Theo Sở Nội vụ TP HCM, các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn chỉ còn thiếu một vài tiêu chí để thành lập quận, nếu xét theo tiêu chuẩn Trung ương quy định.
Ngày 18/1, lãnh đạo Sở Nội vụ TP HCM cho biết, công tác rà soát thực trạng kinh tế - xã hội, hạ tầng và các tiêu chí của huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè để quy hoạch thành quận đã cơ bản hoàn thành. Kết quả sơ bộ cho thấy chỉ còn thiếu một số tiêu chí để đạt điều kiện thành lập quận.
"Sở đang rà soát hết các huyện trước khi báo cáo chính thức bằng văn bản với UBND thành phố vào tháng 3. Hiện chưa có số liệu chính thức nhưng có thể nói về cơ bản thì đủ các tiêu chí. Riêng Nhà Bè thì số dân có thiếu chút ít so với quy định", lãnh đạo Sở Nội vụ cho hay.
"Theo đúng nguyên tắc thành lập quận thì tất cả xã đều thành phường, song một số nơi tình hình nông nghiệp quá nhiều, khả năng lên phường sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, nhìn tổng thể cũng có thể được vì việc lên quận không phải ngày một ngày hai", ông nói thêm.
|
Huyện Bình Chánh có tốc độ đô thị hóa khá nhanh, trên địa bàn hiện có đến 93 dự án khu dân cư đô thị. Ảnh: Trung Sơn |
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, địa phương có mô hình quản lý nông thôn nhưng đang phải áp dụng với thực tế thành thị, quản lý địa bàn với đầy đủ tính chất đô thị tập trung, cao cấp. Riêng dân số 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B của huyện đã bằng nửa số dân của tỉnh Bắc Kạn. Năm 2013, huyện từng lập đề án xin được lên thị xã vì tình trạng tăng dân số cũng như đô thị hóa quá nhanh.
"Cái áo nông thôn quá chật so với thực tế phát triển của huyện, nếu được thành lập quận sẽ thuận lợi hơn, tạo điều kiện cho Bình Chánh phát triển nhanh hơn, người dân ở đây cũng được hưởng lợi nhiều hơn", ông nói.
Hóc Môn hiện có 15 xã và một thị trấn, tốc độ tăng dân số khá nhanh với lượng nhân khẩu gần 500.000 người. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, năm 1997, 5 xã An Phú Đông, Đông Hưng Thuận, Tân Thới Hiệp, Tân Thới Nhất, Thạnh Lộc và một phần hai xã Tân Chánh Hiệp, Trung Mỹ Tây của huyện Hóc Môn được tách ra để thành lập quận 12.
Huyện đang là địa bàn nóng về trật tự xây dựng, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội. Bên cạnh những yếu tố chủ quan thì áp lực tăng dân số cơ học được xác định là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác quản lý.
Trong khi đó, nói về huyện Nhà Bè, một lãnh đạo tỏ ra băn khoăn. Ông cho biết các tiêu chí về hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng xã hội (văn hóa, giáo dục, y tế) tại địa phương còn thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn của một quận. Tương tự, đội ngũ cán bộ quản lý cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.
"Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, huyện sẽ quản lý nhà nước theo cách của quận về quy hoạch, đất đai, quản lý đô thị để từng bước đô thị hóa... chứ lên quận liền thì chưa được. Bên cạnh đó, huyện sẽ chuẩn bị lực lượng, như phấn đấu các xã có 50% là công an chính quy (hiện chỉ có công an viên)", ông này cho biết.
Trước đó, tại buổi đi thực tế tại Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) - 2 xã dân số cao nhất TP HCM - ông Đinh La Thăng yêu cầu UBND chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc rà soát 3 huyện theo hướng quy hoạch thành các quận.
"Việc này không phải để chạy theo cái gì, mà để quản lý tốt hơn, đúng hơn, phục vụ người dân được nhiều hơn. Nếu thực sự đã đủ tiêu chí quận thì chúng ta đề xuất các cơ quan có thẩm quyền", ông Thăng khẳng định.
Theo nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để thành lập quận phải đạt những tiêu chuẩn nhất định về cơ sở hạ tầng, dân số, diện tích, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội...
UBND cấp tỉnh sẽ xây dựng đề án báo cáo Chính phủ. Bộ trưởng Nội vụ trình Thủ tướng quyết định thành lập hội đồng thẩm định đề án thành lập quận; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương tổ chức thẩm định đề án thành lập quận; chủ trì tổ chức khảo sát để phục vụ việc thẩm định đề án thành lập quận.
Sau đó, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập quận.
Theo Trung Sơn/VnExpress