Sáng 10/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị tổng kết công tác dân vận toàn quốc năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 do Ban Dân vận Trung ương tổ chức theo hình thức trực tuyến tới các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hội nghị do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai chủ trì.

Các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng dự hội nghị.

Theo báo cáo của Ban Dân vận Trung ương, trong năm 2017, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong năm 2018, Ban Dân vận Trung ương đã thống nhất với Chính phủ chọn năm 2018 là “Năm dân vận chính quyền”.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, công tác dân vận là nhiệm vụ chung, nhưng trước hết các cơ quan Nhà nước, các cán bộ, công chức phải lăn lộn cùng các cán bộ dân vận nắm dân, nắm cơ sở, chống nguy cơ rất lớn là bệnh quan liêu, bệnh xa dân. Vì vậy, việc triển khai nội dung này có ý nghĩa không chỉ trước mắt mà còn ý nghĩa chiến lược lâu dài. Mất dân là mất tất cả.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến sự phối hợp triển khai tích cực của hệ thống dân vận với hệ thống chính quyền các cấp là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới những thành công của năm 2017, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những kết quả của công tác dân vận và nỗ lực của đội ngũ những người làm công tác dân vận.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, những kết quả quan trọng đã đạt được chỉ là bước đầu. Công tác dân vận nói chung và dân vận của hệ thống chính quyền nói riêng cũng còn những hạn chế, như việc cụ thể hoá và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quyết định của Đảng về công tác dân vận có lúc, có nơi chưa kịp thời; chưa phát huy hết sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác dân vận. Trong một số trường hợp, chưa đánh giá, dự báo kịp thời những diễn biến tư tưởng nhân dân; chậm đổi mới nội dung, phương thức vận động, tập hợp quần chúng trong tình hình mới.

Đặc biệt, một số cấp uỷ, chính quyền còn chưa quan tâm đúng mức đối với công tác dân vận và từ đó chưa thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; tính công khai, minh bạch còn yếu; công tác phối hợp của chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu. “Không ít cán bộ không sát dân, xa dân, những nhiễu, tiêu cực, mất uy tín với nhân dân. Đừng chủ quan là dân không biết các hoạt động của chúng ta, các hành vi cụ thể của chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 Về những nhiệm vụ của năm 2018, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, thông báo, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân vận. “Phải lo công tác dân vận từ xa từ sớm, chứ không phải đợi đến lúc cháy nhà, chết người. Mỗi cán bộ, công chức phải có trách nhiệm nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin. Cả hệ thống của chúng ta phải làm công tác dân vận với Ban Dân vận”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm khả thi, đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giải quyết những bức xúc của người dân từ cơ sở, nhất là về đất đai, giải phóng mặt bằng…

Đáng lưu ý là chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển của đất nước, không để chênh lệch giàu nghèo quá mức, nhất là tình trạng nghèo cùng cực. Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong giai đoạn hiện nay, nếu không chăm lo một cách cụ thể, chu đáo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thì dù có nói bao nhiêu về công tác dân vận, công tác quần chúng và quyền làm chủ của nhân dân cũng không có sức thuyết phục”.

Cùng với đó, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo…Tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp. “Cán bộ phải thuyết phục người dân bằng việc nêu gương”, Thủ tướng cho hay.

Ngoài ra, cần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, chính sách nào người dân chưa hiểu thì phải tiếp tục tuyên truyền, giải thích, thậm chí tạm dừng thực thi để giải thích, tuyên truyền cho dân hiểu. Các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường tiếp xúc, đối thoại, thực hiện Quy chế phát ngôn, họp báo định kỳ, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, thông tin phản hồi về cơ chế, chính sách...

Thanh Dịu