Sau hơn 1 năm thực hiện quy định về ký quỹ nhằm bảo đảm thực hiện dự án đầu tư, đến nay Đồng Nai mới có khoảng 6 dự án tiến hành ký quỹ.
 
 
Việc ký quỹ này do UBND tỉnh ban hành vào đầu tháng 7-2016, dựa trên Nghị định 118/2015/CP-NĐ ngày 12-11-2015. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều điểm chưa quy định rõ ràng khiến doanh nghiệp (DN) vẫn “lách” trong thực hiện nghĩa vụ và kéo dài dự án.
 
Khó siết dự án kéo dài
 
Rất nhiều người dân trong tỉnh đã hy vọng khi Nghị định 118 triển khai nếu có đất quy hoạch trong các dự án sẽ được bồi thường giải tỏa, tái định cư nhanh và tránh được tình trạng chủ đầu tư kéo dài dự án nhiều năm gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Tuy nhiên sau 1 năm thực hiện, thực tế lại không như mong muốn vì trong nghị định chỉ yêu cầu việc ký quỹ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan đăng ký đầu tư và nhà đầu tư sau khi dự án được quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhưng phải trước thời điểm giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
 
Những dự án đầu tư không thuộc diện trên thì thời điểm ký quỹ là khi xem xét làm thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không nêu cụ thể thời gian buộc phải ký quỹ là bao lâu sau khi có quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư. Do đó, chủ đầu tư thường kéo dài thời gian đến khi bồi thường, đền bù xong mới ký quỹ. Như vậy, thời gian thỏa thuận đền bù có thể kéo dài 2-5 năm và lâu hơn nữa, nên dự án vẫn bị kéo dài.
 
Ông Nguyễn Tấn Long, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, cho biết: “Quy định trên không có thời gian cụ thể nên nhà đầu tư vẫn có thể “lách”, kéo dài thời gian thực hiện dự án. Nếu Chính phủ quy định rõ thời gian ký quỹ ngay sau khi có quyết định hoặc giấy chứng nhận đầu tư thì sẽ triệt để hơn”.
 
Theo ông Cao Tiến Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, sau hơn 1 năm thực hiện quy định về ký quỹ theo Nghị định của Chính phủ thì kết quả mang lại chưa được như mong đợi vì quy định chưa chặt. “Sở đã có văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch - đầu tư đề nghị Chính phủ nên quy định rõ sau khi có quyết định chủ trương đầu tư hay cấp giấy chứng nhận đầu tư từ 6-12 tháng buộc nhà đầu tư dự án phải ký quỹ” - ông Dũng nói.
 
Trị tận gốc nhà đầu tư “xí” đất
 
Theo nhiều ý kiến, ngay từ khâu đầu tiên khi chọn lựa chủ đầu tư để giới thiệu địa điểm phải tìm hiểu rõ về uy tín, năng lực, tài chính. Dù có quy định về ký quỹ nhưng nhà đầu tư vẫn có những chỗ để “lách” bằng cách vay ngân hàng ký quỹ để có được dự án rồi để đó hoặc chuyển nhượng...
 
Ông Hà Quan Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển đô thị công nghiệp số 2 (D2D), nêu ý kiến: “Nên sàng lọc kỹ từ khâu giới thiệu địa điểm. Thực tế, việc kiểm tra thực lực nhà đầu tư không khó, tỉnh có thể kiểm tra sao kê các giao dịch ngân hàng trong 2-3 năm gần nhất, liên hệ tìm hiểu các dự án nhà đầu tư đang thực hiện ở các tỉnh, thành khác xem có đúng lộ trình hay không. Nếu chủ đầu tư có nhiều dự án tại các tỉnh, thành khác kéo dài nhiều năm chưa triển khai thì khó có khả năng sẽ làm nhanh dự án tại Đồng Nai”. Đây cũng là một trong những giải pháp để UBND tỉnh, các địa phương lựa chọn được những nhà đầu tư có uy tín, năng lực thực sự để làm dự án.
 
“UBND tỉnh nên kiến nghị Chính phủ quy định ký quỹ ngay từ thời điểm DN được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nếu phải ký quỹ sớm, DN sẽ thực hiện nhanh dự án để được hoàn lại số tiền ký quỹ” -  ông Võ Tấn Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, phân tích.
 
Theo Hương Giang (Đồng Nai)
.