Độc giả gửi bình luận tới nhà chức trách Hà Nội sau bài báo về việc 'chơi trội' của thành phố khi cho bóc hàng chục km đường nhựa để đắp lên đường mới cho xe bus chạy.
 
 
Với hệ thống giao thông mới này, xe sẽ chạy với tần suất 3-5 phút/chuyến, công suất vận chuyển 90 khách, có 4 cửa ra vào, tốc độ di chuyển 22 km/h. Những chiếc xe thuộc hạng mục dự án sẽ được gắn hệ thống GPS, kết nối với Trung tâm điều hành để giải quyết các sự cố có thể phát sinh. Dự kiến tuyến này hoạt động từ đầu năm 2015.Xe buýt nhanh sẽ đi trên 2 làn đường riêng sát dải phân cách giữa của trục đường. Làn đường này được phân cách bằng gờ cao 20cm. Nhà chờ được đặt trên dải phân cách giữa, ở gần ngã tư nên hành khách đi theo vạnh sơn kẻ đường tại các nút giao thông để tiếp cận xe buýt. 
 
Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, việc bóc đường cũ vẫn còn sử dụng tốt để thay thế đường mới chứng tỏ “quy hoạch có vấn đề”. Theo ông Liêm, nhược điểm của mặt đường bê tông là co giãn nên phải có nhiều điểm nối, điều đó khiến cho mặt đường không được êm trong quá trình phương tiện lưu thông. Cũng theo ông Liêm, việc quy hoạch không có quy củ dẫn đến dự án chồng dự án đã gây ra sự lãng phí lớn cho xã hội.
 
Theo phê duyệt ban đầu, dự án phát triển giao thông đô thị của Hà Nội có tổng mức đầu tư 304,72 triệu USD, trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) là 165,3 triệu USD. Trong đó, hợp phần xây dựng xe buýt vận chuyển nhanh khối lượng lớn là tuyến xe buýt nhanh đầu tiên tại Hà Nội được Sở GTVT khởi công vào tháng 3/2013 với chiều dài 14 km.
 
Đặc biệt, vào đầu năm 2013, sau khi khởi động thực hiện dự án tuyến xe buýt nhanh số 1, Sở GTVT TP Hà Nội đã có văn bản gửi WB đề nghị tài trợ số tiền 500.000 USD nhằm phục vụ việc sửa chữa, gia cường cầu vượt thép Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng cho xe buýt trọng tải lớn, tốc độ cao (BRT) chạy qua. Khi đó, nhiều ý kiến, kể cả trong ngành cũng đã  bức xúc cho rằng, việc cầu vượt này đi vào sử dụng mới hơn 1 năm mà đã phải sửa chữa là khó chấp nhận được.
 
Việc nghiên cứu, quy hoạch phát triển xe buýt BRT đã được tiến hành từ năm 2004, thế nhưng chủ đầu tư vẫn làm cầu vượt không đạt tiêu chuẩn cho xe buýt BRT chạy qua là điều khó hiểu.
 
Đề xuất “xin” thêm số tiền này của Sở GTVT Hà Nội tại thời điểm đó đã bị WB khước từ.
 
Sau khi  đăng tải bài báo về dự án này, một độc giả có 'mấy nhận xét, không biết các ông Giao thông Hà Nội tính toán chưa': 1/Tốn kém. 2/ Làn đường nằm ở bên trái thì khi dừng bến hành khách lên xuống thế nào? Vòng qua mũi ô tô ra giữa đường? 3/Công suất xe bus nhanh trênlàn này dự kiến 3-5 phút/chuyến. Tính trung bình một xe chở 50 khách. Công suất vận chuyển của làn tương đương 50 khách/3-5 phút, quá thấp so với hiện tại khi mọi phương tiện đều được đi trên làn này. 4/Xử lý ở các giao lộ. Nếu xe bus nhanh độc chiếm làn này thì khi dừng đèn đỏ cần thêm một làn nữa cho phương tiện chờ rẽ trái. Ở các ngã tư đèn tín hiệu rẽ trái và đi thẳng không đồng bộ thì sẽ có nhiều vấn đề, không kể phần lớn tuyến chỉ có 3 làn'.
 
Theo Xuân Lộc
Nguoiduatin.vn