Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.

Nên đặt hàng hay đấu thầu sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước?

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Dự thảo Luật quy định 2 phương án đối với hình thức sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước: Phương án 1 - giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; Phương án 2 - giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu. 

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình trước Quốc hội về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). 

Đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất với phương án 1. Lý giải về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, phim là tác phẩm nghệ thuật sáng tạo, sản xuất phim mang đặc thù riêng, không thể chia cắt đứt đoạn, không thể đấu thầu kịch bản. Trình tự, thủ tục theo cơ chế đấu thầu qua nhiều khâu, tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, chất lượng phim.

Bên cạnh đó, quan hệ giữa tác giả kịch bản, đạo diễn và nhà sản xuất khó có được thoả thuận để thực hiện hình thức đấu thầu nhằm lựa chọn nhà sản xuất khác, không sở hữu kịch bản để thực hiện bộ phim. Đối với các nhà thầu thực hiện dự án sản xuất phim, đồng thời là đơn vị sở hữu bản quyền đối với kịch bản được lựa chọn đưa vào sản xuất, các quy trình thẩm định và phê duyệt ngân sách theo hình thức đấu thầu kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, hạn chế chủ động, sáng tạo, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng thừa nhận rằng, phương án 1 hiện còn những vấn đề chưa phù hợp với các quy định của Nhà nước về việc sử dụng vốn ngân sách và các quy định về đấu thầu, đặt hàng dịch vụ công.

Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về nội dung này, đa số ý kiến thành viên Ủy ban lựa chọn phương án 2, gồm cả hình thức đấu thầu, vì thực hiện đấu thầu tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị nhà nước và tư nhân phù hợp với quy định của Luật Đấu thầu. Đồng thời, Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể trường hợp áp dụng hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu.

Tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát phim trên không gian mạng

Dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33 Luật Điện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim.

leftcenterrightdel
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). 

Theo đó, nhà phát hành, phổ biến phim thực hiện theo các quy định về nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh và phân loại phim để tự phân loại và hiển thị kết quả phân loại, cảnh báo cần thiết về nội dung phim cho người xem.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra, xử lý việc tự phân loại phim phổ biến trên không gian mạng theo quy định của pháp luật. Đây được xem là cách tiếp cận mới và linh hoạt trong bối cảnh phát triển không ngừng của dịch vụ phát hành, phổ biến phim trực tuyến, giúp giảm thiểu gánh nặng về chi phí và nhân sự cho các nhà quản lý điện ảnh, tăng cường hội nhập quốc tế, tăng cường thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tuy nhiên, để thực hiện phương án cần xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh (sửa đổi), các quy định về tiêu chí, nội dung phân loại cần hết sức cụ thể. Bên cạnh đó cần xây dựng bộ máy kiểm tra, kiểm soát, hệ thống phản hồi cùng lực lượng thanh tra hoạt động thường xuyên, liên tục để giám sát và xử lý kịp thời những vi phạm.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 23/10.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban cho rằng, cần kết hợp việc tổ chức, cá nhân phổ biến phim tự phân loại phim với việc cấp phép phân loại, trong đó chủ yếu là các tổ chức, cá nhân tự phân loại phim; nghiên cứu cấp phép phân loại đối với những cơ sở phổ biến phim có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và trong điều kiện có thể cấp phép phân loại được.

Bên cạnh đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí phân loại phim chi tiết, minh bạch để các cơ sở sản xuất, phát hành, phổ biến phim có căn cứ tự kiểm duyệt và phân loại phim; quy định trách nhiệm của đơn vị phát hành, phổ biến phim trong việc cung cấp công cụ đo lường, kiểm duyệt tự động; hiển thị cảnh báo cho người xem, gỡ bỏ nội dung vi phạm khi có yêu cầu, cung cấp công cụ để người xem phản ánh nội dung vi phạm; Quy định cụ thể các hành vi vi phạm để có căn cứ xử lý; tăng cường năng lực quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm tra, giám sát; nghiên cứu cơ chế huy động các tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước thẩm định, kiểm soát phổ biến phim…

Cảnh Vũ