leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.

Nghị quyết sẽ góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống lãng phí

Trình bày tờ trình, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, trong Nhà nước tiến bộ, đặc biệt là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân thì việc bảo vệ lợi ích công và bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương là tất yếu.

Theo Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến, ở Việt Nam, nhằm tăng cường bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định chủ trương: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước...”. 

leftcenterrightdel
Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến phát biểu tại phiên họp; Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Đức Thái tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đặt ra nhiệm vụ: “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tư pháp, bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân... Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật về khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc trường hợp liên quan đến lợi ích công nhưng không có người đứng ra khởi kiện”.

Theo Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến, hiện nay, thực tế cho thấy, tình trạng lãng phí diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển như: lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả. Chính vì vậy, đồng chí Tổng Bí thư đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm: “Tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo nhân dân và phát triển đất nước. Trọng tâm là: Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí…”.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.

Cùng với đó, Kết luận số 120-KL/TW, ngày 22/1/2025 của Bộ Chính trị về Đề án “Nghiên cứu hoàn thiện quy định của pháp luật về khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc trường hợp liên quan đến lợi ích công nhưng không có người đứng ra khởi kiện” nêu rõ: Trong Quý II/2025, nghiên cứu ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Đắk Lắk; thời gian thí điểm là 3 năm. 

VKSND tối cao đề nghị Quốc hội cho phép việc xây dựng Nghị quyết thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự công ích theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý để VKSND khởi kiện vụ án dân sự công ích để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 

Về phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết, Nghị quyết quy định về việc thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công. 

Về đối tượng áp dụng của Nghị quyết: VKSND, người tiến hành tố tụng thuộc VKSND thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn để khởi kiện vụ án dân sự công ích; Toà án nhân dân, người tiến hành tố tụng thuộc Tòa án nhân dân có thẩm quyền xét xử vụ án dân sự công ích theo quy định tại Nghị quyết này.

Cùng với đó, đối tượng áp dụng của Nghị quyết còn có: Người tham gia tố tụng trong vụ án dân sự công ích; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. 

Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết

VKSND tối cao đề xuất dự thảo Nghị quyết gồm 4 Chương và 19 Điều gồm: 

Chương I. Quy định chung; 

Chương II. Xác minh thông tin và thu thập chứng cứ của vụ án dân sự công ích; 

Chương III. Khởi kiện, thụ lý, giải quyết vụ án dân sự công ích; 

Chương IV. Điều khoản thi hành. 

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh và các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.

Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết như sau:

Thứ nhất: Quy định VKSND khởi kiện vụ án dân sự công ích trong trường hợp không có người khởi kiện để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công và việc bảo đảm quyền khởi kiện của VKSND:

a) Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của VKSND trong việc tiếp nhận, thu thập, thụ lý thông tin về vi phạm; các biện pháp xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để chúng minh vi phạm; thông báo cho các chủ thể có quan kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm khởi kiện. 

b) Quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc phối hợp với VKSND để bảo đảm thực hiện quyền khởi kiện của VKSND; trách nhiệm của các tổ chức giám định tư pháp, định giá,... hỗ trợ VKSND trong việc thu thập chứng cứ để chứng minh vi phạm và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công. 

c) Quy định nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm khởi kiện theo quy định của pháp luật trong việc trả lời cho VKSND về việc thực hiện quyền, trách nhiệm khởi kiện. 

d) Quy định trong trường hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì VKSND hỗ trợ khởi kiện khi có đề nghị. 

đ) Quy định về các trường hợp VKSND khởi kiện vụ án dân sự công ích. 

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.

Thứ hai: Quy định về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự công ích 

a) Quy định việc khởi kiện và giải quyết vụ án dân sự công ích được thực hiện theo Nghị quyết này và theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, quy định khác của pháp luật có liên quan không trái với quy định của Nghị quyết này; 

b) Quy định về thẩm quyền Toà án nhân dân xét xử vụ án dân sự công ích; trách nhiệm của Toà án nhân dân trong việc thụ lý vụ án dân sự công ích; 

c) Quy định những điểm đặc thù về thủ tục tố tụng trong các vụ án dân sự công ích khác với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường gồm: 

- Quy định về quyền phản tố của bị đơn theo hướng trong vụ án dân sự công ích, nếu bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố thì Toà án nhân dân không chấp nhận giải quyết; 

- Quy định về nguyên tắc tiến hành hoà giải trong các vụ án dân sự công ích. Không áp dụng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với vụ án dân sự công ích. Sau khi Tòa án nhân dân thụ lý, vụ án dân sự công ích được hoà giải theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Thoả thuận hoà giải không được miễn, giảm trách nhiệm dân sự của bị đơn nêu trong yêu cầu khởi kiện và không gây tổn hại đến lợi ích công. 

Nội dung phù hợp với quy định của Hiến pháp về bảo vệ quyền con người, quyền công dân

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPLTP) của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực UBPLTP tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết với các lý do được nêu trong Tờ trình của VKSND tối cao; thống nhất với đề xuất của cơ quan soạn thảo về xây dựng, ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: VPQH cung cấp.

Theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, quá trình chuẩn bị hồ sơ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã bám sát và thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng tại Nghị quyết 27-NQ/TW, Kết luận 120-KL/TW và yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; nội dung của dự thảo Nghị quyết phù hợp với quy định của Hiến pháp về bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Cùng với đó, Thường trực UBPLTP cơ bản tán thành với việc xác định các chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương và các lợi ích công được bảo vệ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết.

Để bảo đảm chặt chẽ, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ khái niệm “lợi ích công” với các khái niệm lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng để bao quát đầy đủ và thống nhất với quy định của BLDS, BLTTDS, Luật Đất đai và các luật khác có liên quan; xem xét lại một số trường hợp thuộc nhóm dễ bị tổn thương như “người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự”, “người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn”...

Về thẩm quyền khởi kiện, Thường trực UBPLTP cơ bản tán thành với quy định tại Điều 6 của dự thảo Nghị quyết về thẩm quyền khởi kiện của VKSND. Tuy nhiên, để tăng cường tính minh bạch và thuận lợi cho quá trình thực hiện, tại khoản 2 Điều 6 đề nghị nghiên cứu quy định tách bạch thẩm quyền của VKSND cấp tỉnh và thẩm quyền của VKSND tối cao trong việc khởi kiện vụ án dân sự công ích.

Về nguyên tắc tiến hành hòa giải, khoản 1 Điều 16 của dự thảo Nghị quyết quy định: “Không áp dụng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đối với vụ án dân sự công ích”. Thường trực UBPLTP tán thành việc không áp dụng Luật này đối với trường hợp VKSND khởi kiện để bảo vệ lợi ích công. Tuy nhiên, đối với trường hợp khởi kiện để bảo vệ quyền dân sự của nhóm dễ bị tổn thương thì việc tiến hành hòa giải trước khi Tòa án thụ lý giải quyết vụ án dân sự là cần rất thiết, nhằm tạo điều kiện giải quyết sớm vụ việc dân sự.

Về hiệu lực thi hành của Nghị quyết, thời hạn và phạm vi áp dụng thí điểm: Thường trực UBPLTP nhất trí với quy định của dự thảo Nghị quyết về số lượng 6 tỉnh/thành phố thực hiện thí điểm như Kết luận số 120-KL/TW; tán thành với dự kiến thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết là từ ngày 1/1/2026 để có thêm thời gian hướng dẫn thi hành. Đồng thời, việc quy định thời hạn thực hiện thí điểm trong 3 năm là phù hợp, nhằm có đủ thời gian để thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện.

Minh Khôi