Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức nhằm tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018.
|
|
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng – Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị |
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng – Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Hội nghị, cùng hơn 650 đại biểu gồm: đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Trung ương MTTQ Việt Nam; các bộ, ban, ngành, đoàn thể; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí; các đồng chí đại diện thường trực cấp ủy, Trưởng ban Tuyên giáo, Giám đốc sở thông tin và truyền thông, Chủ tịch Hội nhà báo, Tổng Biên tập báo Đảng, Giám đốc Đài phát thanh – Truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2017 tại Hội nghị cho biết, hiện cả nước có 849 cơ quan báo, tạp chí in, trong đó có 185 báo (Trung ương: 86, địa phương: 99), 664 tạp chí (Trung ương: 530, địa phương: 134). Có 195 cơ quan báo chí điện tử đã được cấp phép, trong đó 171 cơ quan báo, đài, tạp chí thực hiện loại hình báo điện tử. Có 178 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp cho các cơ quan báo in, phát thanh, truyền hình để khai thác thế mạnh của loại hình thông tin hiện đại này, đáp ứng nhu cầu thông tin trong tình hình mới, nhất là khi thông tin trên mạng xã hội ngày càng có ảnh hưởng đến xã hội. Cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình với tổng số kênh phát thanh, truyền hình trong nước được cấp phép là 281 kênh. Năm 2017, cả nước có 33 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, với khoảng hơn 13 triệu thuê bao, tổng doanh thu ước đạt 8.000 tỷ đồng.
Về cơ bản, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Báo chí đã tuyên truyền đậm nét các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền triển khai thực hiện các đạo luật đã được sửa đổi, ban hành. Đặc biệt, báo chí đã tuyên truyền hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Trong năm 2017, báo chí đã thông tin, phản ánh toàn diện và kịp thời về các sự kiện và sinh hoạt chính trị quan trọng, các hoạt động kỷ niệm lớn của đất nước như: Sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (Khóa XII) về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh -Liệt sĩ, kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN và 22 năm Việt Nam tham gia ASEAN, Hội nghị lãnh đạo cấp cao của 21 nền kinh tế APEC và các hoạt động trong năm APEC 2017... Thực hiện ngày càng có hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãnh phí, quan liêu, tiêu cực; tích cực phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu công cuộc đổi mới; tích cực trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, biên giới lãnh thổ, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, góp phần củng cố lòng tin nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, năm 2017, báo chí đã vào cuộc mạnh mẽ đấu tranh chống các thông tin xấu, độc, phản bác các quan điểm sai trái trên môi trường mạng internet... chủ yếu tập trung khai thác phát tán những vấn đề tiêu cực, thông tin một chiều, gây bức xúc cho địa phương.
Cùng với ưu điểm, thành tích là chủ đạo, trong hoạt động báo chí vẫn còn tồn tại những khuyết điểm, hạn chế đó là, thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ, không tập trung phản ánh hoạt động của ngành, lĩnh vực mình, mà sa đà phản ánh những vấn đề thuộc lĩnh vực khác. Nhiều báo, tạp chí điện tử chủ yếu tập trung khai thác phát tán những vấn đề tiêu cực, thông tin một chiều, gây bức xúc cho địa phương, doanh nghiệp và cá nhân. Đăng tải quá nhiều thông tin về mặt trái của xã hội, miêu tả các hành vi tội ác, các vụ án với nhiều chi tiết tỉ mỉ, rùng rợn... gây cảm giác nặng nề, u ám trong đời sống xã hội. Có nhiều báo, tạp chí điện tử chưa kiểm soát được hoàn toàn nội dung bình luận, để lọt một số bình luận có nội dung sai sự thật, thậm chí xuyên tạc, bôi nhọ, xúc phạm danh dự của tổ chức, cá nhân.
Về quảng cáo vẫn xảy ra tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng có nội dung không rõ ràng, gây hiểu lầm đó là sản phẩm thuốc. Tình trạng nhiều cơ quan báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp tự ý lấy tin, bài, hình ảnh của báo khác mà không xin phép, không có sự đồng ý và không dẫn nguồn. Đặc biệt, tình trạng “đánh hội đồng”, kết án vụ việc, hiện tượng mà không cần xem xét đến các quy định của pháp luật, các kết luận của cơ quan chức năng, làm giảm lòng tin của công chúng và của chính quyền các cấp vào báo chí. Một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí tại địa phương và cả đội ngũ cộng tác viên hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ; vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Nhiều trường hợp phóng viên chỉ soi mói, tìm những sơ hở, hạn chế của tổ chức, của doanh nghiệp, của địa phương để gây áp lực với động cơ không lành mạnh. Thậm chí có tình trạng phóng viên liên kết thành những “liên minh báo chí”, tổ chức theo nhóm lấy danh nghĩa cùng đi tác nghiệp nhằm sách nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, theo kiểu ép ký hợp đồng quảng cáo, hợp tác truyền thông và gỡ, sửa bài sau khi đăng một cách tùy tiện, vụ lợi. Cá biệt, có một số phóng viên, nhà báo đã vi phạm pháp luật trong quá trình tác nghiệp, bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Có xu hướng gia tăng tình trạng “báo hóa” các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử, thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích theo quy định của giấy phép… Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp nhưng có tên miền dễ gây hiểu nhầm là trang tin của cơ quan báo chí, cơ quan nhà nước.
Tại Hội nghị, đã có 10 ý kiến tham luận, trao đổi của dại diện các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản và các cơ quan báo chí về các vấn đề cần quan tâm trong công tác báo chí, cũng như đời sống báo chí – truyền thông thông qua công tác báo chí 2017, phân tích ưu điểm, thành tích; hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan; dự báo tình hình; trên cơ sở đó, xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp công tác báo chí năm 2018.
Sau phần tham luận của các đơn vị, đồng chí Võ Văn Thưởng trao tặng Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho 5 tập thể có thành tích nổi bật trong chỉ đạo, chủ quản, tham mưu về công tác báo chí năm 2017 đó là: Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, công tác báo chí năm 2017 có chuyển biến tích cực và toàn diện. Tuy nhiên cần khắc phục những hạn chế, khuyết điểm nêu trên, rút ra bài học kinh nghiệm, nỗ lực hơn nữa, phát huy kết quả năm 2017. Năm 2018 cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về chính trị, tư tưởng, tạo ý chí thống nhất, đồng thuận trong xã hội để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, bám sát các vấn đề, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước để thông tin, tuyên truyền; Phát huy vai trò đi đầu của báo chí trong đấu tranh phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống các xu hướng “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; Khắc phục khuynh hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, đăng tải quá nhiều thông tin có nội dung tiêu cực, mặt trái của xã hội, phản cảm; Nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền, xây dựng tòa soạn báo chí với phương pháp quản trị hiện đại. Xây dựng đội ngũ nhà báo giỏi nghề, có bản lĩnh chính trị; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả và đúng các quy định của Luật Báo chí 2016 và 10 Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo; Nâng cao chất lượng của công tác chỉ đạo, định hướng báo chí; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về báo chí và thông tin điện tử; Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý, Hội nhà báo và cơ quan chủ quản; Tạo cơ chế thúc đấy kinh tế báo chí…; Chủ động phối hợp, cung cấp thông tin tích cực trên mạng xã hội và trên môi trường internet, nhằm tạo ra sự cộng hưởng tốt với thông tin trên báo chí; Cơ quan chủ quản cơ quan báo chí tiếp tục rà soát, nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan báo chí thuộc quyền, khẩn trương thực hiện sắp xếp, quy hoạch lại các cơ quan báo chí theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025...
Trân Định – Phi Sơn