xây dựng sai phép của cao ốc tại số 266-268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.8, Q.3, TP.HCM đã được cơ quan chức năng cho tồn tại vào năm 2008.
 
Tại nhiều địa phương khác, tình trạng xử lý chiếu lệ hoặc cho tồn tại công trình sai phép, không phép cũng đã diễn ra tràn làn. Theo tờ Tuoitre.vn, nhiều người dân ở tỉnh Tiền Giang đều biết công trình xây dựng khổng lồ trên khu đất rộng gần 8.000m2 mặt tiền đường Lý Thường Kiệt (P.6, TP Mỹ Tho) đang sử dụng làm kho của Công ty Bia Sài Gòn (Công ty CP Đầu tư Cái Mép, chủ đầu tư) được xây dựng không phép.
 
UBND TP Mỹ Tho và UBND tỉnh Tiền Giang ban hành hàng loạt quyết định đình chỉ, xử phạt công trình với số tiền hơn 1 tỉ đồng. Nhưng bất chấp tất cả, công trình vẫn thi công như không có chuyện gì xảy ra. Kết cục là UBND tỉnh cho phép công trình này tồn tại và giao Sở Xây dựng hướng dẫn Công ty CP Đầu tư Cái Mép lập các thủ tục tạm thời để hợp thức hóa các hạng mục xây dựng sai phép.
 
Tại TP.HCM cũng có tình trạng nhượng bộ đối với một số công trình xây dựng sai phép. Ngày 21/2/2012, cơ quan chức năng phát hiện sáu block chung cư trên đảo Kim Cương tại phường Bình Trưng Tây (quận 2) xây dựng vượt tầng so với giấy phép.
 
Cụ thể là block 16 tầng được chủ đầu tư xây thành 17 tầng, block 18 tầng xây thành 19 tầng, block 19 tầng cơi lên 21 tầng, block 20 tầng xây thành 21, block 24 tầng xây lên 25 và block 25 tầng thì chủ đầu tư xây lên 26 tầng.
 
Vụ việc được “ngâm” đến tháng 8/2012, được cơ quan chức năng cho phép điều chỉnh thiết kế của toàn bộ dự án. Sau đó, cơ quan chức năng đồng ý cho công trình sai phép này được tồn tại.
 
Cuối năm 2009, cơ quan chức năng tại quận 1 phát hiện tòa nhà 11 tầng số 233 Đồng Khởi xây dựng sai phép, làm tăng diện tích gần 400m2 tại tầng 10 và sân thượng. Đến năm 2010, Sở Xây dựng chấp thuận cho tồn tại phần diện tích 84m2 xây lố trên sân thượng. Đến tháng 5/2011, UBND TP đồng ý cho phép tòa nhà này được giữ lại diện tích hơn 300m2 sàn xây dựng sai phép kèm theo điều kiện buộc chủ đầu tư không được bố trí văn phòng mà phải làm mảng xanh tại vị trí này.
 
Năm 2008, UBND TP cũng đã chấp thuận cho tồn tại toàn bộ phần xây dựng sai phép của tòa nhà 266-268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3). Trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư công trình xây dựng tăng diện tích sàn ở tầng lửng, vi phạm khoảng lùi trước, khoảng lùi sau và khoảng lùi bên hông công trình, thay đổi công năng tầng 1 đến tầng 4...
 
Công trình sai phép được nộp phạt để tồn tại
 
Theo Nghị định 121/2013 (quy định xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sở), với các công trình xây dựng sai phép, không phép hoặc sai thiết kế, sai quy hoạch được duyệt không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không tranh chấp và xây dựng trên đất hợp pháp, ngoài việc bị xử phạt hành chính còn phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình nhà ở riêng lẻ và 50% đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng.
 
Quy định trên được mỗi địa phương hiểu theo mỗi kiểu và làm mỗi cách khác nhau. Ở huyện Nhà Bè, giá trị công trình sai phép được tính bằng diện tích sàn xây dựng vi phạm nhân với suất đầu tư (chi phí xây dựng 1 m2 diện tích sàn tùy loại công trình: nhà ở, trường học…) theo quy định của nhà nước.  
 
Trong khi đó, UBND quận Tân Phú kiến nghị Sở Xây dựng TP hướng dẫn hình thức xử lý đối với phần diện tích sai phạm không phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc, không đủ điều kiện xem xét điều chỉnh hay cấp phép xây dựng. 
 
Trước đây, một quận trên địa bàn TP HCM đã ban hành quy trình xử lý đối với những trường hợp sai mẫu, sai phép. Song, quận này chỉ xử lý được vài trường hợp thì phải thu hồi quy trình, chờ hướng dẫn.
 
Theo ông Phan Đức Nhạn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cơ quan này đã đề nghị và Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản hướng dẫn. Theo đó, đối với công trình dự án, giá trị phần xây dựng sai phạm được tính bằng diện tích sàn xây dựng vi phạm nhân với giá tiền 1 m2 theo hợp đồng đã ký nếu là công trình phục vụ kinh doanh, nếu không phải kinh doanh thì nhân với giá tiền 1 m2 theo dự toán được duyệt.
 
Đối với nhà ở riêng lẻ, giá trị công trình vi phạm được xác định bằng diện tích vi phạm nhân với giá tiền 1 m2 xây dựng, cộng thêm tiền giá trị sử dụng đất (tầng 1 tính 100% tiền sử dụng đất, tầng 2 trở lên tính 50%).
 
Các nước trên thế giới hầu như không có việc cắt ngọn công trình
 
Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
 
Điều 13 Nghị định này quy định: “Hành vi quy định tại Khoản 3, Khoản 5, Khoản 6 và điểm b Khoản 7 Điều này mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình.
 
Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.
 
Ngành xây dựng giải thích quy định này không phải để khuyến khích hành vi vi phạm trật tự xây dựng, cũng không phải phạt cho “tồn tại”. Quy định này nhằm khắc phục những tồn tại lâu nay không xử lý được, đồng thời rất thực tế và hiệu quả trong ngăn ngừa vi phạm mới.
Nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình có quy mô lớn đa phần sai quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt ban đầu. Sai phạm chủ yếu là nâng thêm tầng, tăng diện tích đất xây dựng kinh doanh, thu hẹp diện tích xây dựng công trình hạ tầng xã hội như trường học, công viên, cây xanh… Những sai phạm này không thể phá dỡ và trên thực tế chưa dự án nào bị phá dỡ.
 
Theo PGS. TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), việc phá dỡ các tòa nhà sai phép chắc chắn ảnh hưởng đến mặt kết cấu. Ông Chủng ví von, tòa nhà cũng giống như con người, chặt ngọn không khác gì chặt chân chặt tay. Theo ông Chủng, các nước trên thế giới hầu như không có việc cắt ngọn công trình.  
 
Hiện nay, nếu công trình nào xây dựng không phép mà phải dỡ bỏ hoàn toàn; công trình nào xây sai phép, vượt tầng mà đều phải đập bỏ, cắt ngọn thì cả TP Hà Nội sẽ là một đại công trường với hàng trăm, thậm chí hàng nghìn công trình phải đập bỏ hoàn toàn, “cắt ngọn”  trước sự giám sát của cử tri và báo chí.
 
Với hàng loạt công trình xây dựng sai phạm hiện nay trên địa bàn Hà Nội, câu hỏi đặt ra không chỉ dừng lại ở việc xử lý mà về trách nhiệm của lực lượng chức năng. Bởi ngoài các lực lượng chức năng khác, hiện Hà Nội có khoảng 1.600 thanh tra Xây dựng được rải đều từ cấp thành phố đến phường, xã. Hà Nội cũng đã đưa ra hàng loạt quy định, quy định rõ trách nhiệm từng cấp, từng lực lượng. Thế nhưng nhiều vi phạm trật tự xây dựng vẫn xảy ra, từ xây dựng không phép, sai quy hoạch, sai phép, lấn chiếm không gian, mật độ xây dựng, xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp. 
 
Thanh tra Bộ Xây dựng đã tiến hành thanh tra nhiều Dự án xây dựng lớn tại Hà Nội, TP HCM, cụ thể là các dự án của Tập đoàn Mường Thanh, do vậy rất cần công bố công khai kết luận thanh tra để cử tri và báo chí giám sát.
 
Minh Châu