Trong khi cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) chưa thật sự tạo ra được những thuận lợi, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp (DN) xây nhà người thu nhập thấp mua NƠXH từ Nghị quyết 02 của Chính phủ được xem như là một xung lực đối với chương trình phát triển NƠXH của Bình Dương.

Tuy nhiên, sau một thời gian khá dài đi vào cuộc sống, việc giải ngân gói hỗ trợ này đang gặp rất nhiều vướng mắc. Và, có vẻ như mỗi một lần đề cập đến gói 30.000 tỷ đồng, lại là một lần xuất hiện thêm những “nút thắt” mới…

 

 Người thu nhập thấp tại Bình Dương vẫn đang rất khó tiếp cận nguồn vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để mua NƠXH. Trong ảnh: Đăng ký mua NƠXH tại khu chung cư Bexamex Việt - Sing
Người thu nhập thấp tại Bình Dương vẫn đang rất khó tiếp cận nguồn vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để mua NƠXH. Trong ảnh: Đăng ký mua NƠXH tại khu chung cư Bexamex Việt - Sing


Doanh nghiệp chờ... “dài cổ”!

“Becamex IDC đã tiếp cận được gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để phát triển NƠXH chưa?”. “Chưa được đồng nào cả”, câu trả lời của Phó Tổng Giám đốc Becamex IDC Bùi Văn Chiến khiến chúng tôi thật sự bất ngờ! Bất ngờ bởi một đơn vị như Becamex IDC đã cho ra đời một mô hình NƠXH có thể nói là ưu việt nhất cả nước và trên thực tế mô hình này đã được hiện thực hóa với gần 5.000 căn hộ NƠXH được bán với giá cực rẻ (thấp nhất là 100 triệu đồng/căn), vậy nhưng lại chưa thể tiếp cận được gói hỗ trợ này. Cũng theo ông Chiến, Becamex IDC đã ra Hà Nội “ăn chực, nằm chờ” gần 2 tháng ròng để tìm cách tiếp cận gói hỗ trợ trên nhưng kết quả thì… “xôi hỏng, bỏng không”! Thực tế này khiến người ta đặt câu hỏi, phải chăng gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng kia chỉ là một liệu pháp tinh thần?!

Trên thực tế, nút thắt của vấn đề lại nằm ở những quy định còn quá cứng nhắc. Ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng - Tư vấn - Đầu tư Bình Dương (Biconsi) cho rằng, theo Thông tư 07/2013 của Bộ Xây dựng và Thông tư 11/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cho vay hỗ trợ NƠXH theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, DN để được vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng theo quy định tại 2 văn bản này, ngoài các quy định về giấy phép xây dựng và các thủ tục khác, còn phải đăng ký với Bộ Xây dựng và phải được xem xét để nằm trong danh mục do bộ này công bố từng thời kỳ. Điều này không chỉ tạo ra cơ chế “xin - cho” mà còn làm tăng thêm quá nhiều thủ tục, thời gian, chi phí cho DN trong việc đăng ký với Bộ Xây dựng, đặc biệt là đối với các DN ở xa Trung ương như các DN tại Bình Dương. “Cần phải xem xét điều chỉnh lại quy định này và giao cho các ngân hàng thương mại được ủy nhiệm giải ngân, chính quyền địa phương quyết định và kiểm tra việc cho vay…”, ông Nghĩa khuyến nghị.

Với tỷ lệ 30% của gói 30.000 tỷ đồng dành cho đối tượng DN xây dựng NƠXH, sự hỗ trợ nếu có cũng chỉ như là một “cơn mưa rào” trên vùng đất khô hạn. Tuy nhiên, trong thời điểm khó khăn của thị trường như hiện nay, một ít xung lực từ gói hỗ trợ cũng có thể giúp DN xây NƠXH làm được nhiều điều.

Người mua NƠXH cũng khó mong đợi gì nhiều!

Theo con số từ Sở Xây dựng, tại Bình Dương mới chỉ có khoảng 50 hồ sơ vay vốn mua NƠXH từ gói hỗ trợ đã hoàn chỉnh, đã giải ngân được 21 hồ sơ với số tiền 4,777 tỷ đồng. Một con số quá khiêm tốn, cho thấy sự giải ngân từ gói hỗ trợ chỉ mang tính nhỏ giọt mà nguyên nhân của nó là do còn có quá nhiều vướng mắc trong việc triển khai, thực hiện.

Ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Ban Quản lý NƠXH Becamex IDC, cho biết thực tế trong quá trình các đối tượng thu nhập thấp tiếp cận gói hỗ trợ mua NƠXH của Becamex IDC bên cạnh những vướng mắc về thủ tục, xác nhận nhiều thứ giấy tờ rất khó khăn, còn phát sinh thêm nhiều “nút thắt” mang tính đặc điểm của địa phương. Theo quy định, đối tượng được vay vốn phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn, kèm theo điều kiện là phải chưa có nhà ở. Người lao động từ nơi khác đến làm việc tại Bình Dương chưa có nhà thì cũng rất khó có được hộ khẩu thường trú. Cũng theo quy định, các đối tượng như người lao động làm việc tại Bình Dương nhưng sinh sống ở địa phương lân cận đi về hàng ngày, sinh viên, người thực sự cần nhà ở để ổn định cuộc sống tại Bình Dương không thuộc diện mua NƠXH mà lại thuộc đối tượng mua nhà ở thương mại. Nếu các đối tượng này có tiếp cận được nguồn vốn từ gói hỗ trợ thì chỉ có thể mua nhà ở thương mại, không mua được NƠXH…

Cũng theo ông Hùng, việc các ngân hàng cho vay từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng theo hình thức trừ dần nợ gốc và trả lãi hàng tháng, số tiền nộp những tháng đầu sẽ rất cao, gây khó khăn về tài chính cho người thu nhập thấp trong thời gian những năm đầu mua nhà, chưa khuyến khích được người mua NƠXH. “Mặc dù giá bán nhà được nhìn nhận là thấp và người mua được hưởng ưu đãi về lãi suất, nhưng việc thanh toán tiền đối với công nhân lao động là thật sự khó khăn khi phải trả cả gốc và lãi mỗi tháng khoảng 1,5 triệu đồng. Nan giải hơn nữa, họ cũng còn phải trả ngay một lần số tiền đối ứng tương tương 20% giá trị căn hộ…”, ông Hùng nói. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người thu nhập thấp vay vốn mua NƠXH, ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Biconsi cho rằng, phương án cho vay và thu hồi nên tính toán theo hướng những tháng đầu, năm đầu người vay trả gốc và lãi ở mức thấp, sau đó trả cao dần cho đến cuối kỳ vay vốn. Điều này sẽ phù hợp với xu hướng phát triển về năng lực tài chính của người lao động có thu nhập thấp.
 

Theo Báo Bình Dương