(BVPL) - Thái Nguyên đã có bước tiến ngoạn mục khi vượt lên trở thành “điểm sáng” về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các Khu công nghiệp (KCN). Tính riêng trong giai đoạn 2013-2016, tỉnh có trên 700 dự án đầu tư, trong đó có 80 dự án FDI đầu tư vào KCN với tổng vốn đầu tư gần 7 tỷ USD, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố có vốn FDI trong cả nước. 
 
Trong gần 3 năm (2013-2016), cho dù trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn với không ít biến động, nhưng với sự lãnh đạo sâu sát, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của các cấp chính quyền cùng sự đoàn kết, cố gắng, nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong tỉnh nên tình hình kinh tế - xã hội Thái Nguyên đã có những chuyển biến tích cực. Tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2015 tăng vượt trội (khoảng 25,2% so với năm 2014); Tổng vốn đầu tư trên địa bàn ước đạt trên 79 nghìn tỷ đồng, tăng 32,4% so với cả năm 2014.
 
Thái Nguyên trở thành “điểm sáng” về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các Khu công nghiệp (KCN)
Thái Nguyên trở thành “điểm sáng” về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các Khu công nghiệp.
 
Mới đây, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh về tình hình hoạt động của Ban QL Các KCN tỉnh Thái Nguyên một cách hiệu quả và thúc đẩy thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến, công nghệ nguồn làm động lực, tác động lan tỏa về kinh tế - xã hội trong và ngoài vùng dự án. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số tờ báo phản ánh thiếu khách quan, một chiều ảnh hưởng đến uy tín của Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên và môi trường đầu tư tỉnh Thái Nguyên. 
 
Để rộng đường dư luận, PV đã có buổi làm việc với ông Phan Mạnh Cường – Trưởng Ban quản lý Các KCN tỉnh Thái Nguyên. Tại buổi làm việc, ông Phan Mạnh Cường đã trao đổi thẳng thắn với những thông tin mới nhất cung cấp cho cơ quan báo chí cũng như các đơn vị thông tin liên quan.
 
Lý giải về việc thông tin “Ban Quản lý các KCN không có chức năng đầu tư khu công nghiệp và Vì sao UBND tỉnh lại chấp thuận cho Ban Quản lý các KCN tỉnh được trực tiếp đầu tư 2 dự án Điềm Thụy và Sông Công 2?”
 
Ông Phan Mạnh Cường khẳng định: “Chúng tôi đã căn cứ vào các văn bản pháp luật như  Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách, các Văn bản pháp luật khác có liên quan, các Nghị định của Chính phủ quy định về chức năng nhiệm vụ của Ban quản lý: Về chức năng chủ đầu tư dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên được UBND tỉnh giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư một số dự án hạ tầng trong và ngoài hàng rào KCN sử dụng vốn ngân sách nhà nước là đúng quy định của pháp luật.”
 
 
 
Theo Quy định tại Điều 19- Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của chính phủ quy định: “Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án là tổ chức sự nghiệp trực thuộc chủ đầu tư, có tư cách pháp nhân độc lập, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại kho bạc nhà nước và ngân hàng thương mại theo quy định để thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án được chủ đầu tư giao".
 
Tại Thông tư số 16/2016/TT-BXD ngày 30/06/2016 hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của chính phủ về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng, quy định: " b) Đối với cấp tỉnh: Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập các Ban QLDA chuyên ngành, khu vực theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 18 của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP:… Riêng đối với các thành phố trực thuộc trung ương, các tỉnh đã có quy hoạch với khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu đô thị mới, khu bảo tồn thiên nhiên với số lượng từ hai (02) khu trở lên thì có thể thành lập thêm Ban QLDA khu vực để quản lý các dự án phát triển hạ tầng tại các khu vực này,…
 
Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên, kết quả thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn Thái Nguyên trong những năm gần đây rất ấn tượng: Nếu như năm 2011 chỉ có 70 DN (trong đó có 5 DN vốn FDI), thì đến hết tháng 8/2016 đã có 161 DN (trong đó có 80 DN vốn FDI) tham gia hoạt động tại các KCN Thái Nguyên, so với 2011 tăng hơn gấp 2 lần. Năm 2011 việc giải ngân vốn FDI là 2,1 triệu USD/20,08 triệu USD, thì hết 8 tháng đầu năm 2016 là 6 tỷ /7 tỷ USD (tăng 300 lần). Tình hình giải ngân vốn đầu tư trong nước tăng hơn 6 lần với kết quả tính đến tháng 8/2016 là 7.800 tỷ đồng. Doanh thu xuất khẩu đạt hơn 12 tỷ USD. Nộp ngân sách 8 tháng đầu năm 2016 ước đạt 2.600 tỷ đồng, cao hơn năm 2015 ( là 2.500 tỷ đồng)… Các dự án trong các KCN ở Thái Nguyên đã thu hút gần 90 ngàn người lao động, tăng gần 20 lần so với 2011, và tăng hơn 7 ngàn lao động so với năm 2015. 
 
Các dự án FDI ở Thái Nguyên đã có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế của tỉnh, nhiều dự án đang đầu tư xây dựng và các dự án lớn đã đi vào sản xuất, tạo ra năng lực sản xuất tăng cao, đặc biệt là nhóm sản xuất sản phẩm điện tử, viễn thông và nhóm chế biến khoáng sản sau khai thác… tạo ra khối lượng sản phẩm lớn với giá trị cao, là đòn bẩy kinh tế, tạo đà tăng trưởng đột phá cho sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thái Nguyên.
 
Liên quan đến việc dư luận quan tâm “UBND tỉnh có kiểm soát việc phân bổ tiền ngân sách nhà nước (Bộ KHĐT) hỗ trợ phát triển hạ tầng công nghiệp cấp cho Ban Quản lý KCN Thái Nguyên hay không?”, ông Cường khẳng định: “Theo quy định của Luật đầu tư, Luât Xây dựng và Luật Ngân sách về việc quyết định phê duyệt dự án, phê duyệt, phân bổ vốn, giám sát giải ngân vốn đầu tư xây dựng có mục tiêu từ ngân sách Trung ương hỗ trợ hạ tầng KCN: Được Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp với các Sở, Ngành liên quan tổ chức thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật về đầu tư xây dựng và Luật Ngân sách. Đặc biệt, 1 số thông tin cho rằng việc xây dựng Nhà máy xử lý nước thải đội vốn lên tới gần 70 tỷ đồng là hoàn toàn sai sự thật, trong khi vốn công khai chỉ là 15,2 tỷ đồng mà thôi…”.
 
Cụ thể để đảm bảo vấn đề xử lý nước thải, gìn giữ môi trường KCN, chủ đầu tư đã xây dựng 1 nhà máy xử lý nước thải với tổng mức đầu tư hơn 15 tỷ đồng. Nhà máy này đã được hoàn thành và đi vào hoạt động với công suất 3.000m3/ngày đêm, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường ở KCN sôi động bậc nhất Thái Nguyên hiện nay. Qua quá trình chạy thử nghiệm, nồng độ các chất ô nhiễm có trong nước thải công nghiệp sau khi được xử lý đều có thông số và nồng độ các chất trong nước thải đạt quy chuẩn quốc gia về nước thải.
 
Cũng theo ông Phan Mạnh Cường, công trình xử lý nước thải KCN Điềm Thụy đi vào vận hành sẽ đảm bảo xử lý cơ bản lượng nước thải của hơn hơn 20 nhà máy sản xuất công nghiệp, chủ yếu là các nhà máy sản xuất linh kiện, phụ kiện cho tổ hợp công nghệ cao Samsung tại KCN Yên Bình, thị xã Phổ Yên, tăng thêm sức hút cho KCN.
 
Ngoài ra, một số thông tin gây ảnh hưởng đến uy tín của Ban quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên là việc “kinh doanh không hiệu quả khi giá tiền thuê tại KCN Điềm thụy hiện ở mức 36 USD/m2 thấp hơn nhiều so với các KCN khác”, ông Phan Mạnh Cường khẳng định: “Theo quy định của pháp luật về giá: Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên không có chức năng định giá đất. Việc khảo sát định giá đất trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt là do Hội đồng giá của tỉnh xác định (Hội đồng giá đất là do UBND tỉnh quyết định thành lập). Trên cơ sở, Quyết định phê duyệt giá đất cho thuê tại KCN Điềm Thụy của UBND tỉnh, Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên phối hợp với các Sở, Ngành liên quan triển khai tổ chức thực hiện theo đúng quy đinh của pháp luật.”. Mặt khác giá thuê đất tại KCN Điềm Thụy được UBDN tỉnh phê duyệt là 870.000 đồng/m2 chứ không phải là 36 USD/m2, KCN đã thu hút được 58 dự án với vốn đăng ký gần 600 triệu USD, đã có trên 20 doanh nghiệp đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 6.400 lao động và nộp ngân sách ước trên 100 tỷ đồng năm 2016.
 
Sau những phản hồi của dư luận cũng như sự vào cuộc của các cơ quan thông tấn báo chí, ông Phan Mạnh Cường nhấn mạnh: “Việc dư luận và các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài tỉnh quan tâm đến tổ chức bộ  máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên cho thấy Ban đang tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình và tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về thu hút đầu tư phát triển các KCN góp phần tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Chúng tôi trân trọng sự ủng hộ của các cơ quan thông tấn, báo chí ở trung ương và địa phương đã kịp thời cung cấp các tác phẩm báo chí chân chính, phản ánh khách quan toàn diện, trung thực về các hoạt động liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên theo đúng quy định của pháp luật. Sự ủng hộ này sẽ tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để Ban tiếp tục đấu tranh phản bác lại các thông tin sai trái ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân và môi trường đầu tư Thái Nguyên và tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức để vươn lên hoàn thành suất sắc nhiệm vụ thu hút đầu tư, phát triển các KCN góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX : Sớm xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020.” 
 
Với tư cách là người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp đối với các KCN trên địa bàn tỉnh, ông Phan Mạnh Cường cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, hiện đại, tiên tiến, sản xuất thân thiện môi trường làm động lực, tác động lan tỏa về kinh tế - xã hội trong và ngoài vùng dự án.
 
Quỳnh My 
.