Chiều 13/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 32.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Thư viện; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021; Nghị quyết về việc thành lập thị xã Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên và thị trấn Vĩnh Viễn thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang; Nghị quyết quy định chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật Công an nhân dân năm 2018.
Trước đó, chiều 8/3, Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 13 để thẩm tra Dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân (CAND) có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật CAND năm 2018.
Tại phiên họp, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã thay mặt Ban soạn thảo trình bày tóm tắt Tờ trình số 02 ngày 18/1/2019 của Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành Nghị quyết quy định cụ thể chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật CAND năm 2018.
Theo đó, tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khoá XIV, Luật CAND được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2019; đối với quy định về cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng, phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp Tướng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/1/2019.
Để triển khai thi hành Luật CAND năm 2018 nhằm bảo đảm chế độ, chính sách đối với chức vụ, chức danh của sỹ quan CAND có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng, kịp thời động viên lực lượng CAND tiếp tục hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, việc ban hành Nghị quyết của UBTVQH quy định cụ thể chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật CAND năm 2018 là cần thiết, cấp bách.
Mục đích của Nghị quyết nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng để thực hiện phong, thăng cấp bậc hàm Trung tướng, Thiếu tướng CAND.
Dự thảo Nghị quyết gồm 3 điều: Điều 1 quy định chức vụ của sĩ quan CAND có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng; Điều 2 quy định chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng; Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành Nghị quyết.
Thường trực UBQPAN nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết với lý do như trong Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết nhằm bảo đảm thi hành các quy định về phong, thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trong CAND và bảo đảm tính khả thi, liên tục về quy định cấp bậc hàm cấp Tướng đối với các chức vụ, chức danh trong CAND. Về tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí Tờ trình và nội dung dự thảo Nghị quyết, đề nghị báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định./.
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau 3 ngày làm việc nghiêm túc, tích cực, phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh 5 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết để kịp gửi đại biểu Quốc hội đúng quy định hoặc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4; đồng thời, hoàn thiện dự thảo các nghị quyết để ban hành.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, vừa qua, do cơ quan trình không kịp chuẩn bị nên phải rút 5 nội dung ra khỏi phiên họp này. Vì vậy, phiên họp tháng 4 phải xem xét rất nhiều nội dung và tiến hành trong thời gian khá dài (từ 10-19/4). Trong khi đó, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ diễn ra trong 1,5 ngày (ngày 4 và sáng 5/4), chỉ cách thời điểm khai mạc phiên họp tháng 4 chưa đến 1 tuần, do đó việc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý một số dự án luật là rất gấp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan chủ động, khẩn trương chuẩn bị nội dung thuộc trách nhiệm, không để tình trạng chậm gửi tài liệu hoặc đề nghị chuyển sang phiên họp tháng 5.