Tham dự Hội nghị tổng kết có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị; Đại tướng Lê Hồng Anh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ; đồng chí Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng; đồng chí Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Đặng Quốc Khánh - Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng chí Nguyễn Văn Hùng Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao Và Du lịch; đồng chí Đỗ Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, cùng các Thứ trưởng, ban ngành Trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang tham dự.
Tại Hội nghị, theo gợi mở của Thủ tướng, các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung: Đường lối, quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ với Phú Quốc trong 20 năm qua; phân tích sâu hơn, rõ hơn, kỹ hơn về những thành tựu đã đạt được, những việc chưa làm được, nguyên nhân khách quan, chủ quan và các bài học kinh nghiệm rút ra; cảm xúc, ấn tượng với Phú Quốc qua từng lần tới đây, qua từng giai đoạn; những băn khoăn, trăn trở với Phú Quốc; trong giai đoạn hiện nay, Phú Quốc phát triển như thế nào với định hướng, nhiệm vụ, giải pháp nào; góp ý với Phú Quốc về cơ chế, chính sách đột phá, sự phối hợp của các bộ, ngành, tính tự lực, tự cường của Phú Quốc, của doanh nghiệp và người dân.
Lãnh đạo các bộ, ngành cũng phản hồi, giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Kiên Giang về phát triển Phú Quốc.
Phân tích về tiềm năng, cơ hội, lợi thế của vùng đất này, các đại biểu đánh giá Phú Quốc gồm 22 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc với diện tích gần 590 km2 (bằng gần 80% diện tích Singapore); nằm trên tuyến hàng hải quốc tế; cách thủ đô các nước ASEAN không quá 2 giờ bay.
Phú Quốc có vị trí chiến lược về kinh tế, văn hóa, giao thương, du lịch, quốc phòng, an ninh. Phú Quốc có tiềm năng lớn phát triển các ngành du lịch, dịch vụ, kinh tế biển với bờ biển dài 150 km, có nhiều bãi biển đẹp, biển xanh, cát trắng, nắng chan hòa, nơi có trời xanh, không khí trong lành, có sông suối mát trong. Khí hậu dễ chịu quanh năm. Nhiều đặc sản nổi tiếng như hồ tiêu, ngọc trai, cá trích, nấm tràm…
Phú Quốc cũng là ngư trường lớn nhất phía nam với diện tích tiềm năng nuôi biển gần 1.400 km2 có hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản đa dạng, lớn, trong đó nhiều loại có giá trị cao.
Thiên nhiên ưu đãi với cảnh vật tươi đẹp, tài nguyên phong phú với hơn 60% diện tích tự nhiên là núi, rừng nguyên sinh. Đặc biệt, Vườn quốc gia Phú Quốc với diện tích trên 36,2 nghìn ha với hệ sinh thái rừng, động thực vật phong phú; thuộc Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Phú Quốc có nhiều di tích lịch sử cách mạng, nổi bật là Trại giam Phú Quốc, nơi từng là "địa ngục trần gian", ghi dấu tích bi tráng của gần 40 nghìn chiến sĩ cộng sản yêu nước. Con người Phú Quốc giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết, cần cù, đôn hậu, mến khách, năng động, sáng tạo, khát khao làm giàu cho quê hương, đất nước....
|
|
Thủ tướng gợi mở các nội dung để đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tại Hội nghị Bà Lê Thị Hải Châu - Tổng Thư Ký Hiệp Hội Đầu Tư và Phát Triển Du Lịch Phú Quốc PITDA đã tham luận đưa ra những cái đạt và chưa đạt được của Quyết định 178/2004/QĐ-TTg. Trong 6 mục tiêu của Quyết định 178, Bà khẳng định đã đạt được 2 mục tiêu nổi bật: Một là đưa Phú Quốc trở thành một trong những Trung tâm du lịch hàng đầu trong khu vực và thế giới. Hai là vị trí đặc biệt về đối nội, đối ngoại, an ninh quốc phòng phụ thuộc vào vị trí địa lý đưa Phú Quốc thành khu hành chính đặc biệt.
Bà Lê Thị Hải Châu khẳng định Phú Quốc là của Việt Nam. Phú Quốc phải mang bản sắc của Việt Nam, với cơ chế chính sách, doanh nghiệp xây dựng phát triển Phú Quốc là của Việt Nam. Với góc nhìn doanh nghiệp Bà mạnh dạn đề xuất phương án, thứ nhất chính sách ưu đãi cho đầu tư cho doanh nghiệp cần được duy trì. Thứ 2 Phú Quốc từ đô thị loại 3 lên loại 2 và phấn đấu lên loại 1 năm 2025, Chính phủ nên xem xét và đưa ra Quốc hội cần phân cấp thẩm quyền cho Phú Quốc trên cơ sở xây dựng một đề án phát triển.
|
|
Đồng chí Đỗ Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang phát biểu Hội nghị |
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng, sớm dự thảo Thông báo kết luận Hội nghị trình Thủ tướng Chính phủ ban hành để thống nhất thực hiện; đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan xây dựng Đề án mới về phát triển Phú Quốc để đề xuất cấp có thẩm quyền, đưa Phú Quốc phát triển nhanh, bền vững hơn trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát huy nội lực, con người Phú Quốc và Kiên Giang.
Thủ tướng ghi nhận, đánh giá sau 20 năm phát triển Phú Quốc: Tiềm lực được tăng cường hơn; hạ tầng chiến lược đồng bộ hơn; sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, nhân dân và bạn bè quốc tế nhiều hơn; uy tín, vai trò, vị thế của Phú Quốc tăng lên; đóng góp cho GDP, thu ngân sách, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cao hơn; thời cơ, thuận lợi nhiều hơn dù khó khăn, thách thức cũng không ít hơn, nhất là cho phát triển xanh, bền vững và phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương nỗ lực và thành tựu đạt được của chính quyền, quân và dân Thành phố Phú Quốc nói riêng, tỉnh Kiên Giang nói chung suốt nhiều năm qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Nguyên nhân đạt được những kết quả nói trên là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng lòng, giúp đỡ của các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Kiên Giang và thành phố Phú Quốc; sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ rõ những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức, như Phú Quốc chưa phát triển đúng tầm và có thể phát triển tốt hơn. Phú Quốc cũng đang phát triển nóng, có nhiều yếu tố thiếu bền vững như bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường (vẫn chưa có nhà máy, trung tâm xử lý rác thải phù hợp quy mô dân số); hạ tầng chuyển đổi số còn nhiều khó khăn.
Cùng với đó, tiềm năng lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Môi trường và nguồn nhân lực còn nhiều thách thức. Yêu cầu, điều kiện, sự phát triển càng ngày càng cao hơn nhưng nguồn lực, cơ chế huy động nguồn lực chưa được như mong muốn, chưa ngang tầm sự phát triển. Bên cạnh đó là những bất cập liên quan quản lý đất đai, đời sống một bộ phận người dân còn gặp khó khăn...
Theo Thủ tướng, có 3 vấn đề rất quan trọng để phát triển các đảo gồm nước, điện và sóng. Theo đó, Thủ tướng phân tích 6 bài học kinh nghiệm sau 20 năm thực hiện Quyết định 178
Thứ nhất, nhận diện, đánh giá đúng tiềm năng, cơ hội, lợi thế, khó khăn, vướng mắc trong phát triển để từ đó có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.
Thứ hai, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự tin, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, bởi thực tế Phú Quốc đã "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".
Thứ ba, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, tăng cường giám sát, kiểm tra.
Thứ tư, cơ chế huy động nguồn lực phải thông thoáng, kết hợp giữa nguồn vốn Trung ương và địa phương, nguồn lực Nhà nước và xã hội, đẩy mạnh hợp tác công tư bằng nhiều hình thức.
Thứ năm, phát triển con người, công tác cán bộ, đào tạo nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định.
Thứ sáu, phải quan tâm, đầu tư đúng mức để bảo vệ môi trường, sinh thái.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu quán triệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh, Thành phố.
Thực hiện nghiêm các quy hoạch, trong đó có Đồ án quy hoạch chung Phú Quốc tới năm 2040 đã được phê duyệt; phát triển Phú Quốc theo mô hình đa trung tâm, thành phố xanh, thông minh; hình thành chuỗi đô thị tập trung, bao gồm du lịch, trung tâm dịch vụ, giải trí; cảng hàng không, cảng biển; khu bảo tồn thiên nhiên...
Phát triển mạnh mẽ kinh tế biển kết hợp chặt chẽ giữa tận dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Tiếp tục chú trọng tạo sự chuyển biến về chất, bảo đảm sự bền vững trong phát triển du lịch Phú Quốc.
Thủ tướng nhấn mạnh "6 đẩy mạnh" trong nhiệm vụ, giải pháp phát triển Phú Quốc thời gian tới, gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng thị trường để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại về giao thông, y tế, giáo dục, xã hội, công nghệ thông tin, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa cho Phú Quốc gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hình thành các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trong nước, khu vực và toàn cầu; đẩy mạnh phát huy, khai thác truyền thống văn hóa lịch sử bản sắc, hào hùng của Phú Quốc, Kiên Giang, vùng ĐBSCL gắn với phát triển dịch vụ và du lịch; đẩy mạnh hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương với Phú Quốc và Kiên Giang để Phú Quốc phát triển theo mục tiêu đã đề ra.
Trước đó, trong chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang đến thắp hương tại Đền tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Phú Quốc. Sau đó Thủ tướng cùng đoàn đã khảo sát khu xây dựng tượng đài Bác Hồ (phường Dương Đông), cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, hồ nước Dương Đông, bãi rác tạm Đồng Cây Sao (xã Cửa Dương), Trung tâm Y tế TP Phú Quốc và khảo sát dự án thí điểm cho thuê môi trường rừng Phú Quốc (dự án Safari - vườn thú bán hoang dã lớn nhất Đông Nam Á).
Ngoài việc khai thác, bảo tồn và phát huy tài sản của rừng Phú Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang quy hoạch lại Bệnh viện TP Phú Quốc nhằm chăm sóc sức khỏe người dân và du khách tốt nhất. Trong chiều ngày 30/3, Tập đoàn Sun Group đã tổ chức Lễ khởi công tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng và giải trí biển Hòn Thơm với quy mô đầu tư lên tới 50.000 tỉ đồng. Đây được xác định là một trong các dự án trọng điểm góp phần đưa TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) trở thành Trung tâm du lịch và du lịch sinh thái biển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các dự án do Tập đoàn Sun Group đầu tư. Thủ tướng nhấn mạnh, những dự án của Tập đoàn Sun Group đã làm thay đổi diện mạo của địa phương, là nhà đầu tư chuyên nghiệp trên lĩnh vực du lịch, văn hóa, Thủ tướng yêu cầu Sun Group triển khai dự án đúng tiến độ, đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quy hoạch, đầu tư dự án.
|
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công tổ hợp du lịch Hòn Thơm (TP Phú Quốc) |
Đây được xác định là một trong các dự án trọng điểm của TP Phú Quốc, trên con đường hiện thực hóa mục tiêu trở thành Trung tâm du lịch và du lịch sinh thái biển phát triển ở trình độ cao theo Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg của Chính phủ. Trung tâm của tổ hợp là khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 6 sao Ritz Carlton Reserve Hon Thom. Thiết kế của khu nghỉ này được lấy cảm hứng từ vẻ đẹp hoang sơ của biển và rừng TP Phú Quốc, nhằm tạo ra một không gian gần gũi với thiên nhiên và giữ gìn môi trường luôn trong tình trạng tốt nhất.