Tuy nhiên, áp lực đối với những tháng cuối năm vẫn còn lớn, đòi hỏi sự điều hành linh hoạt, chủ động và đồng bộ từ Chính phủ và các cấp ngành.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, nền kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu tích cực với sự phục hồi rõ nét của tiêu dùng nội địa, tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu, đồng thời vẫn đối mặt với nhiều thách thức từ áp lực lạm phát và các yếu tố bất ổn toàn cầu. Đây là kết quả thể hiện sự nỗ lực điều hành của Chính phủ và các bộ ngành nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh nhiều khó khăn.

Theo số liệu của Cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì mức tăng đạt 7,2%. Dù chưa đạt mức tăng hai con số như thời kỳ trước đại dịch Covid-19, kết quả này vẫn cho thấy sức mua trong nước đang phục hồi bền vững.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn với 76,5%, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng này tương đương cùng kỳ năm 2024 nhưng thấp hơn thời kỳ trước dịch, phản ánh tâm lý người tiêu dùng ngày càng thận trọng, có xu hướng tiết chế chi tiêu và chuyển dịch từ tiêu dùng số lượng sang ưu tiên chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, các hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái thời gian qua cũng góp phần tạo sự minh bạch và nâng cao nhận thức người tiêu dùng.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. 

Ngược lại, hoạt động tiêu dùng dịch vụ lại có bước tăng trưởng mạnh hơn, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14,7%, doanh thu du lịch lữ hành tăng 23,2%. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong nửa đầu năm đạt 10,7 triệu lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước, tạo đà thúc đẩy ngành dịch vụ phát triển trở lại rõ rệt.

Hoạt động xuất khẩu tiếp tục giữ vai trò động lực chính cho tăng trưởng kinh tế với kim ngạch đạt 219,8 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2024. Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 7,63 tỷ USD, góp phần ổn định cán cân vãng lai, tỷ giá và hỗ trợ kiểm soát lạm phát trong nước. Có tới 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, các nhóm hàng gia công, lắp ráp như điện tử, máy tính và linh kiện tăng 40%; hàng dệt may tăng 12,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 15,4%. Khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục giữ vai trò chủ đạo nhờ sự mở rộng sản xuất và xuất khẩu của các tập đoàn lớn, đồng thời việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP đã giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu.

Để duy trì đà tăng trưởng này, Cục Thống kê đề xuất cần đảm bảo minh bạch chuỗi cung ứng, tăng cường nội địa hóa sản xuất và phát triển công nghiệp hỗ trợ, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các khu vực mới như Ấn Độ, Trung Đông, Nam Á, Đông Âu, châu Phi, đồng thời thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới. Bên cạnh đó, việc tăng cường đối thoại, đàm phán song phương và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp cũng là những nhiệm vụ cần thiết trong thời gian tới.

Mặc dù có nhiều điểm sáng, nhưng áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm vẫn là thách thức lớn. Áp lực này xuất phát từ cả yếu tố bên ngoài lẫn trong nước. Trên thế giới, giá dầu thô có xu hướng tăng trở lại do bất ổn địa chính trị và quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+, chi phí vận chuyển tăng cao do các cuộc xung đột, cùng với nguy cơ biến động giá lương thực do biến đổi khí hậu. Đồng thời, chi phí sản xuất tại chỗ cao hơn do xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng khiến áp lực giá tăng.

Trong nước, việc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu khiến giá thành sản xuất dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá thế giới, trong khi đồng USD tăng giá cũng làm chi phí nhập khẩu tăng lên. Cùng với đó, các chương trình kích cầu phục hồi kinh tế, đầu tư công tăng mạnh, dịch vụ du lịch phát triển cũng góp phần tạo áp lực lên mặt bằng giá.

Cục Thống kê khuyến nghị Chính phủ và các bộ ngành tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả trong và ngoài nước, cảnh báo kịp thời các nguy cơ gây tăng giá. Đồng thời, cần đảm bảo nguồn cung hàng hóa, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas và kiểm soát nghiêm các hành vi tăng giá bất hợp lý, gian lận thị trường nhằm ổn định tâm lý người tiêu dùng và kỳ vọng lạm phát. Việc điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ như tỷ giá và lãi suất cũng đóng vai trò then chốt trong việc vừa hỗ trợ sản xuất kinh doanh, vừa kiềm chế lạm phát. Công tác truyền thông minh bạch, kịp thời cũng giúp tạo sự đồng thuận trong xã hội về các chính sách điều hành giá cả.

Như vậy, kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 đã có nhiều dấu hiệu khả quan với sự phục hồi tiêu dùng và tăng trưởng xuất khẩu, tuy nhiên vẫn cần sự chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt để ứng phó với các thách thức về lạm phát và biến động kinh tế toàn cầu, nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững trong những tháng cuối năm.

Công Ngọc