Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thời gian qua, Chính phủ và VKSND Tối cao đã thực hiện nghiêm túc, toàn diện cơ chế phối hợp trên các mặt công tác, nhất là 10 nhiệm vụ phối hợp, như phối hợp trong đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống oan sai…

leftcenterrightdel

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về vai trò, trách nhiệm công tố của Viện kiểm sát tại các phiên tòa được tăng cường. Quan điểm giải quyết các vụ án từ giai đoạn đầu đến khi truy tố bảo đảm khách quan, toàn diện, có căn cứ, đúng pháp luật. Chất lượng tranh tụng tiếp tục được nâng lên, oan sai giảm.

“Viện kiểm sát là cơ quan uy tín của Đảng, Nhà nước và của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh và nhắc lại vụ việc quán cà phê Xin chào tại TP.HCM cách đây khoảng 2 năm cũng như một số vụ việc liên quan, đồng thời đánh giá cao Viện kiểm sát đã xử lý rất nghiêm túc các cán bộ vi phạm.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ với chức năng, nhiệm vụ sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ, tạo điều kiện để VKSND Tối cao hoàn thành nhiệm vụ được giao bởi “Chính phủ kiến tạo, phục vụ sự phát triển chính là nói điều này, chứ không phải Chính phủ xin - cho, gây khó khăn”.

Nghị quyết liên tịch số 15 được ký kết năm 2010 giữa lãnh đạo Chính phủ với lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về phối hợp công tác trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật.

Về những phương hướng hợp tác của hai cơ quan trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị nâng cao chất lượng công tác lập dự toán bảo đảm các mặt hoạt động của ngành Kiểm sát, bảo đảm đúng pháp luật, sử dụng có hiệu quả hơn ngân sách của Nhà nước. Làm tốt hơn công tác kháng nghị phúc thẩm ngang cấp. Nâng cao chất lượng tranh tụng. Kiểm soát chặt chẽ, kịp thời việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Tin tưởng công tác phối hợp giữa hai cơ quan thời gian tới sẽ đạt kết quả tốt, Thủ tướng cho rằng cần thống nhất quan điểm là không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, hành chính, tạo điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị VKSND Tối cao đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề án hợp tác với các bộ, ngành, bảo đảm các điều kiện nhằm thực hiện tốt nhất chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát theo quy định của pháp luật. Tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn luật, nhất là Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự… Thủ tướng cũng mong muốn tổ chức thường niên việc đánh giá phối hợp công tác như thế này.

Theo báo cáo tại hội nghị, thời gian qua, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật, Chính phủ và VKSND Tối cao đã triển khai thường xuyên, liên tục công tác phối hợp. Điều này được thể hiện cụ thể qua các nội dung công việc như: Xây dựng thể chế; phối hợp xử lý tố giác, tin báo về tội phạm; giải quyết các vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các việc khác theo quy định của pháp luật.

Thông qua công tác phối hợp đã mang lại những hiệu quả nhất định cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Chính phủ, các cơ quan hành chính Nhà nước và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của hệ thống cơ quan Viện kiểm sát các cấp.

 

Cũng trong chiều (18/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với lãnh đạo TAND Tối cao để đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp công tác theo Nghị quyết liên tịch số 15. Cùng tham dự có Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Chánh án TAND Tối cao cho biết, các dự án luật Chính phủ chủ trì xây dựng đều tham khảo ý kiến của Tòa án và ngành Tòa án đều tích cực tham gia. Và một số luật gần đây để tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội có nhiều nội dung thuộc phạm vi hướng dẫn của Tòa án như giải quyết nợ xấu, khắc phục nợ đọng bảo hiểm.

Dựa trên thực tiễn xét xử, như xét xử các vụ án về ngân hàng, Tòa án có nhiều kiến nghị, góp ý về việc xây dựng cơ chế, chính sách, phòng chống tội phạm.

Chánh án TAND Tối cao cũng cảm ơn Chính phủ mời tham dự các phiên họp thường kỳ; tạo điều kiện, hỗ trợ ngành Tòa án trong đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng Học viện Tòa án.

Nêu khó khăn cấp thiết hiện nay là cơ sở vật chất, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, nhiều trụ sở Tòa án xuống cấp. Theo chủ trương cải cách tư pháp, mô hình phòng xét xử phải thay đổi, như phòng xét xử về hôn nhân gia đình phải khác phòng xét xử hình sự, phải thân thiện hơn. Để làm điều này, Tòa án kiến nghị Chính phủ bố trí kinh phí để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất.

Cho rằng cải cách tư pháp lấy Tòa án làm trung tâm theo tinh thần Nghị quyết 49, Thủ tướng nhìn nhận, ngành Tòa án có chuyển biến tích cực. “Phiên tòa giờ khác trước nhiều lắm, như tranh tụng tại tòa không hạn chế thời gian, các loại tòa án theo thông lệ quốc tế, rồi vấn đề công khai, minh bạch, cải cách hành chính, tạo điều kiện cho người dân giám sát…”, Thủ tướng nói. Các cơ quan quốc tế đánh giá rất cao các cải cách trong hệ thống Tòa án Việt Nam.

Về thực hiện quy chế phối hợp giữa Chính phủ và TAND Tối cao, Thủ tướng cho biết, Tòa án đã tham gia cùng Chính phủ xử lý giải quyết khiếu nại đông người kéo dài; tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật. Công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật của Tòa án có nhiều đổi mới, nhất là huy động trí tuệ, tâm huyết của những người đã và đang công tác trong hệ thống tòa án, các nhà khoa học pháp lý.

“Có thể nói, công tác phối hợp giữa Tòa án và Chính phủ được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả, nhất là trong thi hành án dân sự, xây dựng pháp luật, hướng dẫn pháp luật, công tác tương trợ tư pháp…”, Thủ tướng nêu rõ. Chính phủ luôn tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp trong thực hiện Nghị quyết 49 có kết quả, đặc biệt là về cải cách tư pháp, trong đó có xây dựng cơ sở vật chất ngành Tòa án.

Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đẩy mạnh thực hiện quy chế phối hợp công tác mang tính thường niên hơn. Trong đó, có vấn để đẩy mạnh công tác hòa giải trong giải quyết vụ án dân sự, rồi vấn đề xét xử lưu động để giáo dục, phổ biến pháp luật trong tình hình hiện nay... Theo Thủ tướng, ngành Tòa án cần quan tâm những vấn đề lớn của dư luận xã hội, bức xúc của xã hội để thúc đẩy xét xử nhanh hơn.

                                                                                                                                                                            Xuân Hưng (th) theo VGP