Xử phạt vi phạm của bà Phạm Thị Yến chưa đủ răn đe
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về vấn đề lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để thực hiện hành vi mê tín dị đoan, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện dẫn Điều 24 Hiến pháp quy định mọi người có quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng, không ai được xâm phạm hay lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để vi phạm pháp luật.
Theo ông, bản chất của tôn giáo là tốt đẹp, sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng là nhu cầu của nhân dân, xã hội luôn tôn trọng quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân. Tuy nhiên vừa qua có một số cá nhân lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật.
Với vấn đề này, ông Thiện cho biết pháp luật sẽ xử lý và dư luận xã hội sẽ lên án vì vi phạm đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục. Ông cũng cho biết Bộ VH-TT-DL sẽ thực hiện một số giải pháp như tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản ngăn ngừa mê tín dị đoan, lên án, phê phán hành vi mê tín dị đoan.
Nhắc đến trường hợp bà Phạm Thị Yến ở chùa Ba Vàng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Chủ tịch TP Uông Bí đã xử phạt hành chính với bà Yến mức cao nhất là 5 triệu đồng. “Và nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì truy tố hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan”, ông Thiện nói.
|
|
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện |
Nêu giải pháp, ông cho rằng cần thường xuyên kiểm tra, thanh tra vi phạm trong hoạt động văn hóa. Với các văn bản quy phạm pháp luật để phòng ngừa mê tín dị đoan thì có Luật Tôn giáo tín ngưỡng, cấm lợi dụng tôn giáo để trục lợi, và một số Nghị định quy định mức xử phạt hành chính. Ông Thiện cho rằng nếu làm tốt công tác phòng ngừa, xử lý thì hiện tượng như đại biểu nêu sẽ giảm bớt và chấm dứt.
Tranh luận với Bộ trưởng Thiện vào chiều 5/6, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng, có việc tuyên truyền mê tín dị đoan ở Ba Vàng, gồm có hoạt động thỉnh vong, thu tiền bất chính, xúc phạm vong linh anh hùng liệt sĩ, tác động đến tư tưởng, nhận thức và văn hoá của đông đảo quần chúng nhân dân. Đồng thời, các hoạt động này tác động trực tiếp đến người tham dự và tác động gián tiếp đến người khác qua mạng xã hội. Bà cho rằng việc xử phạt rất nhẹ.
“Bộ trưởng có nghĩ đến việc xem xét lại với vai trò quản lý ngành xử phạt đúng người đúng tội chưa, có cần thiết cơ quan pháp luật truy tố bà Phạm Thị Yến trước pháp luật hay không?”, đại biểu đặt câu hỏi. Bà cũng muốn biết giải pháp chống tái diễn tình trạng trên như thế nào, vì sau khi bị xử phạt thì bà Yến tiếp tục tuyên truyền đưa lên mạng, thách thức cơ quan pháp luật.
Đại biểu Lê Trường Giang (tranh luận) cho rằng, Bộ trưởng trả lời chưa thoả đáng chất vấn của đại biểu, khi chỉ nói đến trách nhiệm của địa phương mà không nói đến trách nhiệm quản lý của ngành. Về trả lời của Bộ trưởng liên quan vụ chùa Ba Vàng, đại biểu cho rằng chưa thoả đáng. “Bộ trưởng nói vi phạm đó xử lý ở mức cao nhất rồi. Nếu quy định chưa phù hợp thì phải sửa”, đại biểu đề nghị.
Theo ông, hành vi của bà Phạm Thị Yến là vi phạm hình sự chứ không phải vi phạm hành chính với 2 lý do: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và truyền bá mê tín dị đoan.
Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp cũng cho rằng riêng vấn đề này, Bộ trưởng đã trả lời nhiều nhưng thật sự chưa thoả đáng. “Đề nghị Bộ trưởng phối hợp với địa phương phối hợp trả lời thoả đáng”, Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo.
Có “kinh doanh chùa” hay không?
Về câu hỏi đại biểu có “kinh doanh chùa” hay không, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân tham gia trả lời và cho biết theo quy định của pháp luật Việt Nam và Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì không có quy định về kinh doanh chùa.
Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định cũng chưa phát hiện hành vi kinh doanh chùa để vụ lợi. Tuy nhiên, thời gian qua có một số cá nhân lợi dụng vào niềm tin của nhân dân, của phật tử để hoạt động mê tín dị đoan và trục lợi, gây bức xúc trong cộng đồng xã hội.
Có một số đại biểu nêu tình trạng công chức góp tiền xây chùa để kinh doanh, song Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định hiện chưa phát hiện trường hợp cán bộ, công chức nào góp tiền xây dựng chùa để kinh doanh trục lợi. Theo quy định tại Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thì cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo được hình thành theo tập quán, do thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp. Thời gian qua việc xây dựng các cơ sở thờ tự tôn giáo cũng nằm trong các dự án do nhân dân đóng góp.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết từ ngày 20/3 đến 28/3, các cơ quan chức năng gồm Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Quảng Ninh, Hội đồng Trị sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều văn bản gửi các bộ, ngành xác minh, làm rõ và báo cáo Chính phủ nội dung này.
Ông cho biết qua kiểm tra xác minh phản ánh của các lực lượng chức năng, UBND tỉnh Quảng Ninh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thống nhất xác định những sai phạm pháp luật và giới luật của phật giáo, từ đó đưa ra các giải pháp. Theo Bộ trưởng Nội vụ, sau khi xử lý vụ việc trên, dư luận xã hội đã lắng xuống. Đa số đồng tình với quyết định xử phạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chính quyền địa phương.
Ông cho rằng việc xử lý kịp thời này đã tạo được niềm tin đối với các tăng ni phật tử và quần chúng nhân dân.
Để khắc phục tình trạng trên và tăng cường quản lý Nhà nước, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết sẽ tập trung một số nhiệm vụ như tiếp tục đề xuất Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa Luật tín ngưỡng tôn giáo, trong đó có Nghị định xử phạt hành chính về lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo.
|
|
Các đại biểu quan tâm vấn đề xây dựng và quản lý chùa |
Bên cạnh đó, không để xảy ra các hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để làm lệch chuẩn về đạo đức, phản văn hóa, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Tiếp đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến tín ngưỡng tôn giáo cho người dân, các chức sắc tôn giáo và người tu hành; tăng cường công tác đào tạo, bồi dường kỹ năng, kiến thức chuyên ngành trong quản lý Nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời phát hiện các vi phạm trong lĩnh vực tôn giáo.
Cần trả lời “ai sở hữu chùa”
Đại biểu Thích Bảo Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam) gửi tới Bộ trưởng VH-TT-DL câu hỏi và giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế trong phòng ngừa mê tín dị đoan, xuất phát từ công tác tổ chức phòng ngừa mê tín dị đoan chưa đồng bộ hiệu quả, quản lý chưa đạt như mong muốn.
Trước ý kiến về một số đại biểu phản ánh về một số nghi lễ như dâng sao, giải hạn, thỉnh vong diễn ra tại một số chùa trong thời gian qua; có ý kiến đại biểu nêu về loại hình chùa BOT, chùa xây dựng có sự góp vốn của cá nhân, tổ chức, với tư cách một đại biểu Quốc hội, một tu sĩ phật giáo, và trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam, ông khẳng định tất cả chùa trên cả nước đều do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội phật giáo các địa phương cùng nhân dân xây dựng quản lý.
“Không có chùa nào nằm ngoài hệ thống này, đặc biệt, khẳng định không có chùa nào có sự góp vốn, đầu tư xây dựng từ những cá nhân, công chức, tập thể với mục đích kinh doanh mà đại biểu nêu với một cụm từ rất mới là BOT”, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.
Ông cũng thừa nhận có tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng những hiện tượng sai lệch giáo luật của một số nhà tu hành tại các chùa, có ứng xử chưa phù hợp với các phật tử đến lễ chùa đều đã được Giáo hội phật giáo Việt Nam và Giáo hội phật giáo các địa phương nhắc nhở, xử lý, kỷ luật nghiêm khắc.
“Giáo hội phật giáo Việt Nam không dung túng, bao che cho bất kỳ người tu hành nào, đặc biệt là các chức sắc khi vi phạm đạo đức và giáo luật”, ông khẳng định.
Tranh luận với Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) trước hết chia sẻ việc gia đình ông mấy đời theo đạo Phật và luôn tôn trọng các tôn giáo, hoạt động tâm linh tín ngưỡng chân chính. Tuy nhiên, ông đề nghị Chính phủ cho biết một vấn đề mà nhân dân đang lúng túng chưa hiểu, đó là “các chùa do ai sở hữu”. Đại biểu cũng đặt hàng loạt câu hỏi “Người sở hữu làm gì để bảo đảm không có vụ lợi cá nhân? Nếu có vụ lợi thì quy định luật pháp nào để quản lý? Kinh nghiệm các nước quản lý nguồn thu thế nào cho đúng pháp luật và chân chính?”.
Theo ông, truyền thống bao đời nay là có công đức tự nguyện, từ người nghèo đến người giàu có thiện chí ủng hộ xây cái này, tặng cái kia đều không vụ lợi, không nhằm khai thác vì lợi ích cá nhân. Vì thế, Chính phủ cần trả lời quản lý sở hữu công trình tâm linh thế nào, nguồn thu ra sao để đáp ứng nhu cầu tâm linh chân chính, bảo đảm thăm chùa chiền không bị "chặt chém" bởi việc lợi dụng tâm linh.