Thời gian qua, câu chuyện liên minh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp được quan tâm thực sự, khi nước ta thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và trong điều kiện hội nhập kinh tế.

 


Từ mô hình liên minh
 
Liên minh sản xuất hoa cắt cành Dalat Hasfarm thành lập năm 2004, thời điểm đó chỉ có 20 nông hộ tham gia. Sau đó, được sự hỗ trợ của Dự án cạnh tranh nông nghiệp, do Ngân hàng thế giới và Cơ quan Phát triển quốc tế Canada tài trợ, đã thu hút thêm nhiều nông hộ tham gia liên minh. Dự án đã kết thúc, nhưng thành quả của liên minh đang được 170 hộ nông dân, cùng với Công ty Dalat Hasfarm duy trì, phát triển. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Trưởng phòng hợp tác hoa địa phương Dalat Hasfarm cho biết: “Từ dự án cạnh tranh nông nghiệp, cùng với nhu cầu mở rộng và tư duy “mở” bí mật công nghệ trồng hoa của Dalat Hasfarm, để mang lại lợi nhuận cho cả “hai nhà”, đóng góp vào chương trình nông nghiệp công nghệ cao của địa phương, Dalat Hasfarm đã “bắt tay” với nhà nông Đà Lạt”.
 
“Từ khâu làm đất, xuống giống… đến trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản hoa tươi của các hộ liên minh đều được kỹ sư của Dalat Hasfarm trực tiếp hướng dẫn theo quy chuẩn. Giá cả được thống nhất hằng năm, cao hơn mức giá thị trường và ổn định quanh năm” - Tổ trưởng hợp tác sản xuất hoa cắt cành Dalat Hasfarm, ông Phạm Hồng Quyền cho biết. Hiện, Dalat Hasfarm đang hợp tác với các nông hộ sản xuất hoa cúc, cẩm chướng, trên diện tích 21ha. Tất cả đều sản xuất hoa theo quy chuẩn của công ty đưa ra, bảo đảm chất lượng xuất khẩu. Và giờ đây, trong mỗi chuyến hàng vượt đại dương của Dalat Hasfarm có thêm sản phẩm hoa cao cấp, được sản xuất tại vườn của nhà nông Đà Lạt.
 
Năm 2003, nhận thấy việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún gặp nhiều rủi ro, bảy nông dân Đà Lạt đã hợp sức, thành lập HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Anh Đào, với vốn ban đầu 100 triệu đồng, cùng 12ha đất sản xuất. Nhờ kịp thời đổi mới tư duy sản xuất, kinh doanh, giờ đây HTX đã liên kết với hàng chục hộ nông dân, mở rộng diện tích sản xuất rau tiêu chuẩn VietGAP lên hơn 270ha. Chủ tịch HĐQT HTX, ông Nguyễn Công Thừa cho biết: “Ngoài 22 xã viên, HTX còn mở rộng liên kết sản xuất rau VietGAP với hơn 80 hộ nông dân. Tất cả đều sản xuất theo quy trình của HTX đưa ra, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật canh tác, giống, vật tư”.
 
Đang chăm sóc vườn rau “kiểu mới” tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), lão nông Ha Duân, một trong những hộ “bắt tay” làm ăn với HTX Anh Đào, cho biết: “Sau hơn ba năm liên kết, không chỉ toàn bộ sản phẩm đều được HTX bao tiêu, mà giá cả rất ổn định, được thu mua tận chân ruộng. Ban đầu chuyển đổi sản xuất theo quy trình này khó lắm, giờ quen rồi, thu nhập cũng khá”. Giống như Ha Duân, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Đạ Sar liên kết sản xuất với HTX Anh Đào, như Yu Ny, Ha Diệu… đã không còn thấp thỏm với điệp khúc “được mùa, rớt giá” nữa, cuộc sống đã trở nên khấm khá.
 
Nhờ liên kết sản xuất, mỗi năm, HTX Anh Đào cung cấp cho hệ thống siêu thị, nhà hàng và xuất khẩu hơn 42 nghìn tấn rau, với 70 chủng loại. Doanh thu năm 2014 đạt 160 tỷ đồng, lợi nhuận 22%. Và hơn hết, sản phẩm rau thương hiệu Anh Dao Co-op được người tiêu dùng đón nhận.
 
Từ ngày kết thúc dự án cạnh tranh nông nghiệp tại Lâm Đồng năm 2014, với 13 liên minh sản xuất được hình thành trong các lĩnh vực: sản xuất hoa cắt cành, cà phê, atisô, chăn nuôi bò sữa; thu hút hơn 700 hộ nông dân tham gia; đến nay, nhiều doanh nghiệp, nhà nông tại Lâm Đồng đã chủ động “bắt tay”, liên kết làm ăn trên ngành hàng rau, hoa công nghệ cao, chè ô-long… góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh nông sản, hạn chế rủi ro qua mỗi vụ mùa.
 
Còn vài trăn trở
 
Lâm Đồng đang tiến hành tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, việc thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng và phát triển các liên minh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp đang được địa phương quan tâm. “Phát triển bền vững các chuỗi liên kết là mục tiêu quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương, nhằm bảo đảm sản xuất, tiêu thụ nông sản và chuyển giao khoa học - công nghệ...” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Sơn khẳng định.
 
Qua 11 năm thực hiện, thực tiễn đã khẳng định nông nghiệp công nghệ cao có tác động lớn đến KT-XH của Lâm Đồng. Hiện diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 43 nghìn ha, chiếm gần 16% diện tích đất nông nghiệp, góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt 145 triệu đồng/ha/năm. Riêng diện tích sản xuất NNCNC doanh thu bình quân đạt gấp hơn hai lần. Trong tổng nguồn vốn hơn 13 nghìn tỷ đồng, được huy động thực hiện chương trình nông nghiệp công nghệ cao, giai đoạn 2011-2014, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ chiếm 2,54%, còn lại nguồn vốn chủ yếu từ doanh nghiệp 35,26% và của người dân 56,53%.
 
Kết quả về nông nghiệp công nghệ cao đã khá rõ, tuy nhiên, vẫn còn những trăn trở trong khâu liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng Nguyễn Trúc Bồng Sơn cho rằng, liên kết ngang và dọc chưa hình thành rõ nét. Liên kết dọc thì ai là người quán xuyến, điều hành, tác động, rồi cơ chế chính sách; còn liên kết ngang hiện tại còn nhiều trăn trở, chuỗi hợp tác chưa tổ chức tốt. “Nói chung, còn nhiều ẩn số trong chuỗi liên kết. Không nằm ở ngành nào, mà là nhà nước” - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho hay.
 
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Lâm Đồng, ông Vũ Văn Tư khẳng định, thị trường tiêu thụ nông sản không thiếu đối với Lâm Đồng, với sự hợp tác liên kết của hơn 10 nhà phân phối lớn, chưa kể các chợ đầu mối. Nhưng phải bỏ tư tưởng tiểu nông, sản xuất phải đảm bảo uy tín, chất lượng và phải liên kết lại.
 
Cái khó của Lâm Đồng là hầu hết doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; nông dân sản xuất manh mún; việc bảo đảm đồng đều chất lượng, số lượng là một vấn đề; rất khó khăn trong ký kết hợp đồng lớn. “Nông dân phải có tư duy ngay từ đầu trong điều kiện hội nhập kinh tế, họ phải tự đứng vào chuỗi cung ứng, là khâu đầu; nhà nước hỗ trợ, tổ chức kết nối… mới bền vững” - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Lâm Đồng cho biết.
 
Chỉ rõ những hạn chế trong thực hiện chuỗi liên kết, Chi cục trưởng Chi cục quản lý nông, lâm sản và thủy sản Lâm Đồng Nguyễn Văn Lục cho rằng: “Tính bao quát thị phần, thị trường kém nên tính ổn định không cao; doanh nghiệp lệ thuộc giá cả thị trường, khó ký hợp đồng giá ổn định lâu dài; uy tín, mức độ chung thủy trong chuỗi còn thấp; tiềm lực doanh nghiệp còn hạn chế, nên khả năng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân chưa nhiều”.
 
Từng bước gỡ “điểm nghẽn” trong chuỗi liên kết, xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn, cho rằng: Đầu tiên, phải rà soát cơ chế chính sách để điều chỉnh, bổ sung; đánh giá lại các hình thức liên kết, thành công thì nhân rộng, chưa thì có biện pháp tác động ngay. Đồng thời, lựa chọn, nuôi dưỡng doanh nghiệp uy tín, có khả năng kết nối với nông dân; nhà nước giám sát, tác động, hỗ trợ, đặc biệt là thông tin liên kết thị trường vùng, miền, quốc gia.
 
Lĩnh vực nông nghiệp được khẳng định là một trong những “trụ cột” phát triển kinh tế ở Lâm Đồng. Thông qua thực hiện Chương trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đã mở ra một hướng đi mới cho ngành nông nghiệp Lâm Đồng, với định hướng phát triển sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường. Và, trên những cung đường làng, diện mạo vùng nông thôn hiện đại mở ra, khi những điểm nghẽn được khơi thông...

 

Theo Báo Lâm Đồng

.