Từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực 1/1/2019 đến nay, cả nước đã huy động toàn hệ thống chính trị để triển khai và xây dựng hệ thống các quy hoạch từ trung ương đến địa phương. Nhờ sự quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương mà công tác lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đã gần như hoàn chỉnh.

leftcenterrightdel
 Bình Dương công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đối với Bình Dương, do nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan mà công tác lập quy hoạch có chậm so với tiến độ chung của cả nước, tuy nhiên với mong muốn bản quy hoạch của tỉnh sau khi được phê duyệt phải là một bản quy hoạch tích hợp đúng nghĩa và mang bản sắc đặc trưng của Bình Dương, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng kỳ vọng về một Bình Dương phát triển trong tương lai của cộng đồng nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; cách làm của Bình Dương một mặt vẫn bám sát các quy định và hướng dẫn của Trung ương, mặt khác Bình Dương đặt ra đề bài cho đơn vị tư vấn phải bám sát khung định hướng chiến lược quy hoạch đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương thông qua để xây dựng bản quy hoạch đảm bảo chất lượng và khả thi.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh buổi họp báo công bố thông tin quy hoạch tỉnh Bình Dương.

Bình Dương đã bám sát quy hoạch quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia cũng như quy hoạch vùng Đông Nam Bộ đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, lấy Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 154/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở để xây dựng các mục tiêu và phương án tích hợp phù hợp với lợi thế và điều kiện của địa phương đặt trong mối tương quan với các tỉnh/thành phố trong vùng Đông Nam Bộ nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Võ Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại buổi họp báo.

Trong đó, tập trung xây dựng quy hoạch dựa trên 6 trụ cột phát triển với 37 nhiệm vụ, 5 chiến lược tích hợp và phát triển theo mô hình cấu trúc: 1 trụ cột phát triển, 2 hành lang sinh thái, 3 vành đai liên kết, 4 trung tâm động lực và 5 phân vùng phát triển.

Sau thời gian nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cùng với đó là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ cùng sự hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt thành từ các bộ, ban, ngành Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương trong vùng, sự nỗ lực của tất cả các chuyên gia, nhà khoa học và những đóng góp vô cùng xác đáng và thực tiễn của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; ngày 3/8/2024, tỉnh Bình Dương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại quyết định số 790, đây là Quy hoạch tỉnh thứ 61 được duyệt trong tổng số 63 tỉnh/thành phố, qua đó nâng tổng số quy hoạch được phê duyệt trong hệ thống quy hoạch quốc gia của nước ta tính đến ngày 31/8/2024 lên 101 quy hoạch, đánh dấu bước ngoặc cho một giai đoạn phát triển mới của cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng.

Nhằm giới thiệu tầm nhìn, định hướng tổng thể phát triển và thu hút đầu tư, đồng thời quảng bá Bình Dương với bạn bè thế giới, tạo động lực thực hiện các đột phá chiến lược trong thời gian tới dựa trên nền tảng về chuyển đổi số, phát triển xanh, thông minh và bền vững, vào ngày 26/9, Bình Dương sẽ tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đi kèm là các sự kiện xúc tiến đầu tư và truyền thông quảng bá Top 1 ICF; đây là một chuỗi sự kiện quan trọng mang tầm quốc tế, được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh cùng cộng đồng dân cư và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất quan tâm, xem đây là cơ hội để Bình Dương giới thiệu, quảng bá và khẳng định hình hài mà Bình Dương muốn hướng đến trong 25 năm sắp tới.

Thúy Hà