Sáng 12/6, Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội được Quốc hội thảo luận trong phiên họp toàn thể tại hội trường. Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường bày tỏ sự thống nhất cao với việc xây dựng và ban hành Nghị quyết; cho rằng Nghị quyết được thông qua sẽ góp phần tăng nguồn lực, quyền chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển Thủ đô trong điều kiện mới.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh phiên thảo luận sáng nay. 

Các đại biểu nhấn mạnh, Nghị quyết được xây dựng và ban hành phải bảo đảm yêu cầu tuân thủ Hiến pháp, phù hợp chủ trương định hướng của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, gắn với tăng cường trách nhiệm của chính quyền Hà Nội; thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch, bảo đảm việc thực hiện kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp của Thành phố, giám sát của người dân, của các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể.

Cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù thí điểm đối với Thủ đô phải đặt trong tổng thể xu thế phát triển chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, trên tinh thần Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội phát triển ngày càng văn minh, hiện đại.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) phân tích, dù Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô năm 2012 nhưng thực tế những chính sách đột phá để Thủ đô phát triển quy định trong Luật này rất hạn chế, thậm chí “bị vo tròn thành cái chung”.

“Cơ chế chính sách để Thủ đô phát triển cần phải có đôi cánh. Cánh thứ nhất là chính quyền đô thị. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội rất trăn trở câu chuyện này. Song hành với chính quyền đô thị phải là cơ chế chính sách liên quan đến tài khóa. Việc đến kỳ họp này mới đề nghị Quốc hội cơ chế tài khóa đặc thù cho Hà Nội đã là chậm, cũng là do chúng ta thận trọng” – ĐB nói.

Lần này Chính phủ trình Quốc hội một số cơ chế tài khóa đặc thù cho Hà Nội là cần thiết. Việc đầu tư đối với Thủ đô Hà Nội không phải chỉ là sử dụng nguồn lực ngân sách của TP mà còn cần được đầu tư từ ngân sách T.Ư, sự phối hợp đầu tư của các bộ, ngành để cùng phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm.

leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp 

Thực tế trước Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã được Quốc hội ban hành một Nghị quyết riêng (Nghị quyết số 54) về cơ chế chính sách tài khóa đặc thù cho TP. ĐB Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh, những cơ chế chính sách tài chính – ngân sách đặc thù mà Hà Nội đề xuất lần này, so với cơ chế đặc thù mà TP Hồ Chí Minh đã có tại Nghị quyết 54 là không mới, thậm chí còn bó gọn hơn, không toàn diện bằng.

Cùng chung nhận xét này, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhận định, TP Hồ Chí Minh còn có nhiều cơ chế khác để tạo nguồn lực thêm nữa nhưng Hà Nội lại không đề xuất, ví dụ được tự quyết chuyển đổi đất nông nghiệp sang các quỹ đất khác. Về việc đề nghị cho TP Hà Nội được chủ động bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí, theo ĐB, nếu có được nguồn thu này sẽ là cơ sở tạo ra điều kiện phát triển vượt trội của Thủ đô. Mặt khác, không nhất thiết các khu vực có một mức phí như nhau, mà có thể quận, huyện có mức khác nhau.

Một số ĐB Quốc hội khác, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự đồng tình với Dự thảo nghị quyết về chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Hà Nội. Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh), Hà Nội là Thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính của quốc gia và quan trọng hơn là bộ mặt của quốc gia. Hiện, nguồn thu ngân sách của Hà Nội đóng góp vào tổng thu chung khoảng 17%. Năm 2019, Hà Nội thu khoảng 263.000 tỷ đồng và được chi khoảng 100.000 tỷ đồng. Tỷ lệ điều tiết để lại cho Hà Nội là 35%. Tuy nhiên, bình quân đầu người ở Hà Nội là 5.200 USD/người/năm, đứng thứ 8 trong 63 tỉnh, TP. Do đó, cần thiết phải đầu tư thêm cho Hà Nội về cơ sở hạ tầng, đường sá quá tải…

Phát biểu kế thúc thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị quyết tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu, hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Xuân Hưng