Nhất định chiến thắng bởi, Nhân dân tin và làm theo chủ trương, quyết sách của Đảng và Chính phủ. Và, ngược lại các cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước đã đặt trọn niềm tin, trân quý Nhân dân, với yêu cầu cao nhất là “sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là mục tiêu tối thượng”.

Nhất định chiến thắng, bởi sự chung sức, đồng lòng chiến đấu với kẻ thù vô hình, nhưng sức tàn phá có thể coi như “giặc”. Và, thông điệp “Chống dịch như chống giặc” của Việt Nam có giá trị như lời hiệu triệu toàn dân tin tưởng và ủng hộ cuộc chiến chống dịch COVID-19.

leftcenterrightdel
Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN 

Bàn về cuộc chiến chống “giặc” COVID-19 trong dịp cả đất nước hân hoan chào mừng kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, càng có ý nghĩa sâu sắc. Lòng yêu nước, đức hy sinh, tinh thần đoàn kết, ý chí bất khuất, khát khao giành chiến thắng có giá trị bất biến không chỉ trong khoảng thời gian 45 năm (đại thắng mùa Xuân năm 1975), 66 năm (chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954) mà rộng hơn, sâu hơn đó là sự kết tinh của dòng chảy lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Giá trị của Việt Nam, tinh thần của Việt Nam, ý chí của Việt Nam đã và đang được thế giới ghi nhận. Có thể điểm lại những nhận định từ chính giới, các học giả và các hãng thông tấn lớn của thế giới, ngay sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng: “Thắng lợi mãi mãi ghi vào sử sách”;  “Nhân dân Việt Nam có truyền thống đấu tranh anh dũng”; “Gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù”; “Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất châu Á là sự kiện 30/4 của Việt Nam, ‘dư chấn’ rung động địa cầu”…

Liên tưởng đến những ngày này, Việt Nam đang khống chế thành công dịch COVID-19 có thể coi là “rung chấn” của một thời kỳ mới - thời kỳ mà Việt Nam với tiềm lực kinh tế nhỏ nhưng vẫn trụ vững, trong khi các quốc gia giàu mạnh nhất thế giới, có nền y học tiên tiến, hiện đại bậc nhất lại đang có nguy cơ suy sụp bởi dịch COVID-19.

leftcenterrightdel
Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị cho một bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 (Ảnh: Tuấn Trình)  

Tính đến ngày 30/4/2020, trên toàn thế giới có gần 3,2 triệu người nhiễm COVID-19, với hơn 227.000 người tử vong. Trong đó, Mỹ - cường quốc kinh tế số 1 thế giới có hơn 1 triệu ca nhiễm, với hơn 60.000 người thiệt mạng. Trong khi Việt Nam, cùng thời điểm có những ca nhiễm đầu tiên so với Mỹ, nhưng đến nay chỉ có 270 người mắc COVID-19, với hơn 83% số người bệnh được chữa khỏi. Và, điều đặc biệt là chưa có ca nào bị tử vong, cho dù có nhiều người bệnh đến từ nước ngoài tuổi cao, với nhiều bệnh nền nguy hiểm, nhưng đã được Việt Nam cứu sống. Để rồi, sau khi được cứu chữa bằng sự tận tâm, nhiệt huyết và trình độ của đội ngũ bác sĩ và các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch của Việt Nam, trước khi lên máy bay về nước, vợ chồng bệnh nhân người Anh đã bày tỏ: “Các bác sĩ Việt Nam thật tuyệt vời, họ đã cứu tôi. Tôi nghĩ nếu ở Anh, chưa chắc tôi đã sống được". Lời tri ân của bệnh nhân người Anh có lý do, bởi tại thời điểm này, nước Anh ghi nhận hơn 148.000 người nhiễm COVID-19, với hơn 20.000 ca tử vong. Một con số thật buồn!

leftcenterrightdel
Vợ chồng bệnh nhân người Anh (mặc áo bệnh nhân/áo đen) và các nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tối 13-4, trước khi ông bà ra viện và về nước - Ảnh: BVCC 

Cũng một bệnh nhân mang quốc tịch Anh (bệnh nhân thứ 57) khi làm thủ tục xuất viện đã xúc động trong nước mắt, nói lời “cảm ơn” bằng tiếng Việt và chia sẻ “Ở đây tôi được chăm sóc, điều trị hơn cả sự mong đợi của mình, tôi thấy thật sự hạnh phúc và biết ơn điều này”. Về phần mình, bệnh nhân mang quốc tịch Mỹ (Bệnh nhân thứ 69), trải lòng trước khi ra viện: “Tôi cảm ơn Việt Nam đã cứu tôi và bảo vệ gia đình tôi cũng như người dân ở đây. Các y bác sĩ ở đây đã làm những gì tốt nhất để cứu mạng tôi". 

Trước đó, là những bệnh nhân nước ngoài đầu tiên được chữa khỏi tại Việt Nam, hai cha con bệnh nhân nhiễm virus corona tới từ Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc đã gửi bức thư cảm tạ. Nội dung:… cảm ơn Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế Việt Nam, những người đã dang tay giúp đỡ khi chúng tôi gặp nạn. Các bác sĩ và y tá đã chữa trị cho chúng tôi bằng tất cả sức mạnh và sau cùng đã giúp chúng tôi khỏi bệnh. Chúng tôi cảm nhận được chính lòng tử tế của các bạn đã cứu chúng tôi và chúng tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi. Chúng tôi muốn hét lên từ tận đáy lòng mình rằng: Cảm ơn Việt Nam!...

Đó là khí chất và bản lĩnh Việt Nam, là sự hào hiệp và danh dự của Việt Nam. Rồi đây trong cuộc “trường chinh” chống dịch COVID-19, sẽ còn nhiều bức thư, những bài viết, sự chia sẻ từ đáy lòng của bạn bè năm châu gửi tới Việt Nam, cảm ơn và ngợi ca Việt Nam. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng sẽ có nhiều bài viết, phân tích, luận giải những kinh nghiệm, bài học về sự thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch. 

Trong đó, bài học đầu tiên, quan trọng nhất phải kể đến đó là lòng yêu nước và tinh thần đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Đó là chủ trương đúng, cùng các giải pháp phù hợp, với thể chế vững chắc và quyết tâm chính trị rất cao từ cấp lãnh đạo Trung ương đến địa phương và cơ sở - tất cả cùng vào cuộc. Đó là sự tận tâm, tài năng tuyệt vời của các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, trong đó nòng cốt là chiến sĩ áo trắng và lực lượng vũ trang. 

Đó là sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, trong đó có hàng chục triệu học sinh, sinh viên với khẩu hiệu “ở nhà là yêu nước”, nhằm thực hiện cách ly xã hội, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch. 

Đó là sự sẻ chia của toàn xã hội, là hoạt động thiết thực của Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, những người nổi tiếng, giới văn nghệ sĩ... đã chung tay chống dịch. Đó là hình ảnh của “hũ gạo nuôi quân” thủa nào, nay được kế thừa, nâng lên một bước thành “ATM gạo” hỗ trợ người dân nghèo, để “không ai bị bỏ lại phía sau”. 

leftcenterrightdel
  ATM gạo hỗ trợ người nghèo trong mùa dịch. Ảnh: Hoa Nữ 

Đó là sự minh bạch và đầy trách nhiệm của Việt Nam trong việc công bố thông tin, chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong khối ASEAN và cộng đồng quốc tế. Đó là sự tử tế, nhân nghĩa của Việt Nam, cho dù còn rất khó khăn, nhưng sẵn sàng nhường cơm, xẻ áo, tặng khẩu trang, chất khử trùng, vật tư y tế chống dịch COVID-19 cho các nước láng giềng và bạn bè nhiều nơi trên thế giới.

Cùng với tinh thần đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng, chúng ta cần kể đến đức hy sinh của người Việt Nam ta. 

Đó là sự hy sinh của đội ngũ doanh nhân - doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và rất nhiều tiểu thương đã tạm gác “hầu bao” để thực hiện việc đóng cửa, cho dù sản xuất kinh doanh đình đốn, bên bờ vực phá sản, nhưng vẫn chung tay hỗ trợ bằng vật chất, tinh thần cho công tác phòng, chống dịch. 

Đó là sự hy sinh lợi ích của từng cá nhân, trong đó có sự hy sinh của người chiến sĩ trẻ đã “lỗi hẹn” với bạn gái quê nhà, cho dù tấm thiệp hồng của ngày cưới đã tới. Nhưng, theo tiếng gọi của Tổ quốc, người chiến sĩ đó đã cùng đồng đội “xung trận”, ăn rừng, ngủ lán để nhường nơi ở tốt nhất cho những người bị cách ly. 

leftcenterrightdel
 Bộ đội ăn rừng, ngủ lán, nhường nơi ở tốt hơn cho người dân cách ly (ảnh: Dântri)

Đó là sự hy sinh đến từ những người thầy thuốc, ròng rã nhiều tháng trời lao tâm, khổ trí chăm sóc bệnh nhân, để lại ở nhà những cháu bé nhỏ, hoặc cha già, mẹ yếu, thậm chí khi bậc sinh thành qua đời cũng không thể về nhà làm tròn chữ hiếu. Những sự hy sinh đó tưởng chừng như khiêm nhường, nhưng cộng lại của triệu triệu người Việt Nam thì đó là đức hy sinh lớn lao. Sự hy sinh đó, cùng với tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, sáng tạo, vì dân của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị, trong đó có “binh chủng” báo chí, đồng thanh tương ứng… thì chắc chắn, ngày chiến thắng sẽ đến thật gần.

leftcenterrightdel
Hình ảnh những bác sĩ, nhân viên y tế tranh thủ chợp mắt ngay tại nơi làm việc. Xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến công lao to lớn của đội ngũ chiến sĩ - bác sĩ, nhân viên Y tế đang nỗ lực cao nhất để chăm sóc khỏe Nhân dân. (Ảnh: TTXVN) 

Vẫn biết, những thách thức đối với dân tộc Việt Nam chưa khi nào vơi cạn. Chúng ta không quá chủ quan, không được “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”. Nhưng, chúng ta tràn đầy sự lạc quan tin tưởng vào ý chí, bản lĩnh, khát vọng, tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam, tin vào sự gắn kết máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Và, trong kho báu của Việt Nam ta vẫn vẹn nguyên giá trị của lòng yêu nước nồng nàn, nhất là mỗi khi Tổ quốc bị lâm nguy.

Tiếp nối lịch sử dựng nước và giữ nước, chúng ta tự tin ngẩng cao đầu, viết thêm trang sử mới của dân tộc Việt Nam, sau kỷ niệm 45 năm Đại thắng mùa Xuân 1975, chúng ta sẽ quyết tâm giành chiến thắng đại dịch COVID-19, cũng như chiến thắng bất kể kẻ thù nào được coi là “giặc”. Và, trong những ngày của tháng 5 lịch sử, chúng ta có đầy đủ niềm kiêu hãnh, tự hào để cùng hát vang những ca khúc Niềm tin chiến thắng, Đất nước trọn niềm vui, Như có Bác trong ngày đại thắng, với những giai điệu hào sảng “Niềm tin chiến thắng sẽ đưa ta đến bến bờ vui”/“Niềm tin chiến thắng luôn mãi trong tim chúng ta”; “Ta muốn reo vang hát ca muôn đời Việt Nam/Tổ quốc Anh hùng”… 

Hạnh Nguyên